Khoảng 400 năm trước, một sinh vật thuộc chi linh dương (antelope) dạo chơi ở khu vực núi Alps (dãy núi miền Nam châu Âu). Và thật không may, đó cũng là chuyến đi cuối cùng. Sinh vật đáng thương ấy vĩnh viễn không thể trở về nữa.

Không rõ chuyện gì đã xảy ra, nhưng chú linh dương đen đủi đã bị chôn vùi trong hàng tấn tuyết, rồi mất tích dưới lớp băng hà núi Alps suốt hàng trăm năm. Mãi đến thời gian gần đây, thi thể được "ướp lạnh" một cách hoàn hảo của nó mới lộ ra sau khi lớp băng trên núi tan ra, và được giới khoa học tìm thấy.

Sinh vật sảy chân dẫn đến bị "ướp đá" suốt 400 năm, nay bỗng dưng trở thành "anh hùng cứu tinh" cho vô số xác ướp đông lạnh ngày nay - Ảnh 1.

Và chẳng ai ngờ rằng, chú lại trở thành một người hùng đối với khoa học. Nhờ vào đây, nhân loại có thể biết được bí mật bảo quản thi thể đông lạnh của các sinh vật khác mà không làm tổn hại mẫu gene bên trong đó.

Được biết, sinh vật này là một con sơn dương - loài bản địa tại các vùng núi của châu Âu. Nó được tìm thấy tại vùng núi Val Aurina (miền Nam nước Ý), trong một chuyến đi kéo dài 6h do Hermann Oberlechner - một nhà vô địch trượt tuyết thực hiện. Oberlechner cũng là người đầu tiên phát hiện ra thi thể của sinh vật xấu số.

Sinh vật sảy chân dẫn đến bị "ướp đá" suốt 400 năm, nay bỗng dưng trở thành "anh hùng cứu tinh" cho vô số xác ướp đông lạnh ngày nay - Ảnh 2.

Thi thể sơn dương được đưa xuống núi bằng máy bay trực thăng.

"Chỉ có phân nửa thi thể của con vật lộ ra trên nền tuyết. Lớp da của nó trông như da thuộc vậy, không còn chút lông nào. Tôi chưa từng thấy thứ gì tương tự, vậy nên ngay lập tức chụp ảnh và gửi cho đội kiểm lâm, cùng Sở Di sản Văn hóa quốc gia," - Oberlechner chia sẻ.

Với sự hỗ trợ của Đội cứu hộ trên núi Alpine, thi thể con sơn dương được đưa xuống núi bằng máy bay trực thăng, sau đó được chuyển tới Phòng thí nghiệm Bảo tồn Eurac và lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ -5°C. Các chuyên gia hiện hy vọng rằng thi thể được bảo quản hoàn hảo này có thể trở thành mẫu nghiên cứu lý tưởng, hòng tìm ra cách bảo quản các xác ướp đông lạnh khác mà không làm tổn hại đến mẫu gene cổ xưa quý giá.

Sinh vật sảy chân dẫn đến bị "ướp đá" suốt 400 năm, nay bỗng dưng trở thành "anh hùng cứu tinh" cho vô số xác ướp đông lạnh ngày nay - Ảnh 3.

"Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng dữ liệu khoa học nhằm phát triển một quy chuẩn bảo quản xác ướp đông lạnh trên toàn cầu. Đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội như vậy," - trích lời Albert Zink, giám đốc Viện Nghiên cứu Xác ướp tại Eurac.

Nói về xác ướp đông lạnh, có lẽ nổi tiếng nhất phải kể đến Người băng Ötzi. Đó là thi thể của một người đàn ông thiệt mạng cách đây 5000 năm tại vùng núi Alps, ngay giữa biên giới Áo và Ý. Ötzi bị chôn vùi dưới băng hà, nên thi thể của ông được bảo quản một cách hết sức tuyệt vời, cho phép giới nghiên cứu biết được rất nhiều điều về cuộc đời ông khi còn sống. Theo đó, ông là một thợ săn có trái tim khá yếu, ruột bị nhiễm ký sinh trùng. Nguyên nhân tử vong chưa được làm rõ, nhưng có thể do bị sát hại vì thi thể vẫn còn một mũi tên cắm trên vai trái.

Tình trạng bảo quản hoàn hảo của Ötzi thực sự là rất hiếm gặp, ngay cả khi so sánh với các xác ướp đông lạnh khác. Và với sự trợ giúp từ con sơn dương mới tìm ra kia, các chuyên gia sẽ biết được cách xử lý thi thể Ötzi như thế nào.

"Nhờ vào các nghiên cứu trước kia, chúng tôi biết được thông số vật lý và hóa học để bảo quản thi thể ở cấp độ vi sinh. Trong phòng thí nghiệm, chúng tôi sẽ để con sơn dương ở điều kiện như thế, sao cho không gây ảnh hưởng đến ADN. Sau đó với các phân tích chuyên sâu, chúng tôi có thể phân tích được mẫu gene của nó trong tương lai," - Marco Samadelli, chuyên gia bảo tồn học tại Eurac cho biết.

Nguồn: IFL Science