Sở hữu kỳ nghỉ: Mua - bán bằng niềm tin, "tương lai là điều bí ẩn"
Những tưởng được sở hữu kỳ nghỉ trong mơ với những ưu đãi đặc biệt nhưng nhiều người lại đang phải nhận lại những bản hợp đồng đầy bất lợi.
Phải có tin thì mới có dùng. Trong nhiều cách để xây dựng niềm tin và tín nhiệm với khách hàng, đôi lúc một số tư vấn viên của doanh nghiệp sẵn sàng đánh đổi cả sự thật. Thậm chí, nếu khách hàng càng hoài nghi, càng nhiều thắc mắc thì phần sự thật lại càng phải ít đi.
Sở hữu kỳ nghỉ: Rủi ro từ những bản hợp đồng bí mật
Trong những buổi sự kiện tặng voucher du lịch, các doanh nghiệp đã đưa ra hàng loạt lời quảng cáo về quy mô và sự hợp tác gắn với tên tuổi của nhiều tập đoàn lớn.
Phải có sự phô trương thanh thế bởi mục đích của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ là để chào bán các gói nghỉ dưỡng dài năm. Thông thường sẽ là 10 năm, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp chào bán gói kỳ nghỉ lên tới 15, 20 năm.
Mức giá để có được dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ sẽ dao động từ 150 đến 400 triệu đồng tùy doanh nghiệp. Không có biểu giá chung nhưng họ thường có chung một cách thức mời gọi là để khách hàng cuốn vào những lời quảng cáo bùi tai dù nó không hề có thật. Các doanh nghiệp lớn đã không ít lần bị mạo danh.
Khách hàng không thể phân biệt thật giả bởi cái duy nhất mà họ nhìn được, sờ được là những bản hợp đồng. Không ai được mang thứ có thể đảm bảo quyền lợi của mình ra khỏi đây, trừ khi đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để đặt cọc.
Nhiều khiếu nại của khách hàng liên quan đến thẻ sở hữu kỳ nghỉ
Với độ dày hàng chục trang của các bản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, các chuyên gia đều đánh giá khách hàng sẽ rất khó để có thể hiểu tường tận mọi nội dung chỉ trong thời gian ngắn (chỉ tính bằng tiếng) khi có mặt tại các buổi sự kiện. Mặt khác, sở hữu kỳ nghỉ hiện là loại hợp đồng không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và có điều kiện giao dịch chung. Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này đang gặp rất nhiều khó khăn với cơ quan quản lý. Chỉ đến khi có tranh chấp hợp đồng, mang ra soi vào từng điều khoản thì mới thấy rằng nhiều hợp đồng đều chỉ ưu tiên phần có lợi cho những người bán kỳ nghỉ.
Thực tế đến nay đã có hàng trăm khách hàng ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ đang ngồi trên đống lửa khi họ phát hiện ra rằng, quyền lợi thực tế mà họ được hưởng không như những gì doanh nghiệp cam kết hay quảng cáo. Trong đó, các khiếu nại phổ biến là: hạng phòng nghỉ đặt được trên thực tế không như những gì doanh nghiệp cam kết, khu nghỉ dưỡng được chào bán dịch vụ không hoàn thành đúng tiến độ, hay các bản hợp đồng gốc bị chuyển nhượng cho công ty khác khiến khách hàng phải đóng thêm hàng loạt phụ phí khác nhau…
Sở hữu kỳ nghỉ: "Tương lai là điều bí ẩn"
Thay vì tìm cách để giải quyết hoặc hạn chế những rủi ro cho người tiêu dùng, những người bán gói kỳ nghỉ lại cho rằng khách hàng phải biết chấp nhận rủi ro. Cách họ giải tỏa lo lắng của khách hàng là mỉm cười rồi chiêm nghiệm nói rằng: "Vì tương lai… là những điều bí ẩn".
Có đến hàng chục doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ sở hữu kì nghỉ nhưng nhìn chung chỉ có hai dạng chính. Một là những đơn vị có sở hữu khu nghỉ gốc, hiểu một cách đơn giản, họ là doanh nghiệp có trong tay các bất động sản đang hoặc sắp đi vào hoạt động. Hai là các doanh nghiệp không có khu nghỉ gốc, tức là họ chỉ đang chào bán ngày nghỉ tại các khu được họ quảng cáo là có liên kết.
Khách hàng bớt đi được khoản rủi ro như không thể đặt phòng hoặc đặt phòng không như mong muốn nhưng không phải doanh nghiệp nào có khu nghỉ gốc cũng tạo được uy tín. Hàng loạt khách hàng của Công ty OH Vacation đã bỏ ra vài trăm triệu tới cả tỉ đồng mua sở hữu kỳ nghỉ ở khu vui chơi nghỉ dưỡng Cocobay được quảng cáo là khu đẳng cấp 5 sao quốc tế đã không được đảm bảo quyền lợi. Vì sau vài năm, khu nghỉ dưỡng đã hoang tàn.
Sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp có khu nghỉ gốc hay là không? Chọn ai là tùy thuộc vào mỗi người bởi mô hình nào cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng. Vậy nên, đôi khi, từ chối những món quà tặng được chiết khấu trực tiếp bằng tiền trong những buổi sự kiện chưa chắc là đã mất đi một món hời mà là thoát khỏi một mối rủi ro.
