Một trong những nỗi quan tâm hàng đầu của bố mẹ khi chăm sóc con chính là làm sao để chân con thẳng thớm, không bị vòng kiềng. Thực tế, đôi chân cong của trẻ đã trở thành "nỗi ám ảnh" từ đời này qua đời khác. Nhiều người đã truyền tai nhau rằng để chân bé không bị vòng kiềng, bố mẹ phải thường xuyên nắn bóp để chân con được thẳng thớm.
Nhiều người đã truyền tai nhau rằng để chân bé không bị vòng kiềng, bố mẹ phải thường xuyên nắn bóp để chân con được thẳng thớm. (Ảnh: Internet)
Hiệu quả hay không thì khoa học chưa xác định nhưng đã có trường hợp, bố mẹ nắn bóp nhiệt tình, tích cực đến mức chân con viêm cơ, trật xương đến bầm tím. Mang con đến bệnh viện, nhiều bậc phụ huynh phải nín thinh nghe bác sĩ mắng vì áp dụng phương pháp cũ rích, phản khoa học. Theo các bác sĩ Nhi, nắn bóp chân không hề có tác dụng cải tạo cấu trúc xướng. Thậm chí nếu nắn quá mạnh tay, không đúng cách, con sẽ dễ bị viêm cơ, bầm tím, hay trật xương. Nếu không phát hiện kịp thời, bé có thể mang tật vĩnh viễn.
Trên thực tế, bố mẹ cần phải phân biệt cong cẳng chân sinh lý và chân vòng kiềng. Theo đó, trẻ sơ sinh khi chào đời thì hai chân đã cong do tư thế nằm trong bụng mẹ. Đây là tình trạng cong cẳng chân sinh lý, không cần trị vẫn có thể bình thường cho đến khi trẻ 1 tuổi. Sau đó, khi bé từ 2 - 4 tuổi, mẹ sẽ thấy hai gối của bé có thể vẹo vào theo hướng bên trong một chút. Từ 4 - 6 tuổi, hai chân bé sẽ thẳng trục trở lại. Những bé trong trường hợp này hoàn toàn không cần điều trị. Còn chân vòng kiềng thường xuất hiện do trẻ còi xương do thiếu vitamin D, suy dinh dưỡng, bệnh lý về xương, dị tật ở bàn chân ảnh hưởng gây lệch trục khớp gối. Ngoài ra, cho bé tập đứng, tập đi quá sớm cũng có thể khiến chân bé bị vọng kiềng. Hoặc bé thừa cân, béo phì cũng có thể bị vọng kiềng do trọng lượng cơ thể tạo áp lực lên chân bé.
Chính vì thế, nếu bé bị chân và vòng kiềng, tốt nhất mẹ nên mang con đến bác sĩ để xác định nguyên nhân để tìm ra phương pháp chữa trị kịp thời. Trên cơ bản, nếu trẻ bị vọng kiềng bởi còi xương do thiếu vitamin D, mẹ nên cho bé tắm nắng nhiều, bú mẹ nhiều để bé hấp thu đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Chỉ bổ sung vitamin D ngoài theo chỉ định của bác sĩ. Thêm vào đó, đừng vì quá nôn nóng mà ép, tập cho bé đứng hoặc đi sớm. Đến khi bé đã lớn, mẹ cần lưu ý tư thế đứng, đi và ngồi của con, tránh để con ngồi chân W, đứng bẻ cong chân về sau. Và phải đến những bệnh viện chỉnh hình lớn, uy tín để các bác sĩ tư vấn nếu mẹ có ý định cho bé phẫu thuật nắn xương cho trẻ.
(Nguồn: Tổng hợp)