180 ca sinh mỗi ngày ở Gaza
Islam Hussein được cứu hộ và sinh con chỉ vài giờ sau khoảnh khắc cô mất một đứa con khác ngay trong căn nhà của mình bởi một vụ đánh bom tại Gaza. Theo dự tính, Islam Hussein còn 10 ngày nữa mới đến thời điểm chuyển dạ. Cô nhớ lại hôm đó khi đang dung bữa sáng thì "ngôi nhà bên cạnh" bị trúng bom khiến mái nhà cô đổ sập xuống.
"Tôi cảm nhận được những mảnh vụn từ đống đổ nát và tôi không thể cử động. Tôi bắt đầu la hét cho đến khi cứu hộ tìm thấy tôi và đưa tôi lên xe cứu thương".
Lực lượng cứu hộ đưa cô đi siêu âm và bác sĩ quyết định mổ lấy thai khẩn cấp.
Hussein là một trong khoảng 50.000 thai phụ sống tại Gaza khi Hamas (lực lượng vũ trang kiểm soát Dải Gaza) tấn công Israel vào ngày 7/10/2023. Ngay sau đó, Chính phủ của Tổng thống Israel là ông Benjamin Netanyahu đã đáp trả bằng chiến dịch ném bom hàng ngày nhằm vào dải đất này.
Theo ước tính của UNFPA (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc), khoảng 5.500 phụ nữ sẽ sinh con trong tháng 11 – trung bình khoảng 180 ca sinh mỗi ngày, với "15% có thể gặp biến chứng".
Dominic Allen, đại diện của UNFPA tại Palestine, cho biết: "Phụ nữ mang thai ở Gaza không có nơi nào để di tản". Nhiều người không thể đến bệnh viện vì những cơ sở này bị bắn phá liên tục. "Họ phải sinh con tại nhà, với sự hướng dẫn qua điện thoại của bác sĩ hoặc nữ hộ sinh. Nếu đường dây điện thoại chẳng may ngừng hoạt động thì họ phải tự xoay xở. Những phụ nữ may mắn đến được các trung tâm y tế sẽ được gửi về nhà "ba giờ đồng hồ sau khi sinh" để nhường chỗ cho những thai phụ khác hoặc những người bị thương", ông Dominic Allen nói.
Theo ông, các cơ sở hỗ trợ sinh đẻ ở Gaza hiện đang đối mặt với tình trạng không có thức ăn, nước sạch, điện hoặc nhiên liệu để vận hành các lồng ấp cho trẻ sơ sinh và các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Cùng một hệ thống y tế "tàn tạ và trên bờ vực sụp đổ" bởi chiến tranh và những thiếu thốn kể trên khiến cả bà mẹ và trẻ sơ sinh không nhận được sự chăm sóc cần thiết.
Raquel Vives, chuyên gia về sức khỏe sinh sản và tình dục của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), giải thích rằng mổ lấy thai (Cesarean section) là một ca phẫu thuật phức tạp, trong đó "da, cơ và tử cung của người phụ nữ bị cắt bỏ". Tuy nhiên, do thiếu hụt về vật tư y tế nên phẫu thuật này được thực hiện chỉ với "thuốc gây mê cục bộ cho da".
"Chúng tôi chết 100 lần mỗi ngày vì sợ hãi"
Mặc dù không có dữ liệu về tình trạng sẩy thai hoặc sinh non do cú sốc tinh thần từ các vụ đánh bom, ông Dominic Allen, đại diện của UNFPA tại Palestine, nói rằng "đã có sự gia tăng" số lượng các ca sinh non. Ông cho biết, với việc ngày càng có nhiều trẻ sinh non, sẽ không có đủ lồng ấp, chế độ dinh dưỡng cho những đứa trẻ này. "Mối nguy hại đến sức khỏe là rất lớn với tất cả phụ nữ mang thai", Allen nhấn mạnh.
Reham Rashad Bakr, 24 tuổi, đang mang thai được hai tháng, chia sẻ: "Tôi bị xuất huyết và không được điều trị. Tôi không tiếp cận được với những chất bổ sung cần thiết cho phụ nữ mang thai. Cô thậm chí còn không có bánh mì "vì tất cả các tiệm bánh đã bị đánh bom".
Nhưng điều cô cần nhất vẫn là sự an toàn. Cách đây vài ngày, lúc 2 giờ sáng, cô phải rời khỏi nhà sau khi cảnh báo đánh bom vang lên. "Chúng tôi bắt đầu chạy. Tôi thậm chí còn không kịp mang giày, các con tôi chạy chân trần… Chúng tôi chỉ có thể che đầu và chạy thật nhanh vì sợ hãi", cô nói. "Tâm lý chúng tôi đã mệt mỏi. Chúng tôi chết 100 lần một ngày vì sợ hãi", cô ấy nói thêm.
Những bà mẹ tại Gaza kể về hành trình sinh con giữa lúc chiến tranh, và nỗi sợ của họ về tương lai những đứa trẻ. Nguồn: BBC
+ Theo Cơ quan Y tế Gaza do Hamas kiểm soát, sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10, Israel đã tấn công trả đũa, khiến trên 11.000 người Palestine thiệt mạng.
Theo dữ liệu do Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) tổng hợp, con số này đã vượt qua tổng số người Palestine thiệt mạng trong 15 năm qua do xung đột với Israel.
Israel cũng chịu tổn thất to lớn: Ngày 7/10/2023 khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng chỉ trong ngày 7/10. Con số này gần gấp 4 lần tổng số người Israel thiệt mạng vì những cuộc xung đột như vậy kể từ năm 2008. Israel ước tính khoảng 240 con tin bị bắt giữ ngày hôm đó.
+ Ngày 13/11, một con tàu của Thổ Nhĩ Kỳ mang theo "vật tư, máy phát điện, xe cứu thương để lập 8 bệnh viện dã chiến" nhằm hỗ trợ người dân ở Dải Gaza đã cập cảng El Arish của Ai Cập. Đây là chuyến tàu đầu tiên chở hàng viện trợ theo hình thức này đến Ai Cập kể từ khi cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát hôm 7/10. Các bệnh viện dã chiến sẽ được thiết lập ở thành phố El Arish (Ai Cập), nằm cách cửa khẩu biên giới Rafah khoảng 40 km. Đây là cửa khẩu duy nhất đến được Dải Gaza mà không nằm dưới sự kiểm soát của Israel.
Nguồn: El Pais, BBC