Trong gia đình có nhiều anh chị em, việc các con xảy ra mâu thuẫn, cãi vã là điều không thể tránh được. Có những cuộc tranh cãi các con có thể tự xử lý, nhưng đa số đều cần người lớn khuyên răn, giảng giải. Thế nên, cách bố mẹ giải quyết bất đồng rất quan trọng, ảnh hưởng đến tính cách, tâm lý, tình cảm giữa các con với nhau. 

Mới đây, hội mẹ bỉm sữa chia sẻ đoạn clip người mẹ giải quyết mâu thuẫn giữa 2 anh em trong nhà. Cụ thể, bé gái rất hay đánh anh, dù đã bị mẹ nhắc nhiều lần. Đến lần này, người mẹ quyết định phải giải quyết và thái độ của "bình rượu mơ" khiến ai nấy đều phải phì cười. 

Sơ hở là đánh anh trai, bị mẹ xử lý thì bé gái làm thế này. Nguồn: giadinhboiboi

Khi mẹ vừa mới hỏi nguyên do tại sao đánh anh, bé gái lập tức khoanh tay, vội vàng xin lỗi: "Con xin lỗi ba mẹ, từ lần sau con không làm vậy nữa ạ, con biết là mẹ đã nói con nhiều lần, giờ con nghe ạ. Dạ con biết anh thương con lắm" khiến cả mẹ và anh đều "mềm lòng" không giận nổi. Thậm chí, người anh đang đau, bực mình vì bị em đánh nhưng vẫn chạy ra lấy giấy lau nước mắt cho em. 

Không như những em bé khác cãi lại hoặc tỏ ra thờ ơ thì cách mà bé gái xin lỗi khiến ai cũng khen nức nở. Bảo sao mà cả mẹ và anh đều không giận nổi. Bên cạnh đó, nhiều người cũng dành lời khen cho cách dạy con của bà mẹ trẻ, chắc chắn phải nghiêm khắc thì các con mới ngoan như vậy. 

Bà mẹ nói: "Con vô tình đạp vào mặt anh Rốt, nhưng con đạp như vậy thì anh rất đau và anh khóc luôn. Cho dù mình vô tình, nhưng khi đã gây ra lỗi là phải xin lỗi liền, lần sau không đánh anh nữa nghe chưa". Có là con gái cưng thì mẹ cũng giải quyết công bằng, không thiên vị, như thế anh em mới hòa thuận, yêu thương nhau. 

Nhìn đáng yêu thế này, ai mà giận cho được?

Khi các con cãi cọ, tranh chấp, có biểu hiện này ba mẹ cần xử lý ngay

Nếu trong nhà có vài đứa trẻ, việc chúng thường xuyên cãi nhau chắc hẳn không phải chuyện xa lạ. Chẳng hạn trẻ có thể vì tranh chấp một món đồ chơi mà cãi nhau gay gắt với anh chị em trong nhà. Trẻ con đôi lúc cũng cãi nhau và đôi khi bé cũng có một số hành động bạo lực như đánh nhau, đấm, đẩy, kéo tóc. Chắc chắn mẹ nào khi trông thấy điều này cũng không khỏi lo lắng và băn khoăn: "Liệu bé nào là người có lỗi trước? Tại sao bé kia lại khóc? Khi nào thì mình phải can dự và xử lý như thế nào?".

1. Có bé bị thương hoặc khả năng bị thương

Khi phát hiện trẻ cãi cọ và có nguy cơ đánh nhau, bị thương thì mẹ cần tham gia giải quyết ngay. Sự can thiệp này nhằm giữ an toàn cho các bé, và trong số đó sẽ bao gồm việc giữ cho các bé hoặc giải cứu một bé nào đó bị thương khỏi anh chị em. Một bà mẹ từng kể về trường hợp phải giải cứu cậu con nhỏ mới 3 tuổi khi anh trai của bé đang muốn lấy ngón tay của em để đập vào cửa.

