Việc sinh viên đi làm thêm không còn quá xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, đi làm thêm vào những dịp đặc biệt như lễ Tết lại là câu chuyện khác. Trong lúc người người nhà nhà hoặc là về quê sum họp cùng gia đình, hoặc là đi chơi, đi du lịch thì có không ít bạn trẻ lại ngậm ngùi ở lại thành phố với công việc bán thời gian của mình.

Dẫu biết rằng đi làm vào những ngày này, khoản thu nhập các bạn sinh viên có thể nhận được là vô cùng hậu hĩnh, có khi gấp đôi, gấp ba bình thường. Thế nhưng, cảm giác chạnh lòng, cô đơn cũng là không thể tránh khỏi!

"Nhìn mọi người lũ lượt về quê, ai mà không chạnh lòng?"

Vừa trở về từ chỗ làm thêm giữa tiết trời đông lạnh giá của Hà Nội, Lê Nguyễn Hạ Linh (sinh viên năm 2, Học viện Tài chính) liền táp vội vào một quán ăn sinh viên để mua cơm tối. Hoàn thành xong ca chiều lúc 5h30, dính đúng vào thời điểm tắc đường nên hơn 1 tiếng đồng hồ sau, Hạ Linh mới về đến nhà trọ và lọ mọ tìm cách giải quyết bữa tối. Đến muộn nên những món ăn ở quán chẳng còn lại nhiều, nếu còn thì đều nguội tanh nguội ngắt. Ngồi ăn tối, cô bạn rưng rưng chia sẻ: "Tết Dương năm nay mình không về quê mà ở trên Hà Nội làm thêm". 

Được biết, cô bạn hiện làm bưng bê tại một quán cafe. Vào những ngày thường vì vướng lịch học trên trường nên Hạ Linh chỉ có thể làm part-time với số tiền 120.000 đồng/buổi. Sau khi có lịch nghỉ Tết Dương lịch của trường, Hạ Linh mới dành toàn bộ thời gian đi làm với mức lương 250.000 đồng/buổi, nếu tăng ca thì thu nhập sẽ nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, kiếm tiền không phải lý do duy nhất khiến Hạ Linh quyết định ở lại Hà Nội thay vì về quê:

"Vì trường mình hoàn thành việc thi học kỳ từ sớm, cộng thêm việc nghỉ Tết Dương lịch nên số ngày nghỉ của mình nhiều hơn hẳn so với mọi người. Nghỉ mình dài ngày như vậy đa phần bạn bè của mình đều về quê, duy chỉ có mình là ở lại Hà Nội làm thêm xuyên Tết Dương lịch để kiếm thêm tiền đóng học phí cho học kỳ tới. 

Mình làm công việc này được khoảng 4 tháng này rồi. Ngày nào mình cũng phải vượt 11km để đi làm. Chi tiêu chắt bóp cũng tiết kiệm được một khoản nho nhỏ. Làm thêm tăng ca tầm 10 ngày nữa chắc sẽ kiếm được khoảng 2,5 - 3 triệu, lúc đó mình có thể nộp phần nào học phí, bớp đi chút gánh nặng cho bố mẹ ở quê. Nhưng gì thì gì, nhìn mọi người lũ lượt về quê, ai mà không chạnh lòng cơ chứ?", Hạ Linh giãi bày.

Sinh viên ở lại thành phố làm thêm dịp Tết Dương lịch: Không về cũng không đành mà về thì bao nhiêu thứ phải lo! - Ảnh 1.

Nhìn mọi người lũ lượt về quê, ai mà không chạnh lòng? (Ảnh minh họa)

Học phí cũng là một trong những nỗi lo bám riết lấy Phạm Vũ Thùy Dương (sinh viên năm 2 Đại học Ngoại Thương). Chính điều đó khiến cô nàng đành phải ở lại Hà Nội để đi làm thêm chứ không về quê với gia đình. Đây là năm đầu tiên cô bạn đón tết Dương lịch xa nhà, một trải nghiệm khá lạ và có chút... buồn. 

Quê ở tỉnh Lạng Sơn, mỗi lần về Tết cả đi cả về tiền vé xe Thùy Dương phải trả vô cùng đắt. Kết hợp với việc thời gian nghỉ ngắn nên năm nay, Dương quyết định ở lại Hà Nội để làm thêm, vừa tiết kiệm chi phí về quê vừa có đồng ra đồng vào, mua sắm chuẩn bị đồ cho tết Âm lịch sắp tới.

Được nghỉ 3 ngày, Thùy Dương xin làm thời vụ tại một quán bán đồ trang trí Tết. Ngần ấy thời gian đi làm, cô nàng tạm tính mình có thể kiếm được "sương sương" khoảng gần 1 triệu đồng chưa trừ đi chi phí ăn ở, đi lại. Với số tiền này, Dương có thể tận dụng để mua quần áo, quà tặng cho bố mẹ dịp tết Nguyên đán 2023. Đương nhiên, cũng như Hạ Linh, Thùy Dương không tránh được cảm giác tủi thân.

