Siêu mẫu Hà Anh: Cha mẹ sinh con, cha mẹ sinh tính, đừng ỷ lại "ông trời"
"Các bố mẹ ạ, sinh con ra, nuôi con lớn khôn là việc ai cũng làm. Nhưng nuôi dạy con thế nào là cả vấn đề lớn. Giáo dục con ra sao. Môi trường trong gia đình, bên ngoài, đi học... mà con sẽ tiếp xúc là gì?", Hà Anh chia sẻ.
Bé Myla, con gái 2 tuổi của siêu mẫu Hà Anh luôn được mọi người hết lời ngợi khen vì xinh xắn, đáng yêu. Không chỉ mang nét đẹp của 2 dòng máu Việt-Anh mà bé Myla còn vô cùng thông minh, tự tin, vui vẻ, hòa đồng. Tất cả nhờ công dạy dỗ của vợ chồng Hà Anh.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Hà Anh đã có bài chia sẻ rất tâm huyết về cách nuôi dạy con. Với cô, "cha mẹ sinh con, cha mẹ sinh tính" chứ không phải do "ông trời". Bài viết thu hút sự quan tâm của đông đảo các bậc phụ huynh.
Nguyên văn lời chia sẻ của Hà Anh như sau:
Mọi người thường hay khen và băn khoăn làm thế nào để:
- Myla rất tự tin bạo dạn
- Myla rất thân thiện
- Myla rất tự lập
- Myla rất tình cảm
- Myla hay hát ca tươi vui....
Mọi người nghĩ vì sao? Vì "trời sinh tính"? Vì "bản năng"? Vì gen di truyền?
Theo Hà Anh: "Vì mình!"
Một đứa bé từ khi sinh ra đời bé tí teo đỏ hỏn, ngây thơ và không có khái niệm gì như một tờ giấy trắng. Chúng ta, cha mẹ, ông bà, bảo mẫu... là những người chúng được tiếp xúc đầu đời. Những cử chỉ, hành động, thói quen của chúng ta dù nhỏ xíu xiu hay lớn, cũng được chúng quan sát và "mirror" - bắt chước y hệt lại.
Cha mẹ chúng ta thường nói "chẳng biết vì sao con lại thế, bắt chước từ đâu" chẳng qua là do chúng ta chưa đủ nhạy cảm tinh tế, và có thể chưa làm chủ, nhận biết được cảm xúc, hành vi thói quen của mình.
Khi sinh Myla ra, Hà Anh cảm nhận được cảm giác của con kết nối với mình, cảm xúc và cả đôi khi tâm linh. Hà Anh là một người rất nhạy cảm với bản năng và cảm xúc của mình, nên thường lấy cảm xúc và hành vi của mình để suy luận ra con.
Ví dụ như từ khi sinh Myla ra, mỗi lần tiếp xúc với con, bất kể khi mệt nhọc, thiếu ngủ, stress công việc, giận ai... Hà Anh luôn cười rạng rỡ khi tiếp xúc với con. Hà Anh thường hay nhìn sâu vào đôi mắt con, và thì thầm với con rằng mẹ yêu con, con đáng yêu nhất đời của mẹ, con ngoan và đáng yêu...
Mọi hoạt động giữa mẹ và con đối với Hà Anh đều là cơ hội để gắn kết cảm xúc và tâm hồn. Khi cho con bú Hà Anh thường nhìn sâu vào mắt con, vuốt ve bàn tay con. Khi con khóc, sợ, Hà Anh cũng nhìn sâu vào mắt con và trấn an con... Đối với Hà Anh không có chuyện, cho ăn uống, ngủ nghỉ chỉ là những thói quen lặp lại nhàm chán.
Kể cả khi Hà Anh thay tã cho con, con khóc Hà Anh cũng vui vẻ hát ca các bài hát vui nhộn để con cảm thấy vui và thoải mái. Cứ mỗi lần nhìn thấy con gì, hay cái gì mà Hà Anh dạy cho con, Hà Anh cũng hát cho con nghe hoặc đọc cho con nghe bài vè về các con vật, hay cảnh vật liên quan. Khi cõng con Hà Anh hát "Nhong nhong nhong ngựa ông đã về...", khi trời mưa Hà Anh hát "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa", khi con quấy khóc Hà Anh hát những bài êm dịu để làm con bình tĩnh lại.
