Bà Lê Thị Thu Thủy, một sếp nữ của tập đoàn Vingroup, nói rằng, bà mang cái nhìn của một người mẹ vào dự án Vincom Mega Mall Royal City, khu mua sắm lớn nhất Việt Nam. Điều đó thể hiện qua việc khu này có một công viên nước trong nhà và một sân trượt băng, trở thành điểm đến cuối tuần cho nhiều gia đình ở Hà Nội - thành phố 6,8 triệu dân.

“Trước đó, chẳng có mấy nơi để cho cả gia đình cùng đi chơi cả”, bà Thủy, 39 tuổi, một người mẹ hai con nói trong cuộc trò chuyện với phóng viên của hãng tin Bloomberg.

Bà Thủy giữ vai trò Giám đốc điều hành (CEO) của Vingroup và chỉ đạo việc khánh thành Mega Mall Royal City trước khi rời cương vị này vào tháng trước để điều hành bộ phận thương mại điện tử mới thành lập mang tên VinE-Com. Số lượng đông đảo khách hàng là trẻ em và thanh niên tập trung ở sân trượt băng ở Mega Mall Royal City mỗi cuối tuần cho thấy, chiến lược của bà đã đem lại hiệu quả.

Sếp nữ Việt Nam từ góc nhìn của Bloomberg 1
Điểm chung của Vinamilk và Vingroup - hai cổ phiếu lớn tăng giá tốt nhất tại Việt Nam 5 năm qua là đều do CEO nữ lãnh đạo.

Các “bóng hồng” lãnh đạo doanh nghiệp như bà Thủy đang nhận được sự hưởng ứng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoản trị giá 58 tỷ USD của Việt Nam - thị trường chứng khoán có mức tăng điểm mạnh nhất ở khu vực châu Á trong năm nay. Trong vòng một năm qua, VN-Index đã tăng 21%.

Một chỉ số về giá cổ phiếu 43 công ty niêm yết Việt Nam cho CEO nữ lãnh đạo đã tăng 193% trong 5 năm qua, cao gần gấp đôi mức tăng 107% của VN-Index trong cùng khoảng thời gian. Đây là chỉ số dựa trên dữ liệu do công ty Intelligent Financial Research & Consulting (IFRC) có trụ sở ở Paris và Bloomberg thu thập. Mức lợi nhuận trung bình của cổ phiếu các công ty trong chỉ số này đem lại trong 5 năm qua đạt 72%, so với mức trung bình 55% của các công ty trong VN-Index.

Bà Thủy cho rằng, thành công của các CEO nữ ở Việt Nam có thể xuất phát từ những kỹ năng mà phụ nữ ở đây đã rèn giũa trong hàng thập kỷ chiến tranh. Trong thời chiến, nam giới đều phải ra trận, để lại nhiệm vụ quản lý công việc làm ăn, tài chính gia đình, và nuôi dạy con cái lại cho phụ nữ. Nữ giới hiện chỉ chiếm chưa đầy 7% số ghế trong hội đồng quản trị các doanh nghiệp ở Việt Nam, nhưng tỷ lệ này vẫn là cao thứ nhì ở khu vực Đông Nam Á, sau Philippines, theo số liệu của IFRC.

Phụ nữ chiếm 6,27% số ghế hội đồng quản trị trong các công ty Việt Nam. Ở Mỹ, tỷ lệ này vào khoảng 13%.

“Không giống như ở nhiều nước châu Á khác nơi phụ nữ bị lép vế, phụ nữ ở Việt Nam nắm quyền lực không nhỏ. Đó là một phần của văn hóa ở đây. Phụ nữ Việt Nam làm việc rất chăm chỉ, rất thông minh và có mức độ cam kết cao”, ông Peter Ryder, CEO của quỹ đầu tư Indochina Capital, nói.

Theo ông Chris Freund, một nhà quản lý của công ty quản lý quỹ đầu tư Mekong Capital có trụ sở ở Tp.HCM, các CEO nữ ở Việt Nam có xu hướng thực hiện một quy trình ra quyết định có sự tham gia của nhiều người hơn so với các CEO nam. Họ thường tìm kiếm sự đồng thuận của các cổ đông thay vì tự mình quyết các chiến lược.

Freund cho rằng, các CEO nữ Việt Nam “giỏi trong việc tạo ra một môi trường gia đình để mọi người cảm thấy mình là một phần trong đó. Họ thu hút được sự trung thành cao”.

Bà Vũ Thị Thuận, 58 tuổi, người rời cương vị CEO của Traphaco vào năm 2011, nói rằng, bà thường ăn cơm trưa với nhân viên trong suốt 11 năm lãnh đạo tại công ty dược phẩm niêm yết lớn thứ nhì Việt Nam này. Bằng cách đó, Traphaco giữ chân được nhân viên mỗi khi nhân viên nào đó được một công ty khác đề nghị trả cao hơn. Bà Thuận hiện là Chủ tịch HĐQTcủa Traphaco.

Theo ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), việc đưa phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp sẽ giúp đưa tới những quan điểm đa dạng hơn trong quá trình ra quyết định. “Đây không hẳn là vấn đề những kỹ năng mà nữ có, nam không có, mà là tạo ra một đội ngũ quản lý đa dạng. Nếu phụ nữ bị gạt sang bên, thì sự đa dạng đó sẽ không có được”.

Cổ phiếu công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Vingroup là hai cổ phiếu lớn tăng giá tốt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 5 năm qua. Điểm chung của hai công ty này là đều do CEO nữ lãnh đạo.

Giá cổ phiếu của Vinamilk đã tăng 688% kể từ tháng 3/2009. Giá trị vốn hóa của công ty này hiện đạt 5,6 tỷ USD. Dưới sự lãnh đạo của CEO Mai Kiều Liên, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm sang hơn 23 quốc gia và đặt mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017, từ mức khoảng 500 triệu USD so với 5 năm trước đây.

Bà Liên, người giữ vai trò CEO của Vinamilk từ năm 1992, cho rằng, các CEO nữ thường thận trọng hơn so với các CEO nam, dẫn tới việc quản trị rủi ro tốt hơn.

Cổ phiếu của Vingroup, tập đoàn phát triển bất động sản và kinh doanh mặt bằng bán lẻ lớn nhất Việt Nam, đã tăng 763% kể từ năm 2009. Bà Thủy gia nhập Vingroup vào năm 2008 với tư cách trưởng bộ phận đầu tư, và trở thành CEO 4 năm sau đó. Sau khi bà Thủy thôi chức CEO Vingroup, chiếc ghế này được nhường lại cho bà Dương Thị Mai Hoa. Lợi nhuận ròng của Vingroup tăng gấp 4 lần trong năm 2013.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch công ty Chứng khoán VNDirect nói, những bài học từ thời chiến tranh đã in sâu ở Việt Nam, trong đó việc những người mẹ vừa lo chăm sóc gia đình vừa lo chuyện làm ăn đã truyền lại kinh nghiệm và động lực cho các thế hệ sau.