Cam kết thẻ sở hữu kỳ nghỉ: Lời nói gió bay
Khi mua thẻ sở hữu kỳ nghỉ, người tiêu dùng không chỉ là khách hàng mà còn là một nhà đầu tư. Bởi với tấm thẻ đó, họ có quyền mua đi, bán lại, chuyển nhượng hoặc cho thuê. Chưa kể nhiều doanh nghiệp còn đảm bảo tính sinh lời cho người mua đối với những tấm thẻ có giá trị sử dụng lên tới hàng chục năm. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tư vấn viên trong lĩnh vực đầu tư, tài chính phải được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. Đồng thời, các nội dung tư vấn đó phải được ghi lại bằng cả âm thanh, hình ảnh để làm căn cứ. Nhưng việc này trên thực tế đã không được thực hiện.
Sở hữu thẻ nghỉ dưỡng lên đến vài trăm triệu đồng cho kỳ hạn 25 năm. Theo giao ước, công ty bán thẻ sở hữu kỳ nghỉ sẽ có nhân viên đồng hành chăm sóc và tư vấn trong suốt thời gian đó. Một năm đầu mọi chuyện vẫn ổn thỏa, năm thứ 2 thì chuyện đã khác.
Công ty cho rằng do nhân viên nghỉ việc không báo nên doanh nghiệp không nắm được tình hình. Nhưng thực tế nhân viên đó vẫn ở đây. Câu chuyện khách hàng bị bỏ rơi sau khi ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là chuyện không hiếm.
1 năm trước, nhân viên tên Vân của công ty cam kết chắc nịch quyền lợi cho khách hàng rằng không chỉ gia đình được nghỉ dưỡng mà thẻ sở hữu kỳ nghỉ còn kinh doanh sinh lời. Nhưng lời nói nay gió đã cuốn bay bởi trong hợp đồng với khách hàng, nhiều công ty ghi rõ: "Mọi tuyên báo, thông báo, cam kết, giao dịch dưới mọi hình thức của nhân viên công ty với khách hàng đều không có giá trị pháp lý".
Lời tư vấn của nhân viên công ty với khách hàng không phải tự họ nghĩ ra, mà tất cả đều được đào tạo kỹ lưỡng, thuộc bài. Được chỉ dạy tận tình, kèm với mức thu nhập trong mơ, ngoài khoản lương cứng… còn kèm thêm 20% cho mỗi hợp đồng thành công. Sự hấp dẫn về quyền lợi đã thôi thúc những nhân viên kinh doanh thẻ sở hữu kỳ nghỉ ra sức lôi kéo và giăng bẫy con mồi.
Mua thẻ kỳ nghỉ: Những quyền lợi bị lãng quên
Sau cảnh báo của ngành công thương và du lịch, mới đây, Bộ Công an cũng đã phát đi thông tin cảnh báo về hoạt động mua bán "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" có nhiều chiêu thức để lừa đảo, trục lợi. Hợp đồng mua bán sở hữu kỳ nghỉ du lịch là hợp đồng dài hạn, khách hàng lại thường phải trả số tiền lớn ngay từ đầu khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.
Do vậy, để mô hình kinh doanh này được phát triển lành mạnh ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng: các Bộ, ngành liên quan cần sớm vào cuộc để kiểm tra, thanh tra toàn diện với các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường này. Đồng thời phải xử lý, xử phạt nghiêm nếu phát hiện sai phạm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Cọc ngay 30% vì hợp lý hợp tình. Sau chuyến trải nghiệm thực tế không như công ty quảng cáo, một khách hàng đã tìm đến nơi mình từng nghe tư vấn và đóng tiền cọc để đòi lại tiền nhưng mọi chuyện nào có dễ như lời hứa ban đầu.
Theo đường đi của "quả bóng", vị khách hàng tìm đến nơi được cho là chủ đầu tư sẽ giải quyết sự việc. Nhân viên công ty bán thẻ sở hữu kỳ nghỉ đảm bảo sẽ trả lại tiền cho khách hàng nhưng thực tế hơn 3 tháng nay vẫn không thấy tiền đâu.
Cùng cảnh ngộ, sau khi đóng hơn 60 triệu đồng tiền cọc, một nạn nhân khác phát hiện công ty có dấu hiệu lừa đảo vì thông tin cung cấp không đúng với thực tế. Nhận thấy điều bất thường, anh tức tốc gọi điện, nhắn tin, gửi thư nhưng đều vô hiệu, cuối cùng phải cất công đến tận công ty để đòi tiền. Không cam tâm, vị khách này còn soạn thảo nhiều đơn thư cùng những chứng cứ của cuộc giao dịch để đòi lại công bằng cho mình.
Gửi đơn khiếu nại lên Sở Du lịch, đơn được nhận nhưng kết quả thì đợi. Gửi đơn lên cơ quan công an, lần thứ nhất đơn không được tiếp nhận vì trường hợp không phải là duy nhất; lần thứ hai được tiếp nhận nhưng lời hứa được giải quyết vẫn còn treo lơ lửng. Quyền lợi của khách hàng bỗng đi vào ngõ cụt.
Các quy định cụ thể về loại hình hoạt động này dường như chưa có gì, các doanh nghiệp cứ mạnh ai nấy làm. Từ chuyện tưởng giản đơn hóa ra lại phức tạp, người tiêu dùng đã rơi vào bẫy giăng thì ắt khó thoát, đồng nghĩa quyền lợi sẽ khó đòi.