Mỗi khi ra ngoài gặp ai xung quanh Hà Anh cũng tươi cười chào, vẫy tay chào, nói cảm ơn. Khi bước vào đâu Hà Anh cũng tự tin bước vào... Mọi người nghĩ, làm sao Myla bạo dạn thế?
Đó không những là vì bé được tiếp xúc nhiều người từ nhỏ, mà bé còn cảm nhận được, nhìn thấy cách mẹ, và ba bé cư xử thế nào đối với thế giới bên ngoài.
Vậy nên từ nhỏ đến giờ, đi đến đâu mọi người cũng khen Myla thân thiện, bé cười, vẫy tay, nói "hello" với mọi người trong thang máy, các bác bảo vệ, cô lao công, lễ tân... bé đều rất thoải mái và tươi vui khi tiếp xúc.
Myla tình cảm, có trái tim nhân hậu, thích sẻ chia...
Đó là bởi vì bé cảm nhận được tình yêu của ba mẹ bé đối với bé, đối với nhau, đối với mọi thứ xung quanh.
Hà Anh không phải dạy bé về chia sẻ bởi vì khi có miếng ăn ngon, Hà Anh thường hay chia cho bé ăn cùng. Vậy nên Myla thảo ăn, cho mẹ, cho bố, cho bạn... ăn chung là chuyện bình thường. Con không cảm nhận thấy sự ghen tỵ bởi mẹ không hình thành cho con cảm giác thiếu thốn. Mẹ luôn ngợi khen con. Khi mẹ chơi với em bé khác, mẹ luôn biết cách và chú ý rủ con chơi cùng với em, ve vuốt âu yếm em thay vì để con cảm thấy bị bỏ rơi lạc lõng, phải "cạnh tranh" để lấy được sự chú ý của mẹ.
Mẹ rất hay nói yêu con bằng lời, cử chỉ mà không chỉ bằng hành động.
Mẹ rất hay nói "Myla ơi, mẹ yêu con!" Nên giờ thỉnh thoảng đang ngồi con gọi "Mẹ ơi!" Mẹ trả lời "ơi con", con nói "Con yêu mẹ!".
Mẹ lại hôn và nói "Mẹ cám ơn con, mẹ cũng yêu con!".
Mẹ biết, mẹ sợ chuột, mẹ không muốn con lớn lên có nỗi sợ nào ghê gớm để chế ngự con. Mẹ sẽ không mang nỗi sợ của mình để trao cho con.
Mẹ sẽ không tỏ ra sợ trước mặt con, không ấn định những thói quen ăn uống mặc định cho con "đắng lắm, cay lắm, chua lắm". Mẹ không đưa ra nhận định của mình mà để cho con nếm thử. Mẹ không thích ăn chua không có nghĩa là con sẽ không được ăn chua. Biết đâu con thích thì sao?
Miễn là đồ ăn đó không nguy hiểm: quá nóng gây bỏng, quá cứng gây hóc... thì mẹ không ngăn cản con bởi định kiến trước khi con thử.
Mẹ thường bảo bác Thư, bác đừng nói "Ị thối quá, ghê quá!" làm Myla ấn tượng, cảm thấy sợ hoặc ghê khi đi ị hay ị ra quần, đừng lúc nào cũng sạch sẽ quá kẻo sau này lúc nào cũng sợ bẩn. Đừng lau miệng lau mặt quá nhiều, đi ra ban công đôi khi không cần lúc nào cũng đi dép, vào rửa chân sau cũng được, ăn xong lau một thể... đừng để thói quen quá cẩn thận lo lắng của người lớn làm bé không tận hưởng được những khoảnh khắc, trải nghiệm tự nhiên.
Bé cảm nhận được và sẽ học phản ứng của bố mẹ khi bố mẹ căng thẳng, lo lắng, quát tháo nhau. Nên bố mẹ đừng nghĩ mối quan hệ của mình không ảnh hưởng đến con, nỗi lo lắng của mình không ảnh hưởng đến con. Bé cảm nhận rất rõ đấy!
Các bố mẹ ạ, sinh con ra, nuôi con lớn khôn là việc ai cũng làm. Nhưng nuôi dạy con thế nào là cả vấn đề lớn. Giáo dục con ra sao. Môi trường trong gia đình, bên ngoài, đi học... mà con sẽ tiếp xúc là gì?
Hãy chủ động lựa chọn, và làm gương cho con.
Cha mẹ sinh con, cha mẹ sinh tính. Đừng ỷ lại "ông trời".