Số ca mắc tay chân miệng ở An Giang tăng cao, một trường hợp tử vong - Ảnh 1.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi An Giang tiếp nhận điều trị hàng chục ca mắc tay chân miệng.

Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố, tập trung nhiều tại những địa bàn đông dân cư như các huyện Chợ Mới 302 ca, Châu Thành 204 ca, Thoại Sơn 122 ca, Châu Phú 111 ca và Long Xuyên 77 ca. Ngành y tế đã phát hiện, xử lý 157/157 ổ dịch tay chân miệng ở các địa phương.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang, nguyên nhân số ca mắc tay chân miệng tăng cao thời gian qua do biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhất là sau những cơn mưa đầu mùa, bệnh có chiều hướng tăng nhanh, tập trung ở các huyện đông dân cư.

Bác sĩ Phạm Thanh Tâm cho biết, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.

Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Vì vậy, các bậc phụ huynh khi phát hiện con em có dấu hiệu của bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà bông hay các dung dịch sát khuẩn thông thường cho trẻ, vệ sinh nhà cửa, dụng cụ, đồ chơi… mà trẻ có thể chạm vào. Khi thấy trẻ sốt hoặc có những bóng nước bất thường ở tay chân miệng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hướng dẫn kịp thời.