Ngày 31/1, tại bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm, Hà Nội ghi nhận lượng khách qua bến bắt đầu gia tăng. Trên các hàng ghế nhà chờ, quầy bán vé đã có hành khách chờ lên xe dù đây chưa phải là thời gian cao điểm về quê dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Về quê sớm để bớt chi phí
Phần lớn những người về quê sớm thời điểm này là sinh viên và một số lao động không còn việc dịp cận Tết.
Anh Trần Văn Vĩnh, quê ở Nam Định cho biết, năm nay kế hoạch nghỉ Tết sớm nên anh tranh thủ về quê sớm, tránh tình trạng ùn ứ như mọi năm.
“Tôi làm mộc. Nếu mọi năm đến sát Tết vẫn nhiều việc, có khi vẫn làm đến 30, mùng 1 mới về quê. Năm nay khó khăn, hầu như không có đơn hàng. Mấy tháng vừa rồi chủ xưởng cố gắng giãn việc cầm cự cho anh em. Đến hôm rồi phát quà Tết cho anh em nên nay tôi cũng tranh thủ về quê luôn”, anh Vĩnh cho biết.
“Hết tháng về luôn cũng tiết kiệm bớt phần chi phí ăn ở. Về sớm giá vé cũng đỡ hơn, giá vẫn giữ như bình thường, chứ gần Tết là tăng mà ngồi lại chen chúc.
Năm nay kinh tế khó khăn, lương thưởng giảm hẳn. Thôi thì tiết kiệm thêm đồng nào có thêm đồng đó mua ít quà bánh cho gia đình”.
Với chị Đặng Kim Loan, nhân viên một công ty chuyên tổ chức các sự kiện, về quê sớm là một lựa chọn tốt để tránh được sự đông đúc, ùn tắc những ngày giáp Tết của Thủ đô.
“Tầm này, hầu hết các sự kiện cũng đã xong xuôi. Công ty cũng tạo điều kiện cho chúng em ai có nhu cầu có thể nghỉ sớm vì đa số bọn em làm việc theo công việc đặt hàng. Cả một năm vất vả, mệt mỏi và căng thẳng, về quê bây giờ quả thật là tuyệt vời”, chị Loan cho biết.
“Về quê sớm không chỉ thoát được không khí ngột ngạt của tắc đường những ngày giáp Tết mà còn tránh được “cuộc chiến” căng thẳng hơn về giá vé hay săn chỗ ngồi trên xe khách”.
Về quê sớm để có nhiều thời gian bên gia đình
Nếu với những người lao động lựa chọn về quê sớm để tiết kiệm được chút chi phí và tránh ùn tắc giao thông, thì những bạn sinh viên, học sinh lại mong về quê sớm để có thêm thời gian bên gia đình.
Nguyễn Thu Hương, sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ, quê ở Hà Tĩnh đang kiểm lại đống hành lý lỉnh kỉnh của mình trong khi chờ người bạn đi mua vé. Đây là năm thứ hai Hương về quê ăn Tết sau cả năm học vất vả ở Thủ đô.
“Em học năm 2 trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Hôm nay trường mới cho bọn em nghỉ học nhưng bọn em đã chuẩn bị đồ đạc được cả tuần rồi. Chỉ chờ nghỉ là ra bến mua vé về quê thôi”, chị Hương chia sẻ.
“Em lên Hà Nội được 2 năm rồi nhưng Tết nào đến lúc được về với bố mẹ, gia đình cũng phấn khởi, sung sướng lắm. Do điều kiện học tập và nhà cũng ở xa nên có mỗi dịp hè và Tết là đợt nghỉ dài chúng em được về nhà. Nhưng Tết về khác lắm, có họ hàng, anh em rồi mọi người tập trung chuyện trò, ăn uống cùng nhau rất vui. Vì thế cứ Tết là em mong về sớm nhất có thể để có nhiều thời gian cho gia đình”, Hương phấn khởi nói.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở đã cấp 350 phù hiệu xe tăng cường phục vụ hành khách vào những giờ và ngày cao điểm.
Theo đại diện các bến xe, trong thời gian phục vụ Tết, lượng khách dự kiến đi qua bến lúc cao điểm tăng khoảng 300 - 350% so với ngày thường. Đợt cao điểm sẽ diễn ra từ ngày 1/2 đến hết ngày 9/2 (tức từ 22 đến 30 tháng Chạp). Hiện, người dân đã đặt vé về quê ăn Tết khá nhiều, dự kiến cao điểm rơi vào khoảng 28, 29 Tết.