Lịch sử quần vợt chắc chắn sẽ nhớ mãi cái tên Serena Williams, một "chiến thần" dữ dội mà không một đối thủ nào có thể vượt qua được.
Serena đã thắng tới 349 trận đấu tại các giải Grand Slam, bỏ xa huyền thoại Martina Navratilova (306 trận thắng). Cô là chủ nhân của 23 danh hiệu Grand Slam đơn nữ và 4 HCV Olympic. Cô từng có 186 tuần liên tiếp giữ ngôi số 1 thế giới, ngang bằng huyền thoại Steffi Graf.
Serena đã thay đổi một phần lịch sử quần vợt. Cô chứng minh rằng quần vợt cũng là môn thể thao dành cho người da màu. Tuy nhiên, điều khiến người ta khâm phục và ngưỡng mộ nữ hoàng quần vợt này hơn cả đó là tình yêu thương con vô bờ bến, sẵn sàng gác lại niềm đam mê để lựa chọn tình mẫu tử và gia đình.
Huyền thoại quần vợt sinh ngày 26/9/1981 tại Michigan. Cô là con út trong gia đình có 5 con gái. Serena Williams lớn lên ở vùng ngoại ô Compton bụi bặm của Los Angeles, nơi cha cô điều hành một công ty an ninh tư nhân.
Serena bắt đầu tình yêu với quần vợt từ khi chỉ mới là cô bé 3 tuổi. Thời điểm đó, cô thường cùng chị gái Venus tập luyện trên một sân tập gần nơi ở của gia đình. Có thể nói, Serena sinh ra để chơi quần vợt. Cô có tài năng bẩm sinh trong môn thể thao này với những kỹ năng tuyệt vời: Mạnh mẽ, nhanh chóng, dứt khoát và linh hoạt. Mỗi cú vung vợt của Serena đều mang uy lực hiếm ai có được.
Đến năm 10 tuổi tài năng của Serena đã được nhiều người trong ngành quần vợt để mắt đến và sau khi bước qua sinh nhật tuổi 14 cô bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp. Nói đến đây, nhiều người nghĩ rằng con đường sự nghiệp của Serena khá trơn tru và thuận lợi nhưng trên thực tế đó là cả một nỗ lực phi thường.
Sân tập Compton, nơi chị em Serena bắt đầu làm quen với quần vợt là một nơi cũ kỹ, bốc mùi khó chịu và đầy rẫy nguy hiểm. Họ phải tập trong tình trạng không có lưới, mặt sân lồi lõm và kim tiêm của những kẻ nghiện ma túy thì cắm đầy ở các gốc cây. Những khi trái bóng lăn tới khu vực chứa đầy kim tiêm, Serena đều phải vô cùng cẩn thận mới nhặt lại được.
Trong cuốn tự truyện The Undefeated xuất bản năm 2017, Venus từng kể lại về lần cô và em gái Serena phải chứng kiến một vụ bắn giết ám ảnh ngay bên kia đường nơi họ tập luyện. "Một gã nhảy ra khỏi chiếc xe và bắt đầu xả súng. Chúng tôi cúi rạp xuống mặt sân chờ đến khi tất cả kết thúc rồi mới dám về nhà", Venus viết trong cuốn sách.
Macci, huấn luyện viên thời thơ ấu của hai chị em cho biết: "Sân tập của chúng tôi là một công viên tồi tàn. Có những người đang chơi bóng rổ, có người uống bia, bất tỉnh trên bãi cỏ và những mảnh thủy tinh văng khắp nơi".
Điều kiện thiếu thốn và đầy hiểm nguy nhưng Serena chưa bao giờ từ bỏ tình yêu với quần vợt.
Serena bắt đầu sự nghiệp thi đấu quần vợt của mình tại các giải thanh thiếu niên ở địa phương. Thành tích của cô rất đáng nể. Không lâu sau, Rick Massi, một huấn luyện viên quần vợt chuyên nghiệp đã nhận ra tài năng thiên bẩm của Serena, tin rằng cô sẽ sớm là ngôi sao sáng chói. Ông đã mời gia đình cô đến Florida, nơi ông điều hành một học viện quần vợt.
