Cẩm My (25 tuổi) ngồi làm việc trong căn phòng trọ chỉ 20m2 ở Hà Nội, xung quanh la liệt các mô hình đồ chơi. Trên kệ sách, bàn học của cô cũng ngổn ngang những mô hình cao khoảng 5-15cm. Trên giường, chân bàn và góc nhà cũng bừa bộn với những mô hình có kích thước lớn hơn, cao khoảng 30-60cm.

Nhẩm đếm nhanh, My thấy mình đã sưu tầm được khoảng 80 mô hình bé và gần 30 mô hình to, tất cả đều từ việc xé túi mù, đập hộp mù mà có.

"Hai tháng trước, mình bắt đầu theo trào lưu xé túi mù, mua về xé thử, số mô hình trở thành rất lớn từ lúc nào không hay. Khi mình quyết định dừng không chơi xé túi mù nữa thì bạn bè lại rủ rê mua hộp mù về đập thử, đặt chung số lượng lớn sẽ được miễn phí vận chuyển. Cứ thế, mình không dứt ra được. Giờ thì chật cả nhà rồi, muốn bỏ đi nhưng lại thấy chúng xinh xinh, đẹp đẹp, dễ thương nên tiếc, chả nỡ vứt", Cẩm My chia sẻ.

My ước tính, tháng qua cô đã tốn khoảng 3 triệu đồng cho đam mê mới này, dù lương tháng chỉ 12 triệu đồng.

Hộp mù Baby Three, dân mạng hay gọi là "Bé Ba", không chỉ gây sốt trên các kênh bán hàng trực tuyến mà còn được bán tràn lan ở các vỉa hè. Đến nay "Bé Ba" đã có tất cả 3 phiên bản. Phiên bản đầu tiên là 9 nhân vật Labubu cách điệu, còn phiên bản mới nhất với tạo hình 12 con giáp đang được săn đón nồng nhiệt. Các tạo hình rồng, rắn, lợn được rất nhiều người trẻ quyết tâm "đập" ra bằng được.

Sau trào lưu xé túi mù, giới trẻ lại lao vào 'cuộc chiến' đập hộp mù - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ không tiếc tiền mua các hộp mù về đập, mong kiếm được đúng mô hình yêu thích. (Ảnh chụp màn hình)

Sau trào lưu xé túi mù, giới trẻ lại lao vào 'cuộc chiến' đập hộp mù - Ảnh 2.

Hộp mù 12 con giáp đang gây bão trong giới trẻ. Mỗi hộp có giá ít nhất là 250 nghìn đồng. (Ảnh chụp màn hình)

Những hộp mù được giới thiệu là chính hãng thường có giá từ 250 - 600 nghìn đồng, mô hình cao khoảng 30-60cm. Khi mua theo gói 6 hộp mù, giá giảm còn khoảng 1,2 triệu đồng.

Trào lưu này nổi lên bởi nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội không ngừng phát trực tiếp (livestream) quảng bá. Trước khi đập hộp, người bán thường gõ và lắc hộp, tạo hiệu ứng hồi hộp, mong đợi của người xem. Những người bán có độ tin cậy nhất định, ăn nói có duyên biết khơi gợi câu chuyện và tạo cảm xúc thu hàng nghìn người xem, khiến khách hàng trẻ mê như điếu đổ, liên tục nhấn thêm vào giỏ hàng.

Tương tự trào lưu xé túi mù, trò đập hộp mù thu hút giới trẻ còn do yếu tố may rủi. Tâm lý tò mò chờ đợi một kết quả chưa rõ góp phần tạo ra hiệu ứng khiến khách đặt hàng không ngừng. Khi mua, họ không biết bên trong hộp sẽ là mô hình nào, điều đó tạo ra sự tò mò mãnh liệt, thôi thúc họ muốn khám phá ngay lập tức, quên cả tiếc tiền.

Các hộp mù có thể chứa món đồ hiếm có khó tìm, tạo khao khát sở hữu một thứ quý số lượng có hạn, thậm chí độc nhất vô nhị.

Nếu như người chơi xé túi mù thường vung tay mua một lúc vài túi, thậm chí cả chục túi vì giá trị thấp, chỉ khoảng 20 nghìn đồng/túi thì khi đập hộp mù, người chơi phải cân nhắc nhiều hơn vì nếu không may mắn "đập" ra món đồ mình thích và mải mê theo đuổi, mỗi tối họ có thể mất tiền triệu. Giống như Cẩm My, không ít bạn trẻ đã tiêu tốn một phần lớn trong thu nhập khi lao vào trào lưu này.

Sau trào lưu xé túi mù, giới trẻ lại lao vào 'cuộc chiến' đập hộp mù - Ảnh 3.

Nhiều người nổi tiếng như ca sỹ Erik, TikToker Mèo Simmy cũng tham gia thử trào lưu đập hộp mù. (Ảnh chụp màn hình)

Một bạn trẻ thường xuyên xem livestream đập hộp mù cho biết: "Trào lưu đập hộp mù còn cuốn hút hơn cả xé túi mù vì giá trị lớn hơn, mô hình cũng đẹp hơn và đặc biệt nhất là số lượng những con quý giá rất có hạn. Nếu người tham gia đập hộp được mô hình quý hiếm thì gần như nổ luồng livestream đêm hôm đó. Tỷ lệ đập ra những con quý hiếm rất nhỏ, có người tốn hàng chục triệu đồng, mua hàng trăm hộp mà không ra được món đồ mình muốn".

Việc trào lưu xé túi mù kéo theo "bản nâng cấp" là đập hộp mù đang gây nhiều luồng tranh cãi trên mạng. Nhiều người cho rằng trào lưu này vô bổ và đang gây hại môi trường. Các mô hình đều bằng nhựa, khi chủ nhân không còn hứng thú sử dụng nữa sẽ tạo ra lượng rác thải rất lớn. Nhiều ý kiến lo ngại các phiên đập hộp túi mù có thể dẫn đến trò cờ bạc trá hình, khi nhiều người xem livestream cá cược về những mô hình sẽ xuất hiện.

Sau trào lưu xé túi mù, giới trẻ lại lao vào 'cuộc chiến' đập hộp mù - Ảnh 4.

Nhiều người lo ngại trào lưu đập hộp mù gây hại môi trường. (Ảnh chụp màn hình)

Rất nhiều cư dân mạng thống nhất ý kiến rằng trào lưu đập hộp mù, xé túi mù gây lãng phí lớn, vì mất bao nhiêu tiền chỉ để xé túi, mở hộp rồi... để đó, dùng trang trí cũng không hết.

"Mình đang tìm cách bán lại những mô hình mình có trên các trang về hộp mù, tuy nhiên các mẫu đang có không phải quyết hiếm lắm, rất khó tìm người mua. Giờ mình đành chấp nhận sống bừa bộn như vậy một thời gian, rồi cuối năm đêm hết về quê để trang trí vậy", Cẩm My bối rối về cách xử lý "thành quả" của những tháng ngày xé túi mù, đập hộp mù.