2. Con có những lời lẽ không phù hợp

Đây là lúc mẹ cần can thiệp nếu thấy con phát ngôn và có những lời lẽ chưa phù hợp. Chẳng hạn như chửi thề, chửi bậy, dùng lời lẽ xúc phạm, lăng mạ các anh chị em khác. Trẻ có thể tranh luận nhưng bằng những câu nói, lời lẽ đúng đắn, còn nếu ngược lại thì mẹ cần can thiệp và điều chỉnh ngay.

3. Những lúc con đề nghị mẹ phân xử giúp

Những câu kiểu như: "Em mách mẹ nhé" thì mẹ không phải tham gia nhưng nếu bé đề nghị sự giúp đỡ của mẹ một cách lịch sự và khẩn thiết thì mẹ cần can thiệp. Một bà mẹ chia sẻ sau những lần làm "quan tòa" cho các con và cái kết là hai bên phải xin lỗi và giảng hòa với nhau, thì bọn trẻ nhà chị đã hiểu ra và thường cố gắng tự tìm cách giải quyết hơn là đi mách mẹ.

4. Nhận thấy sự bất bình đẳng

Mẹ sẽ can thiệp nếu nhận thấy có sự không công bằng trong cuộc tranh luận đó. Chẳng hạn anh trai lớn đang cố chọc ghẹo và tỏ ra ưu thế hơn với em bé mới biết đi hoặc em nhỏ. Hoặc anh chị lớn hơn đang cố đổ lỗi, cãi cọ với em nhỏ.

5. Trẻ không thể kiểm soát bản thân

Đôi khi con có bệnh về tâm thần, trí não nên ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát và giải quyết vấn đề, nhất là trong những lúc căng thẳng như vậy. Vì vậy, mẹ hãy lưu ý và nếu thấy sự việc đang vượt quá khả năng của con thì cần can thiệp tách con ra khỏi sự rắc rối, giúp con bình tĩnh trở lại.

Các con hay đánh nhau, cãi vã bố mẹ nên xử lí thế nào cho đúng mà không lo mình thiên vị? 

1. Tìm đến gốc rễ của vấn đề

Có phải một trong các con đang muốn giành được chú ý của bạn? Các bác sĩ tâm lý cho biết trẻ đều có cùng suy nghĩ, chúng muốn có được câu trả lời cho những câu hỏi căn bản như "Có ai quan tâm con đâu chứ?" hay "Con nghĩ gì hay làm gì có quan trọng không?". Bố mẹ nên cố gắng sắp xếp những "cuộc hẹn" một - một riêng với từng đứa để đảm bảo rằng con nhận được sự quan tâm và chú ý hoàn toàn của bạn.

2. Sử dụng những từ ngữ khuyến khích đoàn kết

Hãy sử dụng những từ ngữ khuyến khích đoàn kết và hợp tác khi nói chuyện với các con. Các bác sĩ tâm lý khuyên bố mẹ nên nói những điều ví dụ như "các con đều cần phải chăm sóc và trân trọng lẫn nhau". Để tránh thể hiện sự thiên vị, đừng khen một đứa hay so sánh đứa này với đứa khác. Thay vào đó, khuyến khích các con dành thời gian với nhau, cùng chia sẻ đồ dùng hoặc đơn giản nhất là luôn ở bên ủng hộ và giúp đỡ nhau.

3. Dạy trẻ cách tự giải quyết vấn đề của chúng

Đôi khi bố mẹ cũng nên tránh can thiệp vào những mâu thuẫn của các con và cho chúng cơ hội để học về các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Nếu bạn nghe tiếng trẻ cãi nhau hay đánh nhau, hãy bước đến đủ gần để chúng biết rằng bạn đang nghe nhưng chỉ nói với con rằng bạn sẽ chỉ cho chúng một vài phút nữa thôi để tự giải quyết. Bố mẹ chỉ nên can thiệp khi có vẻ như chúng không có tiến triển gì hay mâu thuẫn càng trở nên gay gắt và sắp đánh nhau.