Thời tiết giao mùa là lúc trẻ dễ ốm. Một trong những căn bệnh đang có dấu hiệu lây lan nhanh gần đây khiến nhiều phụ huynh sợ hãi chính là trẻ nhiễm virus RSV. Mới đây chị Thu Hương (sống tại Hà Nội) đã chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con trong khoảng thời gian bé nhiễm bệnh, hy vọng có thể giúp ích cho các bậc phụ huynh. 

Virus RSV (virus hợp bào hô hấp) là một trong những nguyên nhân thường gặp gây bệnh đường hô hấp (viêm tiểu phế quản, viêm phổi) ở trẻ em. Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa virus RSV và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phát hiện bệnh sớm để có kế hoạch điều trị và chăm sóc kịp thời là rất quan trọng.

Không chủ quan trước dấu hiệu bệnh của con

Thời điểm hiện tại đang giao mùa, khí hậu lúc nóng, lúc lạnh với độ ẩm không khí cao nên tạo điều kiện thuận lợi cho virus sinh trưởng.

Lúc mình đưa Xoài đi viện, bác sỹ cũng nói đang là mùa RSV, số lượng các bé mắc rất nhiều. Có lúc viện quá tải và bạn nào nhẹ thì có thể về nhà theo dõi. Ngay từ khi chuẩn bị đẻ Xoài mình cũng đã tìm hiểu, phòng tránh cho con từ lúc con sinh ra và đến giờ là 9 tháng. Thì đây là lần đầu tiên con ốm phải đi viện. 

Ban đầu Xoài chỉ húng hắng ho, mình theo dõi và cho con đi khám. Bác sĩ kiểm tra kết luận Xoài bị viêm mũi họng (sau khi nội soi) và cho về nhà. Hàng ngày mình vệ sinh mũi họng cho con và uống siro ho nhưng không thấy đỡ, hiện tượng khò khè tăng, có dấu hiệu rút lõm ngực nên mình đã cho Xoài tái khám ngay khi có dấu hiệu. Kết quả test RSV dương tính và Xoài nhập viện ngay hôm ý.

Sau thời gian chiến đấu với virus RSV, mẹ Hà Nội nhấn mạnh không thơm môi, không mớm thức ăn cho trẻ - Ảnh 1.

Cô bé Xoài thời gian ở trong viện.

Vì con còn nhỏ nên các bác đi kiểm tra tình trạng liên tục. Mình cũng được giải thích rõ về bệnh, hiểu rõ khi mắc RSV có giai đoạn các bé nếu đề kháng kém sẽ tiến triển bệnh nhanh, viêm tai giữa, viêm phổi, khó thở và buộc phải thở máy. Trộm vía Xoài nhà mình không bị, con vẫn ngoan, không quấy khóc và rất hợp tác với bác sĩ. Tuy nhiên, dấu hiệu rút lõm các mẹ nên lưu ý vì đó cũng đã là 1 trong dấu hiệu cần theo dõi sát sao.

Mấy hôm ở viện, mình cũng thấy có bé bị nặng, bé đi khám ban đầu test RSV âm tính, kết luận sốt virus. Nhưng về mãi không cắt sốt, đi khám lại thì đã bị viêm tai giữa và test RSV dương tính. Các con sẽ có biểu hiện sốt cao 39, 40 độ, sốt liên tục, lúc sốt nóng lúc rét run, bé quấy khóc, chẳng ăn uống được, sp02 xuống thấp và cuối cùng phải thở oxy. Con khóc, mẹ khóc, tiếng máy chạy, tiếng các bác sĩ, điều dưỡng xung quanh. Mình nằm nghe thui còn thấy hoảng.

Sau thời gian chiến đấu với virut RSV, mẹ Hà Nội nhấn mạnh KHÔNG THƠM MÔI, KHÔNG MỚM ĐỒ ĂN cho trẻ - Ảnh 2.

Cô bé rất dũng cảm chiến đấu khi bị bệnh.

Đến lúc về nhà rồi, quá trình chăm sóc Xoài mình vẫn theo dõi cẩn thận. Và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Kinh nghiệm rút ra sau khi chăm con bị nhiễm RSV

Virus này sẽ tác động mạnh nhất với các bé dưới 1 tuổi, các bé lớn 2-3 tuổi vẫn sẽ có trường hợp dính nhưng triệu chứng sẽ nhẹ hơn. Đừng chủ quan các mẹ ạ, theo dõi triệu chứng của con nếu có những biểu hiện sau:

- Con xuất hiện các cơn ho húng hắng, mũi nhẹ các mẹ vẫn có thể sử dụng nước muối, xịt, hút mũi cho con (trong trường hợp mũi nhiều và dịch mũi trong). Nhưng khi con xuất hiện cơn ho nhiều hơn, ho có đờm, mũi đặc vàng xanh thì nên đi khám theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt nếu thấy con nôn trớ, sốt, thở nhanh, rút lõm ngực thì nên vào viện kiểm tra luôn. Dù KHÔNG SỐT nhưng có dấu hiệu lạ các mom cũng hãy cho con đi kiểm tra nhé.

- Nếu sốt được xác định do vi khuẩn thì không lây, nhưng do virus là sẽ lây, nên nếu nhà có 2 bạn nhỏ thì nên tách ra để tránh lây chéo cho nhau. Người chăm bé nên giữ vệ sinh, đeo khẩu trang để hạn chế lây bệnh. Đa phần các bạn khi nhiễm RSV đều có thể bị nhiễm thêm vi khuẩn. Qua xét nghiệm máu mới phát hiện ra và lúc này nên theo chỉ định bác sĩ.

- Virus RSV có khả năng lây từ con sang mẹ. Trong quá trình chăm Xoài mình cũng bị lây nhưng tình trạng nhẹ hơn nhiều. Ban đầu hơi gai họng, sau đó xuất hiện ho và tiếp đến là dịch mũi. Thấy mẹ giường bên cũng nói sau khi con bị thì mẹ cũng bị rát họng, ho như con luôn. Đến nỗi con thì hết ho rồi mà mẹ thì vẫn còn ho.

6 điều cần nhớ để tránh con nhiễm virus RSV

- Một lần nữa nhấn mạnh là KHÔNG THƠM MÁ, THƠM TAY, THƠM MÔI TRẺ, KHÔNG THỔI, KHÔNG MỚM ĐỒ ĂN nha người lớn ơi.

- Khi có dấu hiệu ốm nên hạn chế tiếp xúc với trẻ hoặc trong trường hợp là người chăm sóc chính thì cần đeo khẩu trang phòng lây lan. Hạn chế Đặc biệt với trẻ dưới 6 tháng tuổi vì đề kháng của các bạn chưa được tốt.

- Không ho, hắt hơi hay trò chuyện sát mặt trẻ.

- Người hút thuốc không nên gần gũi trẻ vì khói thuốc sau khi hút sẽ bám vào quần áo, hơi thở nên khi tiếp xúc trẻ sẽ bị hít phải hơi độc từ thuốc.

- Vệ sinh tay chân sạch sẽ trước khi bế và chơi với trẻ.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các bố mẹ trong việc chăm sóc con nhỏ khi bé bị nhiễm virus RSV!