Old Enough là 1 series truyền hình thực tế lâu năm và rất nổi tiếng tại Nhật Bản, với những số đầu tiên đã lên sóng từ hơn 3 thập kỷ trước. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, series này bỗng nhận được rất nhiều sự chú ý và những ý kiến trái chiều từ khán giả quốc tế sau khi được Netflix đưa lên nền tảng streaming của mình.

Nếu như bạn chưa biết, Old Enough (tạm dịch: Khi con đủ khôn lớn) xoay quanh những đứa trẻ chỉ khoảng 2 - 3 tuổi, nhưng lại phải chinh phục những thử thách khá nặng nề như tự đi chợ mua rau, tự sử dụng các phương tiện giao thông công cộng mà không có ai giám sát. Trong 1 số nhiệm vụ, các bé thậm chí còn phải đi bộ gần 2 km mới có thể trở về tổ ấm của mình.

 - Ảnh 1.

Old Enough là 1 chương trình thực tế Nhật Bản, với nhân vật chính là những cô cậu bé mới chỉ 2 - 3 tuổi, nhưng lại phải tự lập từ rất sớm.

Vì là chương trình thực tế nên đội ngũ quay phim sẽ luôn giữ khoảng cách nhất định với các nhân vật chính, thường là sẽ ghi hình từ đằng sau các bé, kết hợp những góc máy của camera giấu kín. Đội ngũ sản xuất cùng với các bậc phụ huynh cũng buộc phải theo dõi từ xa và không được phép giúp đỡ nếu không quá cần thiết.

Bên cạnh đó, những thử thách trong Old Enough được lên kế hoạch rất cụ thể và chi tiết, đều được các gia đình tham gia thông qua. Nếu chuyện ngoài ý muốn xảy ra và có thể gây nguy hiểm cho trẻ, đội ngũ quay phim đã được đào tạo bài bản để kịp thời can thiệp và xử lý.

Mùa đầu tiên của Old Enough mới được phát sóng trên Netflix trong thời gian gần đây, nhưng nội dung thực chất lại được ghi hình từ năm 2013, với thời lượng dao động từ 8 - 20 phút/tập, và mỗi tập sẽ tập trung vào 1 bé duy nhất.

Ví dụ, tập phim mở màn xoay quanh cậu nhóc Hiroki, 2 tuổi, với nhiệm vụ đi đến siêu thị mua chả cá, cà ri và một bó hoa. Mẹ của cậu đã chuẩn bị sẵn số tiền 1000 yen (khoảng 184.000 đồng), và dĩ nhiên là không thể đi cùng cậu cho đúng với format chương trình. Để giúp khán giả cảm thấy lôi cuốn hơn, series này cũng chèn vào những lời bình luận trực tiếp về những sự việc xảy ra trong quá trình chinh phục thử thách của Hiroki.

Điều tuyệt vời nhất mà người xem có được với Old Enough chính là khoảnh khắc những đứa trẻ hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách đáng tự hào cùng vẻ mặt đầy tự tin. Dù chỉ là những cô cậu nhóc mới tập nói, tập đi chưa lâu, nhưng rõ ràng các bé đã chứng minh bản thân hoàn toàn có thể tự lập và làm nên những điều phi thường.

 - Ảnh 2.

Đội ngũ sản xuất sẽ luôn dõi theo nhân vật chính và can thiệp khi có chuyện ngoài ý muốn xảy ra, nhưng các "sao nhí" lại không hề biết điều này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm nhận được điều đó, và ngay cả giới chuyên gia cũng có nhiều ý kiến trái chiều về series này.

Lenore, chủ tịch của Let Grow, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên ủng hộ tính độc lập của trẻ nhỏ, tỏ ra khá thích thú với ý tưởng của Old Enough: “Thật vui khi chúng ta có thể bật TV lên và thưởng thức 1 chương trình mà trong đó, trẻ nhỏ được tự mình thực hiện những việc vặt 1 cách thành công, suôn sẻ. Mọi chuyện không phải lúc nào cũng tồi tệ như “Law and Order”, khi trẻ em cứ ra ngoài chơi là sẽ bị bắt cóc hay gặp chuyện không hay”.

Lenore cũng cho biết văn hóa nuôi dạy con cái ở Nhật Bản khá thoải mái và “thoáng” hơn so với Mỹ, quê nhà của cô: “Người Mỹ luôn lo lắng về việc con em mình có thể gặp nguy hiểm. Nếu họ thấy những đứa trẻ 5 tuổi, 4 tuổi (chứ đừng nói là 2 tuổi) lang thang 1 mình trong công viên, chắc chắn họ sẽ lên cơn đau tim và lập tức gọi điện ngay cho cảnh sát để tìm trợ giúp”.

Cô chia sẻ rằng sự tự do và niềm tin mà cha mẹ đặt vào con cái sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất định cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ: “Đó là 1 niềm vui trong cuộc sống mà rất nhiều người đang tự tay tước bỏ khỏi chính mình và trẻ nhỏ”.

 - Ảnh 3.

Old Enough đang khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dạy con cái tranh cãi nảy lửa.

Tuy nhiên, Tanith Carey, tác giả của loạt sách về nuôi dạy con cái, lại tỏ ra khá thận trọng và có phần hơi nghi ngại về chất lượng những thử thách đặt ra trong Old Enough. Cô cho biết: “Tôi ủng hộ việc giáo dục con để có thể tự lập từ sớm. Lòng tự trọng của trẻ sẽ tự phát triển nếu trẻ cảm thấy tự tin vào bản thân và vào những việc mình làm”.

Thế nhưng, vấn đề lớn nhất là những công việc mà cha mẹ giao cho con cái phải thực sự phù hợp với sự phát triển của trẻ”, Tanith nhấn mạnh. Cô cũng chỉ trích cách mà đội ngũ sản xuất của Old Enough đối xử với những “ngôi sao nhí” của series này: “Thật đáng buồn khi họ lại xây dựng hình tượng trẻ em theo cách hài hước đến kệch cỡm, thậm chí là cười nhạo các em khi đưa ra những thử thách khó nhằn và quá sức với độ tuổi của trẻ”.

Không rõ liệu Old Enough có trở nên nổi tiếng ở Mỹ và các quốc gia khác như series này từng làm được ở Nhật Bản hay không. Thế nhưng, những cuộc phiêu lưu thú vị, có phần táo bạo của trẻ nhỏ chắc chắn sẽ gây ra nhiều cảm xúc trải chiều cho khán giả, đặc biệt là những người đã làm cha làm mẹ. Trong khi một số bộ phận người xem cảm thấy thích thú, thì cũng không ít người tỏ ra lo lắng, kinh hoàng hay thậm chí là khó chịu với format của chương trình này.

Theo Insider