Sinh viên "bạt mạng" làm việc xuyên đêm
Khi lựa chọn công việc làm thêm vào buổi tối, đa phần sinh viên sẽ tìm đến các quán cafe, cửa hàng tiện lợi, quán game. Bởi theo đặc thù, các dịch vụ này sẽ mở qua đêm để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Không chỉ có vậy, các công việc ở đây thường khá... nhẹ nhàng, phù hợp với những người không có nhiều bằng cấp hay kỹ năng nghề nghiệp.
Cụ thể, để trở thành nhân viên chính thức cho một chuỗi cửa hàng tiện lợi rất có tiếng hiện nay, sinh viên chỉ cần điền vào một biểu mẫu online. Trong đó, có các thông tin bắt buộc phải hoàn thiện như: CCCD, Số điện thoại, Gmail... Ngoài ra, các bạn còn phải trả lời thêm một số câu hỏi như: "Bạn có làm việc ca đêm được hay không?", "Bạn có xăm hình trên người hay không?"...
Sau khi đáp ứng được tất cả yêu cầu, sinh viên sẽ đến với vòng phỏng vấn và nếu vượt qua, các bạn sẽ được nhận vào làm luôn. Với quy trình tuyển dụng đơn giản lại vừa có thể kiếm thêm thu nhập, vừa có thể xoay chuyển ca linh hoạt nên không có gì khó hiểu, đây chính là công việc được các bạn sinh viên "săn đón" hơn bao giờ hết.
Là một nhân viện tại chuỗi cửa hàng tiện lợi này, Ngọc Hân (sinh viên năm 3, Học viện Ngân Hàng) cho biết gắn bó với nơi đây được tròn 1 năm. Vì đã quen với công việc nên không giống như bạn bè đồng trang lứa lựa chọn các công việc liên quan đến chuyên ngành, Ngọc Hân vẫn nhất quyến "bám trụ" với việc bán hàng tại cửa hàng tiện lợi.
"Mình bắt đầu làm tại đây từ đầu năm 2. Buổi sáng mình phải đi học, buổi chiều mình tham gia CLB. Còn khoảng thời gian nào khác đâu nên dĩ nhiên mình phải làm ca đêm rồi. Theo mình thấy, công việc này khá nhàn rỗi, không quá có nhiều áp lực. Vả lại, mình cũng kiếm được kha khá thu nhập để trang trải cho cuộc sống hàng ngày ở Hà Nội, nên đến thời điểm hiện tại mình vẫn chưa có dự định tìm kiếm một công việc khác", Ngọc Hân chia sẻ.
Tương tự, Thanh Tâm (sinh viên năm 3, Học viện Ngân hàng) - một nhân viên tại chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng cảm thấy rất yêu thích công việc này. Cô bạn làm part-time với lương 22k đồng/giờ. Thông thường sẽ có 3 ca: Ca 1 từ 6h - 14h, ca 2 từ 14h - 22h, ca 3 từ 22h - 6h. Làm part-time nên không cố định giờ giấc. Thậm chí, nếu làm ca tối thì sẽ được tăng thêm 30% lương.
Thanh Tâm nói: "Vì nhà mình ở Hà Nội nên mình thường xuyên đăng ký làm ca tối để tăng thêm thu nhập cho bản thân. Buổi tối khách tại đây không quá đông, nên mình cảm thấy không quá vất vả. Nghe nói, năm nay nếu làm thêm thời vụ Tết mức lương tại đây sẽ nhân lên 400 lương nên mình cũng có ý định đăng ký một số ca làm Tết. Nhà mình gần mà, xong ca làm việc một cái là có thể chạy tót về nhà ngay".
Ở một diễn viến khác, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với anh Sáng - chủ của một quán game tại Hà Nội. Theo chia sẻ, các nhân viên làm ca đêm trong quán của anh trải từ sinh viên năm nhất đến năm 4. Theo nhận định của chủ quán, nhìn chung sinh viên chọn làm thêm ca đêm vì đó là khoảng thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày.
Ngoài ra, lương làm thêm ca đêm thường "nhỉnh" hơn ca ngày vì thời gian kéo dài từ 23h đêm hôm sau - 7h sáng hôm sau. Nhân viên của anh Sáng được trả 21k - 25k đồng/giờ. Theo anh, số tiền này còn cao hơn so với lương tối thiểu vùng năm 2022 theo quy định của nhà nước (mức lương tối thiểu vùng của Hà Nội là từ 20k đồng - 22,5k đồng).
