Sau sinh con, mẹ suốt ngày chán nản
Chuyện tử tự của chị Phùng Thị T. khiến cả khu phố Khâm Thiên, Hà Nội náo loạn cả lên trong một thời gian dài.
Mới đây thôi, sự kiện mẹ tròn con vuông của chị khiến ai trong gia đình cũng vui sướng, thế mà trong một buổi đêm yên tĩnh, chị lao đầu từ tầng 4 xuống tầng 1 để lại đứa con nhỏ miệng hôi sữa chẳng biết gì cùng niềm thương xót tột cùng của cả gia đình.
Được biết, mấy hôm từ viện về nhà, em bé có triệu chứng khó thở, chị lo lắng quá mức trong khi bà ngoại bận việc ở quê nên về nhà gấp, chồng thì lại bận vào đúng đợt công tác,... khổ tâm, day dứt, nghĩ quẩn chị đã tự làm khổ bản thân mình.
Không gặp trường hợp nặng nề, thương tâm như chị Phùng Thị T, nhưng chị Phương (Mai Động, Hà Nội) cũng mắc phải chứng trầm cảm nhẹ sau sinh.
Trầm cảm sau sinh là một hiện tượng mà nhiều bà mẹ đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ dễ mắc phải (Ảnh minh họa)
Lần đầu làm mẹ, vốn bản tính hay lo xa, dù chị Phương khá may mắn hơn nhiều người nhưng chị vẫn bị trầm cảm. Sau khi sinh con, chị được cả gia đình nội ngoại xắn tay vào giúp đỡ, kinh tế lại dồi dào, chồng chăm bẵm, ai nhìn vào cũng khen chị số sướng: "chỉ cần suốt ngày ngồi ngắm con". Thế mà chị vẫn rầu rĩ khi chồng về nhà muộn một chút, con hơi húng hắng ho một chút, thậm chí có lần con khóc dữ dội quá, chị còn có ý định “ném con qua ban công cho đỡ khóc”, nghĩ lại thấy mình là người mẹ có lỗi, suốt ngày chị quay đầu vào tường khóc thút thít.
Chẳng ai có thể biết rằng hành động đó liệu có thành hiện thực hay không nếu chỉ có chị và con trong nhà.
Chị Hường (Lâm Đồng) cũng gặp hiện tượng này sau khi sinh con đầu lòng, bé Lâm Lâm nhà chị suốt ngày khóc vì đói, nhưng cứ cho ti là bé lại sặc nôn hết cả ra, mỗi ngày bé ăn rất nhiều bữa nhưng không bữa nào no, bé suốt ngày khóc ngằn ngặt ra đòi ăn. Đến chuyện ngủ, bé ngủ cũng không ngon giấc, suốt ngày cựa mình, khóc quấy. Điều này khiến chị mệt mỏi vô cùng.
Chưa hết, một ngày chị thấy con mình có triệu chứng khò khè khó thở, đi khám, bác sĩ phán bé có triệu chứng viêm phổi cần thử máu, dường như đây là đòn chí mạng với người lần đầu làm mẹ như chị, chị đau khổ vật vã, lo lắng, suy diễn linh tinh. Rồi chị còn ngủ mơ thấy con bị mất, đang đêm chị giật mình nhảy chồm chồm lên sờ tim con còn đập không là chuyện như cơm bữa. Một thời gian chị trầm cảm nặng nề dù gia đình cố gắng khuyên can như thế nào.
Chia sẻ trên diễn đàn về mẹ và bé, chị Megaungudong tâm sự, chị bị tiền sản giật, bé lại sinh non nên phải nằm trong lồng kính. Sau một thời gian, khi bé được đưa về với mẹ thì hai mẹ con dường như hai người lạ, bé suốt ngày kêu khóc, chị ẵm trên tay mà bé cứ ưỡn người. Mệt mỏi, có lần chị còn định vứt luôn con vào sọt rác cho rảnh nợ.
Sau sinh, chị em cần sự quan tâm chăm sóc của người thân
Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng một phòng khám sản phụ khoa ở Hà Nội cho biết trầm cảm sau sinh là một hiện tượng mà nhiều bà mẹ đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ dễ mắc phải.
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này: do quá trình vượt cạn khiến cơ thể người mẹ thay đổi nội tiết dẫn đến tình trạng mệt mỏi và cảm xúc dễ bị ảnh hưởng; mẹ đơn thân; sự thờ ơ của gia đình; khó khăn tài chính; di truyền...
Những đối tượng dễ bị mắc chứng trầm cảm sau sinh đó là: Người có tiền sử mắc chứng này, làm mẹ dưới 18 tuổi, người dễ xúc động, người có bệnh…
Theo bác sĩ Dung, trước khi sinh con, hai vợ chồng nên bổ sung kiến thức thai sản,
chăm con để khi "nhập cuộc" không bỡ ngỡ
Những người mẹ gặp phải tình trạng này nếu không được gia đình, xã hội can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới hệ quả khó lường: ngoài suy nhược tinh thần, giảm cân, hoang tưởng, họ còn dễ bị kích động dẫn tới nhiều hành động không kiểm soát được, gây nguy hiểm cho em bé.
Triệu chứng: Người mẹ luôn cảm thấy tuyệt vọng, cảm giác mình cô đơn, người thân xa lánh, chồng bỏ rơi, mệt mỏi triền miên,…; luôn có cảm giác mình là người bệnh dù không bị bệnh gì; khó kiềm chế cảm xúc, lúc nào cũng muốn được “nổ tung”; khó ngủ; cảm giác tội lỗi thường trực…
Nếu bị trầm cảm sau sinh ở mức độ nhẹ thì chỉ một thời gian ngắn sau, người bệnh sẽ tự điều chỉnh, hoặc nhờ sự tư vấn của chuyên gia họ sẽ dễ dàng vượt qua.
Vì thế nếu ai hoặc có người thân gặp hiện tượng này, bạn cần tới ngay những cơ sở y tế tin cậy để khám bệnh càng sớm càng tốt, không nên chờ đến khi mức độ nặng lên thì việc điều trị càng gặp khó khăn hơn. Với nghiệp vụ của bác sĩ, chị em mắc chứng này sẽ được điều trị bài bản.
Bên cạnh đó, dù mắc hay chưa mắc phải triệu chứng của trầm cảm sau sinh thì vai trò của người chồng, trách nhiệm của người chồng đối với vợ trong gia đình rất quan trọng. Ngoài việc chu cấp vật chất cho gia đình, cho vợ con, người đàn ông nên thể hiện tình cảm với vợ bằng cách động viên, an ủi, chia sẻ, giúp đỡ vợ trong việc nhà, việc chăm con.
Thêm vào đó, trước khi sinh con, người mẹ và người chồng cần dành thời gian tìm hiểu, bổ sung những kiến thức về tiền sản, chăm sóc con cái, bản thân. Hiểu được lý thuyết sẽ giúp người trong cuộc chủ động với tình trạng của mình.
Gia đình của sản phụ thường xuyên nên tạo bầu không khí vui vẻ, đầm ấm, cùng nhau chăm sóc hai mẹ con. Bản thân sản phụ cũng nên chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân, dành thời gian nghỉ ngơi sau khi sinh em bé.
Bên cạnh niềm hạnh phúc khi có em bé thì sau khi sinh các bà mẹ còn phải đối phó
với các cảm xúc như sự phấn khích, sợ hãi, niềm vui, lo lắng.