Tai nạn khi bị điện giật là do dòng điện đi qua cơ thể khiến cho nạn nhân bị ngừng tim, ngừng thở, bỏng nặng và có thể dẫn tới tử vong. Việc nắm vững những nguyên tắc sơ cứu khi bị điện giật có vai trò quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân ngay từ những giây phút đầu. Nhưng thao tác thế nào cho đúng để người cứu không bị ảnh hưởng đến sức khỏe và nạn nhân có thể được cứu sống.
Ảnh: VnE
Thời gian gần đây xảy ra rất nhiều trường hợp tử vong do điện giật. Cứu người là tốt, nhưng cứu người không đúng cách thì sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho cả người cứu và người được cứu.
Theo bác sỹ Đặng Thành Khẩn, Trung tâm cấp cứu 115, để an toàn cho cả người bị điện giật và người cứu, mọi người nên trang bị cho mình những kiến thức và cách xử lý khi có tai nạn điện giật xảy ra.
Cách sơ cứu:
Khi nhìn thấy nạn nhân bị điện giật thì phải tìm cách cắt nguồn điện, gọi người hỗ trợ
Sơ cứu khi nạn nhân bất tỉnh:
Kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách, áp má vào mũi nạn nhân và xem lồng ngực có di động hay không, hoặc dùng tay đặt vào động mạch hai bên cổ nạn nhân. Nếu không có dấu hiệu thở thì tiến hành hà hơi thổi ngạt.
Sơ cứu nạn nhân khi còn tỉnh:
Kiểm tra tổn thương nguy hiểm, ví dụ như ở đốt sống cổ, có thể gây liệt nếu không biết cách cứu, sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận còn lại.
Biện pháp xử lý khi có tai nạn điện giật:
- Dùng các vật cách điện để cắt nguồn điện
- Người bị nạn ở trên cao khi cắt điện phải bố trí đỡ người bị nạn rơi
- Không nắm vào người bị nạn bằng tay không
- Nếu nạn nhân còn tỉnh, kiểm tra nhịp đập của tim và các bộ phận khác trên cơ thể
- Nếu nạn nhân bị ngất, phải hà hơi thổi ngạt
- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất
Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là đề phòng để không xảy ra tai nạn về điện. Đặc biệt, không nên cho trẻ em chơi gần ổ điện.