Nguyễn Văn Nam (19 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn điện giải, suy kiệt (chỉ nằm một chỗ không thể đi lại được). Nam không thể ăn uống được, phải nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch, ăn xông để cung cấp lại dinh dưỡng.
Cách đây hai năm khi liên tục chứng kiến người thân bị ung thư qua đời, chàng trai lo sợ một ngày nào đó mình cũng mắc bệnh.
Để giúp bản thân có sức khoẻ tốt, Nam lên mạng tìm kiếm cách phòng ung thư. Từ nội dung học theo trên mạng, Nam biết đến biến pháp ăn thực dưỡng giúp tránh bệnh ung thư, rồi tìm kiếm các hội nhóm ăn thực dưỡng, các bài đăng trong nhóm đều khuyên ăn chay là cách diệt tế bào ung thư đơn giản, hiệu quả.
Nam không ngần ngại áp dụng nó vào thực đơn của mình với niềm tin sẽ không mắc ung thư. Chế độ ăn hàng ngày của nam sinh là không chất đạm và chất béo từ động vật, chỉ ăn một bát cơm, còn lại là các loại rau quả. Đặc biệt, chàng trai không ăn quả ngọt, vì cho rằng như vậy sẽ nạp đường vào cơ thể để nuôi ung thư.
Sau hai năm thực hiện phương pháp ăn thực dưỡng, cơ thể Nam ngày càng suy kiệt, đang độ tuổi đến trường nhưng sức khoẻ yếu khiến cậu không thể học đại học.
“Quá lo sợ bị bệnh, đầu óc Nam suốt ngày chỉ quanh quẩn nghĩ về việc ăn chay thực dưỡng. Nam bị lôi kéo vào các hội nhóm dần mất đi tư duy phản biện, cuối cùng dẫn tới rối loạn tâm thần liên quan tới ăn uống ”, ThS.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng Khoa sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, người trực tiếp thăm khám cho nam sinh, thông tin.
Ăn chay thực dưỡng không phải là chuyện xấu, nhưng cần có kiến thức và được tư vấn dinh dưỡng đầy đủ. Với trường hợp của nam sinh trên, do đang ở trong độ tuổi phát triển mạnh mẽ về tư duy, thể chất nên việc ăn chay cực đoan sẽ ảnh hưởng lớn sức khỏe.
Về tâm lý sợ bệnh tật, nhất là ung thư, bác sĩ Chung cho rằng, đây là tâm lý chung của nhiều người, nhưng việc phòng bệnh cũng cần dựa trên bằng chứng khoa học, tuyệt đối không nghe tin đồn, hay bị lôi kéo của các hội nhóm để rồi rơi vào tâm lý đám đông.
Khi bị lôi kéo vào các hội nhóm không chính thống, nếu không phát hiện và định hướng kịp thời, người bệnh rất dễ bị dẫn dắt vào các trào lưu, mất khả năng phản biện và lâu dần sẽ rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần.
ThS.BS Nguyễn Viết Chung cho biết, các bạn trẻ hiện nay rất thông minh, biết cách tiếp cận với nhiều luồng thông tin, song cũng vì có quá nhiều thông tin khiến người trẻ có thể dễ bị lôi vào các trào lưu, xu hướng trên mạng xã hội hay tâm lý đám đông.
Trong cuộc sống hiện đại, con người sống ít cởi mở với nhau hơn, ngay cả các thành viên trong gia đình. Với người trẻ ở tuổi vị thành niên, dù các con sống cùng gia đình nhưng thực tế nhiều bố mẹ không hiểu được tới cảm xúc, cảm nghĩ của con.
Nhiều bậc phụ huynh chỉ lo đi làm, lo cho con được sống trong điều kiện tốt hơn, thỉnh thoảng mới cho con ra ngoài chơi. Họ nghĩ như vậy là tốt, mà không hiểu rằng trẻ cần có người bên cạnh để giải thích, định hướng những điều đúng và sai. Bỏ qua vấn đề này khiến cho trẻ dễ bị dẫn dắt vào các trào lưu và đi theo tâm lý đám đông.
Vị chuyên gia chia sẻ, khi điều trị cho các bạn trẻ có vấn đề rối loạn tâm thần, bác sĩ thường nâng cao tư duy phản biện. Ở giai đoạn điều trị tấn công, bác sĩ sẽ đồng hành cùng bệnh nhân. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn duy trì, bệnh nhân cần có người thân (bố, mẹ, anh, chị, em) đồng hành để giúp cho các bạn trẻ thoát ra khỏi những rắc rối của bản thân.
*Tên nhân vật đã được thay đổi