Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh viêm xương khớp ảnh hưởng đến 15% dân số toàn cầu trên 30 tuổi. Vì vậy ước tính đến năm 2050, con số này có thể tăng lên tới gần 1 tỷ người. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố trên trên Tạp chí The Lancet Rheumatology. Nghiên cứu này là một phần của Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2021 và sử dụng dữ liệu về viêm xương khớp trong 30 năm, từ 1990 đến 2020, tại hơn 200 quốc gia.
Viêm khớp là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến khớp. Tùy thuộc vào loại viêm khớp mà bệnh có thể gây đau, sưng và cứng khớp, cũng như các vấn đề về vận động. Mặc dù đây được coi là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng nghiên cứu mới nói trên đã chỉ ra rằng những người ở độ tuổi 30, 40 và 50 cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Điều này được cho là do các yếu tố liên quan đến tăng trưởng dân số và béo phì.
Viêm xương khớp xảy ra khi sụn bảo vệ ở hai đầu xương của bạn bị phá vỡ. Điều này gây đau, sưng và các vấn đề di chuyển khớp.
Trong khi nguyên nhân chính xác của viêm xương khớp chưa được biết chính xác thì, có một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ bao gồm:
- Chấn thương khớp
- Tuổi tác
- Tiền sử gia đình mắc bệnh
- Béo phì.
Tác giả nghiên cứu Jaimie Steinmetz, chuyên gia tại Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) ở Seattle (Mỹ), cho biết: Hiện chưa có biện pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh viêm xương khớp, vì vậy điều quan trọng là chúng ta cần tập trung vào các chiến lược phòng ngừa, can thiệp sớm. Theo Tổ chức Dịch vụ y tế Anh, để ngăn ngừa hoặc giảm bớt các triệu chứng viêm khớp, mọi người nên chú ý thực hiện các bước như tập thể dục thường xuyên, giảm cân (nếu thừa cân) và mang giày dép phù hợp.
Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống cũng có thể đóng vài trò gây viêm khớp. Do vậy, lựa chọn thực phẩm phù hợp cũng góp phần giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp.
Huấn luyện viên thể dục và lối sống, người sáng lập ra hệ thống Boostball, ông Stephen Bessant cho biết: Khi nói đến việc giảm đau khớp thông qua chế độ ăn uống, giảm tiêu thụ thực phẩm gây viêm và kết hợp thực phẩm chống viêm có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe khớp.
Stephen Bessant khuyến nghị tiêu thụ 7 loại thực phẩm chống viêm để giúp giảm bớt các triệu chứng viêm khớp, bao gồm:
- Củ nghệ
- Gừng
- Rau lá xanh
- Quả mọng
- Cá béo (như cá hồi và cá thu)
- Hạt óc chó
- Hạt lanh
Các loại thực phẩm này có nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên, polyphenol, omeg-3, vitamin E và vitamin C. Đây đều là các hợp chất bảo vệ có sẵn trong thực vật, ví dụ như vitamin E có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại các phân tử gây viêm, vitamin C giúp cơ thể tạo ra collagen, một thành phần chính của sụn hỗ trợ sự linh hoạt của khớp.
Bên cạnh đó, hãy cố gắng tránh hoặc hạn chế những thực phẩm gây viêm dưới đây càng nhiều càng tốt:
- Carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng và bánh ngọt
- Khoai tây chiên và các thực phẩm chiên khác
- Soda và đồ uống có đường khác
- Thịt đỏ (có trong bánh mì kẹp thịt, bít tết) và thịt chế biến (xúc xích...)
Mọi người cũng nên uống nhiều nước vì lý do tương tự. Uống một lượng nước đầy đủ trong suốt cả ngày giúp giữ cho khớp của bạn được bôi trơn tốt hơn. Hydrat hóa là điều cần thiết cho sức khỏe khớp và có thể giúp giảm độ cứng cũng như sự khó chịu ở khớp.
Một trong những "công cụ" mạnh mẽ nhất để chống viêm không phải từ thuốc, mà từ những gì bạn ăn. "Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng các thành phần của thực phẩm hoặc đồ uống có thể có tác dụng chống viêm", tiến sĩ Frank Hu, giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học tại Khoa Dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ) cho biết.
Chọn đúng loại thực phẩm chống viêm và bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Liên tục chọn sai thực phẩm, bạn có thể đẩy nhanh mức độ viêm, đe dọa sức khỏe của mình.