Tháng 10 năm 2017, Sophie Dennis ở Newcastle (Anh) chuyển dạ ở tuần thai thứ 22. Cô khẳng định, các bác sĩ ở Bệnh viện Royal Victoria Infirmary (Newcastle) đã "từ bỏ" việc cứu sống cô con gái sinh non của mình bởi họ cho rằng, bé chào đời quá sớm không thể sống sót được.
Trong khi đó, bà mẹ 34 tuổi cho biết, con gái cô, Autumn Orion Dennis cho thấy dấu hiệu của sự sống và trên thực tế đã sống được gần 2 giờ đồng hồ trước khi trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay mẹ.
Sophie đã sinh con sớm vì hội chứng tụ máu tầng sinh môn.
Mắc hội chứng tụ máu tầng sinh môn, sản phụ sinh non ở tuần thai thứ 22
Theo pháp luật Anh, giới hạn của khả năng sống hay việc một đứa trẻ có đủ khả năng lớn lên hay không là 24 tuần tuổi. Đây cũng là mốc giới hạn mà việc phá thai được phép tiến hành.
Sophie sinh bé Autumn ở mốc 22 tuần 6 ngày thai kì sau khi được chẩn đoán mắc hội chứng tụ máu tầng sinh môn sau sinh cận mãn tính (subchronic haematoma) khiến việc mang thai của cô tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngay sau khi sinh con, Sophie đã nài nỉ các bác sĩ giúp Autumn nhưng họ nói, không thể làm gì thêm được bởi bé mới chỉ được 22 tuần tuổi.
"Tôi nghĩ họ đã cho rằng con gái tôi chết trước khi được sinh ra. Tôi đã rất sốc nên không phản kháng gì. Bác sĩ nói với tôi rằng, con có thể sẽ chịu cảnh tật nguyền khủng khiếp cũng như khó lòng thích nghi được với cuộc sống nếu họ giúp cứu sống con. Tôi nói: 'Vậy là bác sĩ sẽ để con tôi chết sao?'. Autumn chào đời đã cho thấy dấu hiệu muốn hít thở. Chúng tôi liên tục đề nghị bác sĩ hãy làm gì đó. Tôi cảm nhận được mạch đập của con, nhịp tim con. Khi người ta chuyển con tới cho tôi, con đã cử động và muốn hít thở. Con được đặt lên ngực tôi. Tôi đã khóc và cứ thế ôm con suốt gần 2 giờ đồng hồ. Đó là tình yêu và nỗi đau đến cùng một lúc. Tôi có cảm giác mình đã không thể giữ nổi con nên không ngừng nói lời xin lỗi con.
Vào cuối ngày mà con ra đời và biểu hiện sự sống, lẽ ra con phải được điều trị để sống. Một mặt, tôi cảm thấy mình muốn ngồi dậy, muốn tự tay đặt con vào trong lồng ấp nhưng mặt khác, tôi cũng cảm thấy tuyệt vọng. Bạn không thể dùng từ ngữ nào để diễn tả cảm giác khi bạn ôm con rồi chứng kiến con chết trong tay bạn".
Sophie cho rằng Autumn đã sống được gần 2 giờ đồng hồ trước khi trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay mẹ.
Người mẹ với trái tim tan nát ước giá mà cô có thể làm bất cứ việc gì để đổi vị trí cho con gái mình, cô cũng sẵn lòng. Nhưng khoảng 2 tiếng sau, bà đỡ đến kiểm tra em bé và thông báo Autumn đã vĩnh viễn ra đi. "Tim tôi vỡ vụn và như có một phần con người tôi đã mất đi cùng con buổi tối hôm đó. Một phần con người tôi và tôi của trước kia đã chết tối hôm đó, đã ra đi với Autumn".
Sophie cũng khẳng định rằng, các bác sĩ đã phạm sai lầm khi xác định mốc thời gian thai kỳ của cô. Họ cho rằng, cô mới đi được chặng đường 22 tuần 1 ngày. Trong khi theo tính toán của Sophie, chính xác phải là 22 tuần 6 ngày. Đó là lý do khiến bé Autumn không được coi là "có khả năng sống".
