Anh Thư (sinh năm 2001, quê Bến Tre), hiện là một học viên cao học, chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn tại Đại học Cần Thơ. Ngay khi mới chào đời, em không may mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch.
Hàng chục năm sống với diện mạo "khác các bạn", phải chịu nhiều bất công
Mái tóc lỡ thẳng mượt mà, nụ cười tươi tắn đầy tự tin, Anh Thư gây ấn tượng sâu sắc với người đối diện bởi chất giọng trong trẻo, dễ mến. Ngược về quá khứ, cô gái trẻ dần dần hé mở những đoạn ký ức thời học trò, cái thời cứ nhìn thấy diện mạo của em, người ta lại chỉ trỏ, cười chê...
"Lên cấp 2, em dần ý thức được bản thân mình có phần khác các bạn nhưng cũng chỉ dừng lại ở những lời chọc ghẹo mà thôi. Lớn hơn, thay đổi môi trường học tập, nhận thức cũng rõ ràng hơn, khi đó không chỉ là những lời không hay nữa mà còn là hành động. Ném giấy, ném phấn, cười cợt, những lời bàn tán, chỉ trỏ... Tất cả những điều đó em đều đã trải qua trong thời gian đi học", Anh Thư nhớ lại, đôi mắt nhìn xa xăm.
Anh Thư hiểu, những lời nói hay việc làm mà các bạn đối với mình không có ác ý, chỉ đơn giản là đùa vui. Song, nó để lại trong em một vết thương vô cùng lớn. Nó có thể lành nhưng chẳng thể nào biến mất.
Ngay cả khi như vậy, Anh Thư vẫn phải thừa nhận, không gì đáng sợ bằng việc không thể vượt qua chính mình.
Đó là một kỷ niệm vào năm em học lớp 9. Trong sách giáo khoa môn Sinh học có một tấm ảnh minh họa trẻ bị mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Nhìn thấy tấm ảnh đó, ngay lập tức, em cảm thấy sợ.
"Em sợ các bạn nhìn thấy sẽ lại bàn tán về mình, sợ các bạn lại nhìn chằm chằm vào mình và sợ rằng mình sẽ trở thành "ví dụ" cho bài học đó. Lúc đó, mặt em tái xanh, tay chân lạnh ngắt, giáo viên bộ môn thấy thế phải dẫn em xuống phòng y tế. Trong phòng, còn em và cô y tế, cô chỉ hỏi "con bị làm sao?" thì bao nhiêu dồn nén trong em vỡ òa. Đó là lần đầu tiên và duy nhất em khóc để giải tỏa ấm ức với người khác. Sau lớn hơn, biết nghĩ nhiều hơn thì khi có tủi thân hay ấm ức em lại chọn cách khóc một mình và tự tìm cách để quên, không nhớ đến nữa", Anh Thư nhớ lại.
Lên đại học, Anh Thư dần thoải mái hơn vì môi trường khá tốt. Tuy vẫn còn những ánh mắt soi mói nhưng thầy cô và bạn bè xung quanh rất hiểu và cảm thông nên những ngày sinh viên rất đẹp.
Tưởng rằng mọi điều sẽ luôn thuận lợi từ đó, nhưng không. Khi Anh Thư bắt đầu tìm lớp gia sư, không biết bao nhiêu lần em bị từ chối bởi ngoại hình. Những ám ảnh trong thời gian còn là học sinh lại ùa về, những câu hỏi cứ luẩn quẩn mãi trong em: "Sau này, khi đứng lớp, em có phải trải qua những cảm giác tồi tệ đó nữa hay không?"...
Cô gái trẻ sau đó quyết tâm phải thay đổi, vượt qua chính mình. "Và em đã làm được. Em đã không còn khóc bởi những lời nói hay ánh mắt của người khác nữa. Em đã tìm được người chịu đưa bàn tay ra nắm lấy tay mình, cho mình thêm niềm tin vào tương lai. Đó là bác sĩ của em - cô Việt Dung", Anh Thư cười tươi rói.
Trải qua 2 lần phẫu thuật tạo hình, 1 lần tiểu phẫu để có khuôn mặt như... người bình thường
Trong khi nhiều người đi phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để xinh đẹp hơn ban đầu, Anh Thư chỉ mong muốn cháy bỏng có được khuôn mặt với những đường nét lành lặn của một người bình thường.
Em tham khảo các anh chị đi trước có cùng hoàn cảnh, được mách đến TS.BS Phạm Thị Việt Dung (Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình - Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai). Nhắn tin cho BS Dung, chỉ 3 từ "cô sẽ giúp" của bác sĩ cũng khiến Anh Thư được an ủi, yên tâm.
Chờ đợi mãi rồi cũng đến ngày ấy. Ngày 17/1/2021, chuyến bay đầu tiên trong đời của Anh Thư, cũng là chuyến bay đến Hà Nội gặp BS Dung. Thế nhưng hơn 1 năm rưỡi sau, Anh Thư mới bước vào ca mổ vì bị hoãn do dịch bệnh.
