Sau khoảnh khắc lên xe hoa rầm rộ mạng xã hội, Minh Hằng cũng dần đặt cho mình câu hỏi: "Đã làm mẹ được chưa". Đối với nữ diễn viên, để trở thành một người mẹ không phải là chuyện đơn giản. "Tôi thấy bạn bè mình chăm con như thế nào, trầm cảm ra sao, rồi mất luôn cả sự nghiệp. Điều đó bày ra trước mắt khiến tôi lo sợ", cô bộc bạch.
Sau khi tìm hiểu kỹ các tài liệu và thoải mái về tâm lý, Minh Hằng và chồng quyết định dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để có con đầu lòng.
Cô bật khóc chia sẻ: "Tôi từng nghĩ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) là phương pháp rất chủ động để mình có thể biết mọi thứ diễn ra theo trình tự thế nào. Nhưng khi bước chân vào hành trình thực sự, tôi mới biết mọi thứ không như mình đã nghĩ. Tôi không thể nào quên được cảm giác khi hai phôi thai được chuyển vào cơ thể. Khi đó, tôi nhận ra đang có sinh linh sống trong cơ thể của mình".
Lý do mà Minh Hằng quyết định lựa chọn phương pháp này là bởi cô có thể chủ động lên thời gian, kế hoạch cho việc mang thai và sinh con cũng như chuẩn bị một cách tốt nhất cho việc làm mẹ. Nhiều người thắc mắc vậy có sự khác biệt nào giữa em bé được sinh ra theo phương pháp IVF và phương pháp tự nhiên hay không?
Trao đổi về vấn đề này, Ths.BS. Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có một số chia sẻ như sau:
Trẻ sinh ra theo IVF hay IUI có gì khác so với em bé bình thường?
Có rất nhiều luồng suy luận về việc các bé sinh ra do các giải pháp hỗ trợ sinh sản thì sức khỏe kém hơn, nguy cơ dị tật nhiều hơn, nhưng hầu như đều không có nghiên cứu nào được sự đồng thuận rộng rãi của các nhà khoa học trên thế giới cũng như các tổ chức hiệp hội y khoa, sản phụ khoa, hỗ trợ sinh sản.
Cá biệt gần đây tôi cũng đọc được một bài báo nói về việc các trẻ em sinh ra bằng phương pháp IVF thì có ý thức tự giác tốt hơn các trẻ em khác, nhưng đương nhiên điều này còn rất nhiều tranh cãi và cũng chưa được các tổ chức khoa học thật sự đồng thuận.
Làm IVF tỷ lệ thành công thế nào?
Chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu rõ ràng, kỹ càng hơn về các phương pháp hỗ trợ sinh sản. IVF hay còn được gọi là thụ tinh ống nghiệm, nghĩa là sẽ dùng thuốc kích thích cho buồng trứng tạo ra nhiều noãn hơn ở một chu kỳ, sau đó sẽ để noãn và tinh trùng kết hợp với nhau trong môi trường ống nghiệm, hoặc đưa trực tiếp tinh trùng xuyên qua màng noãn để tạo thành phôi (quá trình này thường được thực hiện trong phòng thí nghiệm).
Phôi sau khi được tạo thành sẽ được nuôi phát triển đến ngày 3 hay ngày 5 rồi chuyển vào buồng tử cung của người phụ nữ. Đây là một quy trình được thực hiện rất nghiêm ngặt về thủ tục pháp lý, kỹ thuật chuyên môn.
Phương pháp này cũng có những bước liên quan đến chọn lọc tự nhiên ví dụ như có thể dùng thuốc kích trứng được 15 trứng trên siêu âm nhưng khi chọc trứng thì số noãn thu được sẽ giảm đi một phần, số noãn đem thụ tinh thì sau ngày 1 có thể số hợp tử cũng giảm số lượng đi, rồi nuôi phôi đến ngày 3 ngày 5 thì số phôi cũng giảm tiếp, và không phải cứ nuôi phôi đến ngày 5 đem chuyển vào buồng tử cung là chắc chắn thành công. Mỗi trung tâm IVF thường sẽ có một tỉ lệ thành công nhất định.
Em bé sinh ra bằng IVF có thể thông minh hơn?
Ngoài ra với sự phát triển của ngành hỗ trợ sinh sản và công nghệ sàng lọc chẩn đoán trước sinh, có thể kiểm tra được xem nguy cơ bất thường về hình thái và số lượng nhiễm sắc thể của phôi trước khi chuyển vào buồng tử cung để sàng lọc các nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể, nhưng tôi khẳng định không có cơ sở nào khi nói về sự khác nhau giữa mức độ thông minh của các bé thụ tinh ống nghiệm và các bé thụ thai tự nhiên.
Nên thông tin như trên có thể chỉ là do người ta cố gắng tìm hoặc nghĩ ra các lý do để bảo vệ quan điểm của bản thân về việc muốn sử dụng phương pháp IVF để có em bé. Còn IUI tức là bơm tinh trùng vào buồng tử cung, phương pháp này giúp hỗ trợ cho tăng khả năng thụ thai, còn quá trình thụ thai thì hầu như không khác với việc thụ thai tự nhiên. Về mặt chi phí thì một chu trình IVF thường tốn khoảng 60 triệu bao gồm chi phí khám, sử dụng thuốc kích trứng, chọc trứng, nuôi phôi trong lab (phòng thí nghiệm), và chuyển phôi. Một chu trình IUI thường tốn khoảng 4-8 triệu tùy vào từng bệnh nhân.