Theo tính toán của Sophie, chính xác thì tuổi thai của Autumn phải là 22 tuần 6 ngày.
Sau cơn mưa trời lại sáng
1 năm sau nỗi đau mất con, cuối cùng, vợ chồng Sophie – Sam đã được đón nhận niềm vui làm cha mẹ. Cô sinh hạ bé trai Laken hôm 21 tháng 9 vừa qua.
"Tôi đã rất lo sợ sẽ mất Laken ở một số mốc thời gian nhất định của thai kỳ. Nhưng thật may mắn, thai kỳ của tôi giống như những gì mô tả trong sách. Khi Laken chào đời, tôi chưa muốn ôm con ngay lập tức. Tôi cần một phút để bình tâm lại bởi lúc đó trong tôi cảm xúc đang dâng trào mãnh liệt. Thế rồi có điều gì đó bùng nở và tôi bế con lên, ôm con thật sát vào người mình, ở đúng vị trí Autumn từng nằm đó. Tôi tin con luôn ở bên chúng tôi và Autumn đã chăm sóc Laken khi tôi mang bầu lần hai".
"Tôi tin con luôn ở bên chúng tôi và Autumn đã chăm sóc Laken khi tôi mang bầu lần hai".
Hiện bà mẹ Anh đang khởi động chiến dịch kêu gọi ban hành những hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ bé sinh non.
Tuy nhiên, bất chấp niềm vui có được đứa con đáng yêu, Sophie thổ lộ, sự ra đi của con gái Autumn để lại nỗi đau quá lớn cho cô và gia đình. Hiện bà mẹ Anh đang khởi động chiến dịch kêu gọi ban hành những hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ bé sinh non.
"Tôi không nghĩ bất cứ bà mẹ nào nên trải qua nỗi đau đớn thể xác và tinh thần để rồi sau đó được thông báo rằng, bác sĩ chẳng thể làm được gì và phải chứng kiến con mình chết đi. Nếu một phụ nữ muốn phá bỏ thai nhi, cô ấy có thể làm vậy. Nhưng nếu một phụ nữ muốn con mình được sống, họ lại không thể làm vậy. Tôi biết khi nằm trên chiếc giường đó, khi bế trên tay đứa con đang chết dần đi, tôi sẽ phải làm mọi thứ để có thể ngăn chuyện tương tự xảy ra.
Nếu cha mẹ muốn con họ được giúp đỡ và đứa trẻ chào đời cho thấy dấu hiệu sự sống như Autumn của chúng tôi, họ nên được đáp ứng bởi đó chính là quyền cơ bản của con người".
Sophie tâm sự luôn cảm thấy Autumn đã bị tước đi cơ hội được sống: "Quyết định nỗ lực và duy trì sự sống cho con gái đã bị tước đoạt khỏi chúng tôi và điều đó thật đau đớn".
Ngưỡng sự sống là gì?
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh NHS, sản phụ sinh con trong ngưỡng bé có thể sống sót được là ở khoảng tuần thai thứ 23 và 24.
Khi một em bé chào đời quá sớm, các bác sĩ phải đối mặt với thách thức cả về mặt y khoa và đạo đức: Sẽ phải xử lý tiếp theo như thế nào?
Việc đưa ra quyết định y khoa liên quan tới trẻ sinh non phải dựa trên quá trình xem xét nhiều yếu tố bao gồm nguyện vọng của cha mẹ, sức khỏe của thai nhi, đánh giá tuổi thai, cân nặng khi sinh, điều kiện lâm sàng lúc sinh và tiến triển sau sinh.
Trong khoảng 22-25 tuần thai, các bác sĩ được khuyến khích đưa ra quyết định dựa trên việc liệu có thể hồi phục sự sống cho đứa trẻ tùy theo điều kiện của đứa trẻ đó không. Ngoài ra, cần để tâm tới nguyện vọng của cha mẹ và đánh giá lâm sàng của chính họ.
Nguồn: Dailymail, The Sun