Mới ra trường có mức lương tháng bao nhiêu? - Đây là thắc mắc chung của rất nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp. Thực tế nhiều năm qua, những tân cử nhân khi được nhận vào làm tại một doanh nghiệp nào đó thường chỉ được đề xuất mức lương khởi điểm khá khiêm tốn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều sinh viên vì kỳ vọng quá cao nên đến lúc vào đời bị thực tế "tát" vào mặt, dẫn tới sự hụt hẫng, thất vọng.

Mới đây, một sinh viên gây tranh cãi khi chia sẻ việc bản thân chán nản vì "thực tế quá phũ phàng" sau khi tốt nghiệp. Là một sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung, có bằng HSK5 (chứng chỉ kiểm tra khả năng ứng dụng tiếng Trung của thí sinh, tương ứng với Cấp độ 5 của Tiêu chuẩn Quốc tế về Năng lực Tiếng Trung), nữ sinh này cho rằng, mình chỉ cần "tìm đại công việc cũng có thể đòi hỏi lương đâu đó tầm 18 - 25 triệu".

Sinh viên mới tốt nghiệp gây tranh cãi: "Cầm tấm bằng này có thể đòi hỏi lương 25 triệu/tháng" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cô tìm qua hàng chục công ty cũng chỉ trả tối đa 12 triệu cho người mới chưa có kinh nghiệm. Muốn lên được mức mong muốn thì phải có tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác. "Trong lòng mình đầy hối hận vì hồi đó giờ không đầu tư tiếng Anh đàng hoàng, để tới giờ tìm việc làm khó như vậy", nữ sinh này chia sẻ. Và, "mình mất 4 năm học mà được mỗi 12 triệu thì không bằng mấy bạn tự học có HSK. Mình ít nhất cũng phải được 16 triệu".

Đồng thời, cô cũng cho rằng, trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng, mình bị nhận xét năng lực nói chưa đạt tới HSK5, không chuyên môn nghiệp vụ cụ thể, không tiếng Anh, không kinh nghiệm. Vậy nên, cô đang phân vân giữa việc tập trung học tiếng Anh, hoặc là học lên Thạc sĩ, hoặc là chấp nhận ra đời với xuất phát là mức lương thấp.

"HSK5 đối với sinh viên ngôn ngữ quá là bình thường, đừng ảo tưởng"

Bài chia sẻ của cô gái này thu hút sự chú ý của cộng đồng học tiếng Trung với gần 4 ngàn lượt like cùng hàng trăm bình luận. Hầu hết đều cho rằng, HSK5 đối với sinh viên Ngôn ngữ Trung quá là bình thường, là yêu cầu tối thiểu để tốt nghiệp. Học 4 năm đại học mà không lên được HSK6, chứng tỏ năng lực của nữ sinh này cũng không quá nổi trội. 

Hơn nữa, với sinh viên mới ra trường, lại trong giai đoạn kinh tế khó khăn, mức lương 12 triệu cũng là mong muốn của nhiều người khác.

Một người bình luận: "Bạn ảo tưởng quá rồi. Không biết bạn đọc ở đâu để nghĩ "tìm đại công việc cũng có thể đòi hỏi lương tầm 18-25 triệu". Bạn nói mất 4 năm đi học ít nhất phải được 16 triệu/tháng, vậy bạn hãy chứng minh bạn xứng đáng với mức lương đó. 

HSK5 mà HR chê khẩu ngữ chưa tốt, chưa có năng lực gì khác ngoài ngoại ngữ thì 8 triệu cũng chưa tương xứng. Cùng năm với bạn có bao nhiêu người tốt nghiệp, trong đó có cả khối người giỏi giang, 2 hoặc hơn 2 ngoại ngữ, lanh lợi, chịu khó, chịu học hỏi, tất nhiên nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên. Trong khi bạn chê thì người ta đã tiến trên con đường tích cóp kinh nghiệm. Rồi 1-2 năm sau bạn vẫn chưa có việc làm, người khác đã có 1-2 năm kinh nghiệm, biết điểm yếu điểm mạnh của bản thân để trau dồi hoặc phát huy rồi".

Một người khác cho biết, bản thân mình được IELTS 6.0, HSK5, cử nhân Kinh tế Quốc dân nhưng lúc mới ra trường chỉ dám “deal” 8 đến 10 triệu. Ngôn ngữ là công cụ hỗ trợ, là cầu nối chứ không thể thay thế cho năng lực chuyên môn. Mà đối với sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung thì HSK5 chỉ đủ giao tiếp, không có gì hơn mặt bằng để "ảo tưởng lương cao" cả.

Lời khuyên của những người có kinh nghiệm dành cho nữ sinh viên mới ra trường này là hãy đi làm một thời gian, xem mình phù hợp với mảng gì, và trau dồi thêm kỹ năng ở mảng đó. 

Thực ra, đây là một trường hợp tiêu biểu nhất trong rất nhiều những trường hợp ảo tưởng năng lực khác của các bạn trẻ khi đi xin việc hiện nay. Nhiều người mong muốn nhận mức lương tương đương với người có 2-3 năm kinh nghiệm trong khi không biết bản thân mình có gì sau khi mới ra trường. Tự tin về năng lực của mình là điều tốt, nhưng nếu nó trở thành ảo tưởng thì sẽ là một sai lầm khiến bạn mất cơ hội tìm được việc làm.

Đa số sinh viên mới ra trường giống như tờ giấy trắng, chưa có kinh nghiệm thực tế và đây chính là điểm yếu của nhiều bạn trong quá trình xin việc làm. Một số công ty cho rằng các bạn trẻ mới bước vào thị trường lao động phải tiếp tục trau dồi kỹ năng, học hỏi thêm kinh nghiệm, thay vì chỉ đòi hỏi mức lương cao.

Nói về nguyên nhân sinh viên mới ra trường lương thấp, một người cho biết: "Ở cơ quan tôi, hằng năm đều có rất đông sinh viên đến thực tập hoặc được tiếp nhận vào làm. Nhưng có đến 99% các bạn không có kỹ năng mềm. Khi chat với bạn bè, các em gõ như máy, nhưng khi đi vào công việc thực tế thì đánh máy một văn bản cũng sai chính tả la liệt, căn chỉnh loạn xạ... ngoài ra còn thiếu nghiêm túc trong công việc, ngoại ngữ kém... Tóm lại, các doanh nghiệp gần như phải đào tạo lại từ đầu thay vì kỳ vọng họ cống hiến được ngay. Thế nên mức lương khởi điểm thấp là điều dễ hiểu".

Vậy làm sao để có quyền lựa chọn, làm sao để lựa chọn thị trường tốt, việc lương cao? Câu trả lời chính là bạn phải tăng giá trị của bản thân. Cụ thể ở đây là bạn phải học, đạt nhiều chứng chỉ nghề nghiệp, tăng cường kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng mềm - cứng...

Sớm muốn gì các bạn cũng sẽ đạt được mức lương như mong muốn nếu có quyết tâm. Tuy nhiên, nếu các bạn muốn nhận được một mức lương gấp năm lần hoặc thậm chí hơn nữa thì các bạn hãy cứ bắt đầu đầu từ con số thấp mà doanh nghiệp trả. 

Cái các bạn cần khi mới ra trường là kinh nghiệm, không phải là mức lương. Và hãy làm trong những môi trường thật cạnh tranh, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giao tiếp, ngoại ngữ... Ai cũng sẽ có bước khởi đầu, nếu sau đó bạn thể hiện được năng lực của bản thân, có nhiều cống hiến cho công ty thì không lý gì công ty không trả cho bạn một mức lương tốt.