Việc gia đình chuyển đến Florida chính là chất xúc tác giúp niềm đam mê của Serena được dịp thăng hoa và tỏa sáng. Cô có trận thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên trong cuộc đời năm 14. Hai năm sau, Serena được xếp hạng #96 những tay vợt xuất sắc nhất thế giới. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học, Serena đã ký được hợp đồng quảng cáo trị giá 12 triệu USD với thương hiệu Puma.
Tuy nhiên, trên con đường thành công bao giờ cũng chứa đầy chông gai và thử thách. Không có con đường nào trải đầy hoa hồng mãi mãi. Những thăng trầm mà Serena trải qua và cách cô vượt qua nó, chinh phục thử thách khiến hàng triệu người hâm mộ trên thế giới phải ngả mũ thán phục.
Nhắc đến Serena, người ta không chỉ nói về tài năng mà còn khâm phục sự kiên cường và bền bỉ của cô với bộ môn quần vợt. Cô chưa bao giờ để bản thân gục ngã và khuất phục trước khó khăn gian khổ. Phải có một nghị lực và tinh thần thép lớn lao thì mới đủ sức vượt qua tất cả và Serena xứng đáng với tên gọi "nữ chiến binh" mạnh mẽ nhất.
Vào đầu năm 2000, sau hàng loạt trận thua và thất bại, thậm chí không bảo vệ được danh hiệu của mình tại giải thi đấu ở Pháp, Serena không nản lòng. Cô đã cùng chị gái giành huy chương vàng tại nội dung thi đấu đôi ở Thế vận hội Sydney.
Hai năm sau, Serena gặp phải chấn thương khiến cô buộc phải nghỉ thi đấu trận bán kết tại Medibank International Sydney và sau đó rút lui khỏi Australian Open. Nhưng sau đó Serena đã có sự trở lại đầy ngoạn mục. Cô đã lần lượt đánh bại 3 tay vợt hàng đầu thế giới gồm Martina Hingis ở tứ kết; Venus, chị gái cô ở bán kết và tay vợt Capriati trong trận chung kết để giành chức vô địch.
Serena gặp phải vô số chấn thương nhưng cô chưa bao giờ cho phép mình từ bỏ.
Sau đó, tại giải Wimbledon danh giá, cô đã đánh bại chính chị gái mình để giành danh hiệu Grand Slam đơn nữ. Điều này giúp Serena dễ dàng trở thành tay vợt số 1 thế giới và cô là người Mỹ gốc Phi thứ 3 nắm giữ vị trí này.
Nhưng con đường sự nghiệp của Serena không phải lúc nào cũng suôn sẻ thuận lợi. Một lần nữa cô lại rơi xuống "vực sâu" khi gặp phải chấn thương nghiêm trọng, buộc phải nghỉ thi đấu trong vòng 8 tháng. Việc hồi phục sau mỗi tổn thương và lấy lại phong độ, đối với bất kỳ một vận động viên nào cũng đều cực kỳ chật vật và khó khăn.
Nhưng Serena một lần nữa chứng minh được bản lĩnh phi thường của mình. Sau khi quay trở lại thi đấu vào tháng 3/2004, cô đã giành chiến thắng tại giải China Open. Sự nổi tiếng luôn đi kèm với nhiều hệ lụy khác nhau. 2006 là một năm đầy khó khăn với Serena khi cô mắc chứng trầm cảm và phải nghỉ thi đấu suốt nửa năm trời.
Cô cắt đứt hoàn toàn liên lạc và khép mình với thế giới bên ngoài trong một thời gian. Thời điểm đó Serena gặp bác sĩ trị liệu mỗi ngày. May mắn thay, sau cuộc gặp gỡ với một cô gái trẻ, là fan cứng của Serena, nữ hoàng quần vợt cảm thấy được tiếp thêm năng lượng và quyết tâm quay trở lại sân đấu một lần nữa.