Sơ lược về quá trình thay đổi diện mạo, Anh Thư được phẫu thuật chỉnh xương hàm, gây mê trong 8 tiếng vào tháng 8/2022. Tháng 10/2022 được gây tê để phẫu thuật ghép mỡ môi. Tháng 7/2023 được phẫu thuật nâng mũi sụn sườn, gây mê trong 3 tiếng.
Cụ thể, lần phẫu thuật tạo hình đầu tiên - phẫu thuật chỉnh xương hàm do BS Tuấn Anh (đồng nghiệp của BS Dung tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) thực hiện. Ca mổ kéo dài khoảng 8 giờ, khi tỉnh dậy, vì sức khỏe yếu nên em phải nằm lâu tại phòng hồi sức. May mắn có sự động viên, giúp đỡ kịp thời của các bác sĩ, em đã nhanh chóng bình phục.
Sau phẫu thuật chỉnh xương hàm, BS Dung phẫu thuật ghép mỡ môi cho Anh Thư. "Do chỉ gây tê, em nghe được tất những lời trò chuyện. BS Dung bảo 'hay thôi, về nhà cô ở cho đỡ tiền phòng', BS Dung động viên 'xinh hơn rồi đấy'... BS Dung luôn nghĩ cho em những điều nhỏ nhất để em ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần khi bước vào hành trình này", Anh Thư xúc động. Với em, BS Dung không chỉ là bác sĩ mà còn là người thân, một người thực sự quan trọng trong cuộc đời.
Với diện mạo hoàn toàn mới, Anh Thư hi vọng bản thân từ nay sẽ mạnh mẽ hơn, tự tin hơn để làm những điều mình ấp ủ.
Đến đầu tháng 7 vừa qua, BS Dung tiếp tục sắp xếp để Anh Thư phẫu thuật mũi tại Bệnh viện Bạch Mai. "Cô thương em lắm, lần nào gặp cũng động viên, cách nói chuyện của cô làm em có thêm động lực", Anh Thư nói.
Mọi người hay hỏi em là mổ có đau không, phẫu thuật có sợ không, sao lại chịu đau giỏi như vậy? Em cảm thấy mổ chẳng đau vì em được gây mê và gây tê. 2 lần mổ gây mê, em "hiên ngang" lắm. Bước vào phòng, nằm lên giường phẫu thuật, được gây mê, ngủ một giấc dậy mọi việc đã xong và đang ở phòng hồi sức. Vẫn có đau nhưng em có thể vượt qua được. Hỏi rằng có sợ không thì "em không sợ đâu vì em có niềm tin to lớn với bác sĩ của em".
Để có được nụ cười như hiện tại, Anh Thư bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến các bác sĩ tại đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Công nghệ cao - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai.
Hiện tại, với diện mạo hoàn toàn mới, Anh Thư hi vọng bản thân từ nay sẽ mạnh mẽ hơn, tự tin hơn để làm những điều mình ấp ủ. Em mong mình dám nói, dám bày tỏ suy nghĩ mà không còn tự ti về ngoại hình. Em hi vọng với nụ cười mới, em sẽ mạnh dạn phát triển bản thân, cố gắng học tập và trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng để trở thành một người giáo viên tốt, một người truyền cảm hứng sống.
"Trong tương lai gần, em sẽ cố gắng hoàn thành chương trình cao học đúng hạn, ổn định với công việc giảng dạy. Sau cao học, em vẫn muốn tiếp tục học nếu có đủ điều kiện. Em không muốn dừng lại ở vai trò một giáo viên đứng lớp mà còn là một người truyền cảm hứng, giúp đỡ được những hoàn cảnh giống em", Anh Thư chia sẻ.
Chia sẻ về bệnh nhân, TS.BS Phạm Thị Việt Dung cho biết, Anh Thư ngay từ khi sinh ra đã thiệt thòi, khuôn mặt bình thường như các bạn cũng đã là ước mơ xa vời. Nhưng thay vì tự ti, trốn tránh, oán trách số phận như bao bệnh nhân khác, em đã mạnh mẽ sống, mạnh mẽ hòa mình vào tập thể.
"Sau hơn 20 năm, những gì cô ấy có được ngày hôm nay, tôi tin đó là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng để hoàn thiện bản thân từ tri thức tới tâm hồn và tìm kiếm cơ hội để cải thiện ngoại hình. Chúng tôi chỉ là hạt cát trong hành trình thay đổi cuộc sống của cô ấy nhưng thực sự rất ấm lòng mỗi khi nhìn thấy cô ấy vui vẻ và gặt hái từng thành công nho nhỏ trong cuộc sống! Chúc cho cô gái ấy thật nhiều hạnh phúc, vì cô ấy vô cùng xứng đáng", BS Dung chia sẻ.