Đối với chị em công sở, chắc hẳn câu chuyện đồng nghiệp mang con đến công ty vào sáng thứ 7 hàng tuần đã không còn là việc gì đó quá lạ lẫm. Rõ ràng, không khí yên ắng và lặng thinh bấy lâu ngay lập tức bị lũ trẻ phá vỡ một cách không thương tiếc bằng những tiếng bước chân rượt đuổi nhau vội vã, tiếng la thất thanh, chói tai, vang trời. Việc này thường mang lại không ít phiền phức cho những cá nhân hiện diện trong văn phòng ngày hôm đó.

Tuy nhiên, chẳng dừng lại ở câu chuyện mang con đến công sở, hội mẹ bỉm chẳng ngại “vác” con theo trong những buổi tụ tập, chị em tám chuyện. Và vẫn như thường lệ, mẹ bận “buồn” thì con được dịp “chống phá”. Đó là lý do vì sao những quán cà phê ngày cuối tuần thường không còn giữ được không khí tĩnh lặng vốn có ngày thường. Con của đồng nghiệp làm ồn còn, bản thân mình có thể nhắc nhở; đằng này con của sếp “quậy” thì lại là một câu chuyện khác.

Sếp mang con đi chơi rồi để bé nghịch phá đủ đường, nàng công sở đăng đàn than thở, dân mạng phản ứng trái chiều - Ảnh 1.

Vừa mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội quy tụ đông đảo thành viên là dân văn phòng, một nàng công sở đã có dịp chia sẻ những trăn trở mà bản thân gặp phải khi đi cà phê cùng hội đồng nghiệp nhưng con của sếp cứ không ngừng nghịch phá và làm ồn. Cụ thể, nàng kể:

“Chuyện con nít chạy nhảy, la hét và làm ồn ở quán cà phê thì chắc anh chị em ở đây chẳng còn lạ gì rồi. Nhiều lần bắt gặp tình huống này, thật sự bản thân mình chỉ muốn lôi bọn nó vào một góc rồi bắt úp mặt vào tường kiểm điểm.

Về phần mình, phụ huynh của chúng cũng thường không có động thái gì. Sự dung túng đã lên đến đỉnh điểm làm mình không thể chịu đựng được. Mình từng nhiều lần nhắc nhở hoặc có thái độ không hài lòng nhưng không hiểu sao những bậc phụ huynh này cứ dửng dưng.

Sếp mang con đi chơi rồi để bé nghịch phá đủ đường, nàng công sở đăng đàn than thở, dân mạng phản ứng trái chiều - Ảnh 2.

Ngặt một nỗi, nhiều chị đồng nghiệp trong văn phòng mình cũng thế, rất hay mang con đi theo mỗi dịp cả phòng đi hẹn hò. Và những đứa trẻ này cũng không ngoại lệ. Đối với đồng nghiệp thì khá dễ để góp ý nhưng một hôm có sếp đi theo và con sếp cũng là đứa nghịch không chịu nổi.

Bản thân mình rất muốn góp ý hoặc chấn chỉnh thằng bé nhưng ngại động chạm. Sếp mà phật ý một phát thì xác định. Còn nếu không góp ý thì mình thấy ngứa mắt lắm, không chịu được”.

Ngay sau khi vừa được đăng tải, câu chuyện của nàng công sở nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm. Hai luồng ý kiến trái chiều nhau đã được để lại bên dưới phần bình luận. Một bên cho rằng, thôi thì cứ bỏ qua, chuyện con nít hiếu động, nghịch phá cũng là lẽ bình thường, thông cảm được thì thông cảm, đỡ phải va chạm, phật lòng cấp trên.

Sếp mang con đi chơi rồi để bé nghịch phá đủ đường, nàng công sở đăng đàn than thở, dân mạng phản ứng trái chiều - Ảnh 3.

“Thôi đi bạn ơi, con nít cũng một phần nó hiếu động chứ không hề cố ý nghịch phá, to tiếng đâu. Nể mặt sếp mà cho qua đi”.

“Công việc của bạn nó quan trọng hơn cái việc dạy dỗ con sếp. Con sếp thì cứ để sếp dạy, nó hư thì sếp chịu, không việc gì phải “anh hùng” để nhận đủ”.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, nên chấn chỉnh đứa bé và góp ý một cách tinh tế để sếp có biện pháp giáo dục con mình tốt hơn.

“Thông qua đứa nhỏ, người ta đánh giá phụ huynh và cả những người đi theo xung quanh ấy. Cho nên cứ nhắc nhở đi, kiêng nể gì”.

“Sếp thì cũng là phụ huynh, cũng phải biết kiểm soát con mình chứ. Sếp mà không làm được điều đó thì bạn cứ làm, không việc gì phải ngại”.

Sếp mang con đi chơi rồi để bé nghịch phá đủ đường, nàng công sở đăng đàn than thở, dân mạng phản ứng trái chiều - Ảnh 4.

Thật vậy, trẻ em vốn nhiều năng lượng và hiếu động nên chuyện chạy nhảy, đùa nghịch ở nơi công cộng là khó tránh khỏi. Các con cũng chưa thật sự đủ lớn để ý thức được hành vi của bản thân cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn trật tự chỗ đông người. Cho nên, hơn ai hết, phụ huynh cần nhắc nhở và bảo ban các con để bé hiểu vấn đề.

Còn như trường hợp của nàng công sở kể trên, thiết nghĩ cứ tinh tế và khéo léo cũng như nhẹ nhàng nói chuyện với con sếp để đứa bé hiểu. Hành động đó không những ngăn con trẻ tiếp tục nghịch phá mà còn để lại ấn tượng vô cùng tốt trong mắt sếp bởi sự góp ý bằng hành động một cách tinh tế.

Sếp mang con đi chơi rồi để bé nghịch phá đủ đường, nàng công sở đăng đàn than thở, dân mạng phản ứng trái chiều - Ảnh 5.