Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội ngày 15/2 dựa trên đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 ở 12 quận nội thành Hà Nội đi học trực tiếp từ 21/2 tức từ đầu tuần tới vào tất cả các ngày trong tuần.
Trong khi đó, học sinh mầm non vẫn tiếp tục nghỉ ở nhà. Cũng như các khối lớp khác, Hà Nội yêu cầu các trường không tổ chức bán trú, chỉ dạy trực tiếp 1 buổi/ngày.
Như vậy, vào tuần tới trường học Hà Nội chính thức mở cửa cho toàn bộ 1,6 triệu học sinh. Trừ lớp 1, các khối lớp khác đã học online gần 10 tháng.
Tuy nhiên khá nhiều phụ huynh vẫn lo lắng việc cho con em đến trường trong bối cảnh hiện tại. Trước thắc mắc này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thông tin trên báo Vietnamnet rằng: "Hiện, các nhà trường cũng đã chuẩn bị các kịch bản, phương án để xử lý tất cả các tình huống xảy ra để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Do đó, các phụ huynh có thể yên tâm cho con trở lại trường", ông Tiến nói.
Với những gia đình còn lo lắng cho sự an toàn của con em mà chưa cho đến trường dù con không thuộc diện F0, F1, theo ông Tiến, Sở yêu cầu các trường vẫn tổ chức dạy học song song kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Cụ thể, ông Tiến cho biết: "Các lớp sẽ lắp camera để truyền hình ảnh trực tiếp của lớp học đến với các học sinh ở nhà và các em vẫn sẽ tiếp thu được nội dung bài học một cách bình thường. Việc này hiện vẫn đang được tiến hành với các trường tiểu học ở các huyện ngoại thành. Trường nào có điều kiện thì có thể lắp ở tất cả các lớp, trường nào điều kiện hạn chế thì có thể lắp ở một vài lớp nhưng khối nào cũng có".
Ông Tiến cho hay, quan điểm của Sở GD-ĐT là cho phụ huynh chủ động lựa chọn và tôn trọng quyết định của phụ huynh về việc có cho con đến trường hay không.
"Phụ huynh còn lo lắng thì cũng không thể ép buộc. Vì lý do nào đó mà phụ huynh chưa cho con đến trường thì các nhà trường vẫn sẽ đảm bảo việc dạy học trực tuyến kết hợp cho các con", ông Tiến khẳng định.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng hẳng định trên Zing rằng việc học trực tuyến sẽ không ảnh hưởng đến kết quả đánh giá. Ông cho rằng với học sinh tiểu học, việc đánh giá thường xuyên không quá khó khăn.