Và những thứ phải đánh đổi
Đi cùng mức lương cao, lượng công việc ít hơn ca ngày, những sinh viên làm thêm ca đêm cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Việc làm đêm ca đêm đồng nghĩa với việc thức trắng 7 – 8 tiếng/ngày, xấp xỉ giờ làm hành chính của nhân viên công sở nhưng thực tế, mức lương các bạn có được chỉ vỏn vẹn 4-6 triệu đồng/tháng. Chưa kể đến việc ngày hôm sau các bạn sinh viên lại phải tiếp tục với bài vở trên giảng đường. "Bạt mạng" làm xuyên đêm, nhiều bạn sinh viên luôn trong trạng thái mệt mỏi, ủ rũ.
Là minh chứng sống cho việc làm ca đêm dẫn đến... kiệt sức, Hồng Thanh (sinh viên năm 3, Đại học Thủy Lợi) - từng là nhân viên tại một quán cafe kể lại, nhiều khi vừa hoàn thành xong ca làm đêm tại quán, cô bạn đã phải "lao" ngay đến trường. Chẳng kịp ăn uống gì nên bụng lúc nào cũng cồn cào, mắt thì lúc nhắm lúc mở chẳng tập trung đến bài giảng của thầy cô.
Làm được khoảng 3 tháng, cô bạn nhận thấy sức khỏe của bản thân bị giảm sút đi hẳn. Thậm chí, cô còn từng phải vào bệnh viện để theo dõi sức khỏe do làm việc quá sức. Nghĩ lại khoảng thời gian đấy, cô bạn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên: "Làm gì thì làm cũng phải cân nhắc đến sức khỏe".
Đương nhiên, cũng có một số người may mắn hơn nếu ca học được sắp xếp phù hợp. Đa phần các trường đại học sẽ phân bố 1 buổi học trong ngày, nên đối với các bạn sinh viên có lịch học vào buổi chiều, sau khi làm xong ca tối, các bạn hoàn toàn có thể trở về phòng để nghỉ ngơi. Đó cũng chính là câu chuyện của Minh Hùng (Sinh viên năm 3, Đại học Đại Nam). Theo nam sinh, làm việc ca nào không quan trọng, quan trọng là chúng ta biết cách phân bổ thời gian để vừa đảm bảo sức khỏe, khả năng học tập vừa có thể đi làm thêm và kiếm thêm thu nhập.
Cụ thể, sau khi làm ca đêm về vào khoảng lúc 7h sáng, cậu bạn sẽ tranh thủ đi ăn sáng luôn. Sau khi về đến phòng, Minh Hùng sẽ ngay lập tức đi ngủ để lấy lại sức sau ca làm việc căng thẳng. Sau tiếng chuông báo thức vào 12h trưa vang lên, cậu bạn sẽ dậy ăn trưa và chuẩn bị mọi thứ để đi học. Dự tính là vậy nhưng không phải lúc nào Minh Hùng cũng có thể tuân theo hoàn toàn thời gian biểu mà mình đã đặt ra. Nhiều khi mệt quá cậu còn ngủ quên cả đến giờ đi học, hay vào mùa ôn thi thì nam sinh phải phát tín hiệu giải cứu "ét o ét" vì chồng chéo deadline cần phải giải quyết.
Tuy nhiên, đó vẫn không phải là lý do duy nhất khiến nam sinh cảm thấy "lấn cấn" với việc làm đêm của mình, thứ thực sự khiến cậu bạn lo sợ là tin tức về vụ cướp cửa hàng tiện lợi vừa diễn ra cách đây không lâu. Tên cướp trong vụ việc đã ngang nhiên bước vào cửa hàng tiện lợi lúc 3h sáng để cướp tiền trước sự bàng hoàng của nhân viên. Điều đó đã khiến Minh Hùng cảm thấy lo lắng vì những mối nguy hiểm xung quanh luôn dình dập.
"Từ ngày nghe tin tức đó, mình luôn cảm thấy không an tâm mỗi khi làm việc ca đêm. Biết là lương cao thật đấy nhưng chắc hết hợp đồng đợt này, mình sẽ xin chuyển ca làm việc sang ngày hoặc tìm một công việc khác, chứ cứ như thế này thì sức khỏe lại vừa không đảm bảo, vừa lo lắng bất an mỗi khi đi làm", Minh Hùng chia sẻ.
Tựu chung lại, việc đi làm thêm vào ban đêm sẽ đam lại cho các bạn sinh viên nhiều trải nghiệm mới mẻ. Nhưng ở một khía cạnh khác, sinh viên thức trắng đêm để đi làm chẳng khác gì "bào mòn" sức khỏe cả. Không chỉ thiếu ngủ, ảnh hưởng tới kết quả học tập trên trường, nhiều sinh viên còn phải đối mặt với những rủi ro, thậm chí là những nguy hiểm từ những giờ làm đêm. Vậy nên, chúng ta phải cân nhắc thật kỹ mọi thứ để việc đi làm thêm không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe, khả năng học tập bạn nhé!