Ai cũng hiểu rằng cơ thể của mỗi con người không hoàn toàn giống nhau. Điều đó làm nên cá tính và nét riêng của mỗi người. Có những đặc điểm cơ thể mà chỉ một số ít người có, trong khi những người khác thì không. Dưới đây là những đặc điểm như thế, thậm chí các nghiên cứu còn chỉ ra rằng chỉ khoảng 5% dân số trên thế giới sở hữu chúng.
1. Xương cực kì đặc
Một số người có cấu tạo xương đặc hơn những người khác, đặc điểm này giúp xương của họ hầu như không thể phá vỡ và ít bị lão hóa hơn. Nghiên cứu cho thấy, đây là một loại đột biến gen LRP5, gen có ảnh hưởng đến khoáng hoá xương trong cơ thể người.
Nghe có vẻ những người sở hữu đặc điểm cơ thể này thật tuyệt vời, nhưng nó cũng có nhược điểm. Khi khớp xương bị mòn đi do tuổi tác, những người sở hữu xương quá dày sẽ khó khăn trong việc điều trị.
2. Máu "vàng"
Tất nhiên không phải máu vàng theo nghĩa đen. Máu "vàng" có một tính năng độc đáo: nó không chứa kháng nguyên (phân tử kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là sản xuất kháng thể).
Hiện tượng kỳ lạ này được phát hiện vào năm 1961, và lịch sử y học thế giới mới chỉ phát hiện khoảng 40 người có máu Rh-null.
9 trong số đó là những "người hiến tặng vô cùng quý giá" vì máu của họ phù hợp với bất kỳ người nhận nào.
3. Cơ gan bàn tay dài
Đây có thể là một trong những đặc điểm còn sót lại từ tổ tiên của loài người. Cơ này là "di sản" của tổ tiên chúng ta do họ thường phải leo lên cây.
Để kiểm tra xem bạn có sở hữu đặc điểm hiếm có này không, hãy đặt bàn tay của bạn lên trên một bề mặt phẳng và để ngón cái và ngón út chạm nhẹ vào nhau. Nếu nhìn thấy một đường trên cổ tay, bạn đang sở hữu đặc điểm mà 95% dân số còn lại không hề có. Đừng lo lắng nếu bạn không có bởi nó được coi là vô dụng trong cuộc sống hiện đại.
4. Hiện tượng Genetic chimerism
Chimera là từ có nguồn gốc từ quái vật Chimera trong thần thoại Hi Lạp. Từ này được sử dụng trong di truyền học với tên Genetic Chimerism để chỉ hiện tượng một sinh vật là tập hợp nhiều phần gene của các cá thể khác nhau.
Hiện tượng này xảy ra ở người hay động vật khi hai trứng (tế bào) được thụ thai hoặc phôi thai kết hợp cùng nhau trong thời kì đầu của thai kì. Hiểu một cách đơn giản, trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nếu người phụ nữ mang thai đôi bị sẩy thai (gọi là sẩy thai đôi) nhưng chỉ có một bào thai bị chết và một bào thai còn sống, thì lúc này bào thai còn sống sẽ "nuốt" gen của bào thai song sinh đã chết. Điều đó có nghĩa là trong cơ thể bào thai còn sống sẽ có cả gen của mình và của bào thai đã chết.
Khi đó thử nghiệm ADN sẽ cho kết quả đứa trẻ không liên quan gì đến cha mẹ của chúng bởi bộ gen khác được hình thành khi thai nghén.
Chimerism không phải là hiện tượng gây nguy hiểm, nhưng nó có thể gây ra vấn đề gia đình. Có trường hợp một bà mẹ suýt mất con vì phân tích di truyền cho thấy đứa trẻ không liên quan đến mẹ.
5. Hai hàng lông mi
Đây là một rối loạn di truyền hiếm có được gọi là "tật hai hàng lông mi". Chủ nhân nổi tiếng nhất của đôi mắt "đôi" là ngôi sao Hollywood Elizabeth Taylor.
Tật hai hàng lông mi thường không mang đến bất kỳ sự bất tiện nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hàng thứ hai của mi mắt có thể quá gần màng niêm mạc của mắt và gây kích ứng.
6. Một lỗ nhỏ gần tai
Đây là một lỗ bẩm sinh, hình thành trong quá trình phát triển của bào thai, chỉ xảy ra ở khoảng 5% dân số. Lỗ nhỏ này được di truyền và có thể hiện diện trên một hoặc cả hai tai.
Bản thân nó không nguy hiểm nhưng nếu bạn để ý đến nó thì hãy yên tâm lỗ nhỏ này có thể được loại bỏ nhờ phẫu thuật.
(Nguồn: Tổng hợp)