Vượt qua những trở ngại về tinh thần, cảm xúc và thể chất, Serena tiếp tục chinh phục 8 danh hiệu Grand Slam đơn nữ. Serena còn cùng chị gái giành HCV tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Vào năm 2014, Dwyane Wade, một ngôi sao đã 3 lần đoạt chức vô địch giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ đã có một bài viết trên Time với tựa đề "The champion who won't give up" (tạm dịch: Nhà vô địch không bao giờ bỏ cuộc"), để ca ngợi Serena.
Serena gặt hái được rất nhiều thành tích đáng nể.
Wade viết: "Hơn 10 năm trước, tôi gặp Serena lần đầu tiên ở Miami. Kể từ đó, tôi chứng kiến cô ấy lớn mạnh lên từng ngày, thống trị môn quần vợt, vượt qua nghịch cảnh để đoạt hết danh hiệu này đến danh hiệu khác.
Tôi tôn trọng đạo đức làm việc không ngừng nghỉ, sự tập trung và tính kỷ luật của cô. Tôi rất hiểu những gì diễn ra trong quá trình chịu đựng chấn thương và cả sự đấu tranh để trở lại sau những chấn thương ấy. Tôi ngưỡng mộ khả năng đấu tranh và cách cô xem thường những chuyện nhỏ nhặt bằng cả sự quyết đoán và trái tim mình.
Trên sân, Serena là một chiến binh. Sự năng nổ, xông xáo cạnh tranh kết hợp với niềm say mê, kỹ năng vượt trộ đã làm cô trở thành một đối thủ mạnh mẽ và đáng sợ. Bên ngoài sân, cô là người đáng yêu với tâm hồn truyền cảm. Cô cực kỳ khiêm tốn và yêu thương gia đình lẫn cuộc sống".
Cô xứng đáng với tất cả thành công của mình. Bởi lẽ, Serena là một trong những người làm việc chăm chỉ và kỷ luật nhất mà tôi biết. Cô ấy là vận động viên đẳng cấp thế giới và là một nhà vô địch ở mọi khía cạnh!
Dwyane Wade
Cũng giống như một bộ phận người da màu khác, Serena Williams phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và kỳ thị vì màu da của mình. Trong những năm đầu đến với quần vợt, Serena từng bị coi thường và khinh miệt vì nhiều người cho rằng, bộ môn thể thao này không dành cho người da màu.
Tuy nhiên, Serena may mắn khi có cha mẹ luôn truyền cho cô những điều tích cực nhất để nữ hoàng quần vợt vượt qua những giông bão ấy. Cha mẹ cô khuyến khích các con luôn yêu bản thân và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình ngay cả khi bị công chúng soi mói một cách tàn nhẫn.
"Chị gái Venus và tôi bắt đầu thành công, tiếp tục thành công và chúng tôi không bao giờ hối hận. Cả hai không ngại thắt bím tóc hay mặc trang phục màu đen trong quần vợt", Serena cho hay.
Trong bộ phim tài liệu trên kênh HBO, Serena chia sẻ rằng mẹ chính là người đã truyền cảm hứng cho cô, giúp Serena trở nên tự tin hơn: "Mẹ đã truyền cho chúng tôi cách để trở thành những người phụ nữ thực sự tin tưởng và yêu bản thân mình, tự hào về di sản, mái tóc và cơ thể của chúng tôi".
Serena luôn tự hào và yêu cơ thể mình.
Và khi có con gái đầu lòng Olympia, Serena cũng dạy điều tương tự mà mình đã được truyền lại từ mẹ. Nữ hoàng quần vợt đã nói gì với con gái về 'vẻ đẹp'?
"Khi tôi nói 'con rất xinh đẹp', tôi muốn dạy cho Olympia rằng vẻ đẹp xuất phát từ bên trong. Cho đi là vẻ đẹp. Tử tế và khiêm tốn là vẻ đẹp tối thượng", Serena nhấn mạnh. Vậy còn sự mạnh mẽ, cô muốn con gái hiểu về nó như thế nào?
Tôi muốn con gái hiểu rằng trở nên mạnh mẽ không bao giờ là điều dễ dàng. Tự đứng lên sẽ rất khó khăn nhưng cuối cùng nó luôn được tôn trọng.
