Cơ quan khí tượng đang theo dõi chặt khả năng mưa của Hà Nội để đưa ra cảnh báo, chủ động phòng chống ngập úng (như đã từng xảy ra cách đây vài ngày).
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết lúc 4 giờ sáng nay (13/8), vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 110km về phía Đông.
Lúc này bão mạnh thêm với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Đến 4 giờ ngày 15/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102km một giờ), giật cấp 11 cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết bão số 7 sẽ gây một đợt mưa to đến rất to trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở vùng múi phía Bắc và khu vực Đông Bắc từ 15-17/8.
Theo ông Hải, riêng khả năng mưa và ngập úng của Hà Nội trong cơn bão số 7 đang được theo dõi chặt, cơ quan khí tượng chưa đưa ra dự báo cụ thể đối với khu vực này, tuy nhiên cũng cần cảnh giác với khả năng có thể có mưa lớn do đây là cơn bão mạnh, khả năng ảnh hưởng rộng.
Công ty thoát nước Hà Nội cho biết cũng đã nhận được thông tin đầy đủ về cơn bão số 7 để chủ động chuẩn bị, nếu được cảnh báo về mưa lớn sẽ xảy ra tại Hà Nội thì các phương án phòng chống ngập úng sẽ được triển khai sẵn sàng. Hiện nay, tình trạng ngập úng do nước sông Nhuệ dâng đã được giải quyết.
Xử lý nhanh đê gặp sự cố để chuẩn bị đón lũ mới Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 5, số 6 mặc dù lũ trên sông Thao tại Yên Bia smowis ở mức báo động (BĐ)2, BĐ3, sông Đáy trên BĐ2 nhưng đã xảy ra tổng cộng 32 sự cố đê điều, chủ yếu là nứt đê, sạt trượt mái đê, thẩm lậu, rò rỉ nước, … Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khắc phục sự cố đê điều nói trên để chuẩn bị đón đợt lũ mới. Ông Vũ Văn Tú, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết đã giao các địa phương sớm khắc phục trước khi mưa lũ do bão số 7 xảy ra. Hiện nay, Quảng Ninh và Hải Phòng đã được chỉ đạo chủ động cấm biển tùy diễn biến cụ thể. Các tỉnh vùng núi phía Bắc cần triển khai phương án đối phó với mưa, lũ lớn gây lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn hồ chứa. |