"Tết Dương lịch năm nào cả gia đình mình cũng tổ chức tiệc tùng ăn uống. Năm nay không được bên gia đình sum họp mình cũng thấy nhớ. Bình thường lúc đi làm không sao, đến lúc trở về phòng nghĩ về bố mẹ và đứa em là thấy buồn", Dương chia sẻ.

Sinh viên ở lại thành phố làm thêm dịp Tết Dương lịch: Không về cũng không đành mà về thì bao nhiêu thứ phải lo! - Ảnh 2.

Dẫu kiếm được kha khá tiền, nhưng xa nhà sẽ không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng (Ảnh minh họa)

Không về nhà ăn tết, các bạn sinh viên làm gì?

Bên cạnh những trường hợp sinh viên được nghỉ dài do vừa thi xong học kỳ 1 sớm, vừa được nghỉ dịp tết Dương lịch, cũng không ít sinh viên chỉ được nghỉ tết 2 ngày theo đúng quy định. Ai ở Hà Nội hoặc những tỉnh lân cận còn có thể tranh thủ tàu xe để về nhưng với những sinh viên ở xa, chỉ nghỉ 2 ngày mà về quê là... không bõ. Vậy nên, đa phần bạn sinh viên lựa chọn việc ở lại thành phố. Để việc vui chơi đầu năm không bị gián đoạn, họ đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau.

Nguyễn Minh Anh (sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ, đây là năm đầu tiên Minh Anh đón Tết Dương lịch xa nhà. Lý do là bởi trường của cô bạn chỉ được nghỉ Tết Dương lịch ngắn, vỏn vẻn có 2 ngày. Thời gian như vậy là quá ít, không đáng để Minh Anh bắt xe về quê. Do đó, cô bạn quyết định ở lại Hà Nội và lên kế hoạch vui chơi cùng với bạn bè của mình.

"Không được về nhà dịp Tết Dương lịch cùng với bố mẹ thì mình phải có kế hoạch vui chơi khác. Năm nay, mình với đám bạn thân đã lên kế hoạch để tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ để tụ tập. Xong sau đó, chúng mình sẽ đi countdown và đón năm mới ở Hồ Gươm. Dù không được bên cạnh người thân và gia đình như mọi năm, nhưng với những trải nghiệm mới này mình nghĩ sẽ khiến mình bớt nhớ nhà hơn", Minh Anh nói.

Tương tự, Phạm Thu Giang (sinh viên năm 4 Đại học Thương Mại) cũng lựa chọn ở lại thành phố. Bên cạnh thời gian nghỉ ngắn, thì một lý do nữa khiến Thu Giang không về quê là vì cô bạn đang phải "lu bu" với khóa luận tốt nghiệp, hồ sơ xin thực tập... Dẫu vậy, trái ngược với cảm xúc của nhiều người, cô bạn không hề cảm thấy hụt hẫng hay buồn chán vì chỉ cần học thêm hơn chục ngày nữa là Thu Giang đã được nghỉ Tết Nguyên đán 2023.

"Tết Âm lịch năm nay đến khá sớm nên sau Tết Dương lịch, bọn mình chỉ cần học thêm hơn chục buổi nữa là đã được nghỉ Tết rồi. Năm nay bọn mình được nghỉ Tết 2 tuần, nhưng mình sẽ ở Hà Nội thêm 1 tuần nữa để cùng nhóm bạn thân thời đại học lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi xa. Bây giờ còn thời gian, tranh thủ lúc nào đi chơi với nhau được thì hay lúc đấy. Chứ để đến lúc đi làm rồi thì khó mà có dịp hội ngộ", Thu Giang chia sẻ.

Sinh viên ở lại thành phố làm thêm dịp Tết Dương lịch: Không về cũng không đành mà về thì bao nhiêu thứ phải lo! - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Ở một diễn biến khác, bên cạnh việc lên kế hoạch đi chơi tết Dương Lịch thì có không ít bạn sinh viên chọn việc ở nhà để... nằm ngủ. Đó chính là câu chuyện của Nguyễn Thanh Tùng (sinh viên năm 2, Đại học Bách Khoa Hà Nội). Trước khi nghỉ tết Dương Lịch, Thanh Tùng đã phải trải qua kỳ thi cuối kỳ hết sức căng thẳng, nhiều hôm cậu bạn còn thức đến 3-4h sáng để học tập. Khoảng thời gian ôn thi đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của Tùng, cộng với việc thời tiết Hà Nội đang vô cùng lạnh nên cậu bạn chọn "ở nhà đắp chăn ngủ cho lành".

Còn bạn, kế hoạch nghỉ Tết Dương lịch của bạn như thế nào vậy?