Serena Williams
Không chỉ là tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại, Serena còn thử sức mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Người mẫu và kinh doanh. Ở vai trò nào cô cũng hoàn thành một cách trọn vẹn. Vào năm 2018, nữ hoàng quần vợt từng cho ra mắt bộ sưu tập thời trang riêng và gây được sự chú ý.
Serena từng nói rằng: "Những người phụ nữ của chúng tôi tìm đến thời trang như một la bàn để cho thấy họ là ai và để thể hiện những gì họ có".
Những bộ trang phục mà Serena tạo ra cũng thể hiện một phần con người của cô: Quyết đoán, mạnh mẽ, tự tin và không ngừng yêu bản thân mình. Các sản phẩm làm đẹp của Serena đều là những phiên bản giới hạn, được cô chăm chút và chỉnh sửa một cách tốt nhất.
Trở thành một người mẹ là điều thiêng liêng và quý giá của bất kỳ phụ nữ nào. Và Serena Williams cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, con đường trở thành một người mẹ thực thụ như nữ hoàng quần vợt mong muốn là cả một sự đánh đổi và hy sinh.
Serena Williams và người bạn đời Alexis Ohanian, đồng sáng lập Reddit, đã lần đầu gặp nhau tại Rome vào năm 2015. Cả hai nhanh chóng phát hiện ra họ có điểm chung là yêu nghệ thuật và thích đi du lịch. Sau một thời gian tìm hiểu, cặp đôi chính thức đính hôn vào năm 2016. Không lâu sau đó, nữ hoàng quần vợt hạ sinh con gái đầu lòng vào ngày 1/9/2017 và đặt tên cho cô bé là Alexis Olympia.
Việc sinh con gái không hề dễ dàng đối với Serena Williams, nó thực sự là một cuộc chiến "thập tử nhất sinh". Cô buộc phải cấp cứu sinh mổ ngoài dự kiến vì nhịp tim của thai nhi rất thấp. Chưa kịp vui mừng khi đón đứa con đầu lòng, tin dữ lại ập đến với Serena: Bác sĩ phát hiện có cục máu tụ rất lớn trong bụng cô và tay vợt này phải quay trở lại phòng phẫu thuật để ngăn ngừa cục máu đông đi vào phổi, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Nữ hoàng quần vợt sau đó phải nằm liệt giường suốt 6 tuần, Serena cho biết đó là một cảm giác sợ hãi tột độ. Một thời gian sau khi sinh con và hồi phục sức khỏe, Serena đã tiếp tục sự nghiệp quần vợt của mình nhưng lần này nó khó khăn hơn gấp bội.
Serena không còn một mình cô còn có một thiên thần nhỏ cần quan tâm và chăm sóc. Vừa làm mẹ vừa làm một vận động viên chuyên nghiệp, phải giữ phong độ và các thành tích, là điều không hề dễ dàng.
Con gái là điều tuyệt vời và không thể thiếu của Serena.
Vào 2018, nhà vô địch nữ đã nói về "cảm xúc sau sinh" khi con gái Alexis Olympia ra đời. "Tuần qua là một tuần dài khó khăn, tôi cứ nghĩ mình là một người mẹ tệ. Tôi đã tập luyện chăm chỉ để trở thành một vận động viên giỏi nhất và điều đó có nghĩa là tôi không thể ở cạnh con mình nhiều nhất có thể", cô viết trên tài khoản Instagram.
Trên trang podcast Mamamia – No Filter, Serena Williams nói rằng cô muốn dùng cụm từ "cảm xúc sau sinh" thay vì "trầm cảm sau sinh": "Vì nhiều người nghĩ trầm cảm là điều xấu, và vì một lí do nữa, không phải cứ hễ thấy tệ thì có nghĩa là trầm cảm", cô giải thích.
Để vượt qua giai đoạn đó, Serena Williams đã trò chuyện với nhiều người: Bạn bè thân thiết, mẹ và các chị. Họ giúp Serena Williams biết rằng thứ cảm xúc kia là bình thường. Mọi bà mẹ đều chật vật với cùng một thứ trên đời: Dành thời gian cho con cái và nghĩ xem liệu bản thân có đủ tốt với con hay không. Vì vậy dù là bà mẹ nội trợ hay bà mẹ đi làm, mọi bà mẹ đều là nữ anh hùng thực sự.
Tôi ở đây để nói rằng, nếu bạn có một ngày kinh khủng, thì cũng chẳng sao. Vì chúng ta luôn còn ngày mai tốt đẹp đáng để mong chờ.
Serena Williams
Và mới đây, Serena đã có quyết định khiến truyền thông và công chúng hụt hẫng và tiếc nuối: Cô từ bỏ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp để toàn tâm toàn ý với gia đình và chăm sóc con cái.
Đây quả là một sự lựa chọn không mấy dễ dàng đối với Serena. Quần vợt đã theo cô từ khi còn rất nhỏ, là cuộc sống của cô, chứa đựng bao giọt nước mắt, mồ hôi và vinh quang. Phải từ bỏ một thứ gắn liền với mình như máu thịt quả là điều thật khó khăn.
Trong một bài viết giàu cảm xúc trên Vogue nói về việc "giải nghệ", Serena chia sẻ rằng: "Tôi biết đây là điều rất khó để nói ra, tôi cảm thấy rất đau và tôi ghét nó. Tôi ghét mình phải đứng giữa ngã ba đường để lựa chọn.
Tôi luôn giằng xé trong thâm tâm mình... Môn thể thao này đã cho tôi rất nhiều thứ. Tôi thích chiến thắng. Tôi yêu các trận đấu tranh tài... Cả đời tôi, cho đến nay, đều là quần vợt".
Mặc dù vậy, đã có một thứ xâm chiếm và lớn dần lên trong trái tim và khối óc của cô: Đó là tình mẫu tử. Serena Williams từng cho hay, sự xuất hiện của con gái Olympia khiến cuộc đời của cô trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn, đó là một điều may mắn. Và cũng như bao bà mẹ bình thường khác, cô luôn muốn giành những điều tốt đẹp nhất cho con mình.
Trước đó trong sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc có con. Đôi lúc tôi tự hỏi rằng liệu mình có nên đưa một em bé đến thế giới này hay không. Tôi chưa bao giờ tự tin hay thoải mái khi ở gần trẻ sơ sinh và trẻ em.
Tôi nghĩ rằng nếu tôi sinh con, tôi sẽ có người chăm sóc đứa nhỏ 24/7. Nhưng thực sự tôi cũng là một bà mẹ cực kỳ đảm đang đấy.
Năm nay khi đang hồi phục sau chấn thương, tôi vẫn đưa đón con đi học, 4 hoặc 5 ngày/tuần. Tôi luôn mong được nhìn thấy gương mặt con bé sáng lên rạng rỡ khi nhìn thấy tôi đang đứng đợi. Thực tế là tôi không có gì phải 'hy sinh' khi để Olympia xuất hiện trong cuộc đời.
Kể từ khi sinh con, Serena đã trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho các bà mẹ, những người không khuất phục trước mọi khó khăn. Luôn cố gắng cân bằng giữa sự nghiệp với việc chăm sóc con cái. Họ phải nỗ lực gấp hàng trăm, hàng nghìn lần để một mình gánh vác nhiều vai trò cùng một lúc.
Đối với tất cả các bà mẹ ngoài kia, những người đang phải hồi phục sau khi sinh con, các bạn đã sẵn sàng rồi chứ? Nếu tôi có thể làm được thì các bạn cũng có thể!
Serena Williams
Bài viết thông báo về sự lựa chọn làm mẹ của Serena đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới. Serena không thích gọi đó là "nghỉ hưu" hay "chuyển đổi" mà cô thích dùng từ "tiến hóa" hơn. Rời bỏ thi đấu chuyên nghiệp không phải là dấu chấm hết đối với Serena, cô còn nhiều thứ quan trọng hơn để làm. Khi cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra.
"Vài năm trước, tôi lặng lẽ thành lập Serena Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm. Ngay sau đó, tôi lập gia đình. Tôi muốn phát triển gia đình đó", Serena nói về dự định tương lai của mình.
Nguồn: AP, Sportytell, People, Vogue