Số mắc và tử vong do COVID-19 giảm sâu: Coi COVID-19 như bệnh lưu hành?
Số ca mắc COVID-19 và tử vong tại Việt Nam liên tục giảm trong những ngày gần đây, Bộ Y tế nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Với những số liệu và thông tin khả quan như vậy nhiều người đặt câu hỏi liệu đã đến lúc xem COVID-19 như một bệnh lưu hành.
Trả lời Tiền Phong, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, hiện nay Tổ chức y tế Thế giới (WHO) đang tiếp tục cảnh báo những biến chủng mới của SARS-CoV-2 và khuyến nghị các nước cần thận trọng trong đáp ứng với COVID-19. Cùng với đó một bệnh được coi là bình thường mới thì số mắc phải ổn định, phải dự báo được. Nhưng hiện nay bệnh dịch trên toàn thế giới chưa ổn định, nhất là trong bối cảnh WHO đang cẩn trọng khi đánh giá tình hình dịch tại nhiều quốc gia.
“Trên thực tế, hiện có 1 số nước coi đây là bệnh đặc hữu, tuy nhiên phải nhìn nhận là khái niệm bệnh đặc hữu của họ không giống bệnh nhóm B (bệnh thông thường) của Việt Nam. Những nước này vẫn yêu cầu người dân đeo khẩu trang, cấm tụ tập đông người. Nếu là bệnh nhóm B như nước ta thì không cần những yêu cầu nghiêm ngặt đó nữa. Theo tôi, thời điểm này chưa nên coi COVID-19 là bệnh thông thường”, TS Phu nói.
Ông đồng thời cho biết, hiện nay Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch như cho bán hàng quán, trẻ con đi học lại, không còn cách li F1…, tuy nhiên vẫn áp dụng các biện pháp phòng bệnh cá nhân (thực hiện 5 K, cách li F0…). Đó chính là chiến lược an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả chứ không cấm đoán như bệnh thuộc nhóm A.
Theo ông Phu, hiện nay biện pháp phòng dịch không còn là kiểm soát cứng nhắc mà vừa đánh giá nguy cơ vừa linh hoạt các biện pháp phòng dịch đan xen giữa nhóm A và B nhưng vẫn đảm bảo và đáp ứng được phòng bệnh.
“Đặc biệt, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phải quan tâm đến những người dễ tổn thương như người nghèo vì nếu chuyển COVID-19 sang nhóm B thì người dân phải trả tiền điều trị. Cùng với đó nguy cơ bỏ lỏng đầu tư phòng dịch, nếu không may virus biến chủng thì không có 4 tại chỗ để ứng phó kịp thời sẽ rất nguy hiểm”, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích.
Phù hợp về mặt khoa học
Về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết về mặt khoa học, Việt Nam đã hoàn toàn có thể xem COVID-19 như một bệnh lưu hành. “Theo thống kê, tỉ lệ tử vong của Việt Nam đang chiếm 0,4% nhưng đó là cộng dồn số ca tử vong tính từ đầu mùa dịch. Nếu tính ở thời điểm hiện tại, con số này còn rất thấp. Bên cạnh tỉ lệ tử vong, tỉ lệ tiêm chủng, nhập viện… của COVID-19 cũng ngang với các bệnh đang lưu hành khác”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga phân tích.
Tuy nhiên chuyên gia này cũng lưu ý, còn có nhiều yếu tố về mặt hành chính cũng như tâm lí xã hội để quyết định có thể xem COVID-19 là bệnh lưu hành hay chưa. Chung quan điểm với PGS.TS Trần Đắc Phu, ông cho rằng hiện, WHO vẫn cảnh báo về tình hình COVID-19, một số nơi đang có số ca mắc cao như Hồng Kông, Trung Quốc… Do đó, COVID-19 chưa thể được xem là bệnh dịch lưu hành trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga đặt câu hỏi “nếu chuyển sang bệnh thông thường, tức nhóm B liệu ngành y tế đã chuẩn bị đủ điều kiện để đáp ứng chưa, các bệnh viện có sẵn sàng nhận bệnh nhân không và Quỹ Bảo hiểm Y tế có đồng ý chi trả cho bệnh nhân COVID-19 không”. Theo ông với chính sách hiện nay, người dân đang được hỗ trợ khi mắc COVID-19 nên khi thay đổi cách ứng phó, cũng cần phải tính tới cả yếu tố về mặt tâm lí xã hội.
Cẩn trọng và cần thêm thời gian
Trao đổi về vấn đề này PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y Dược TPHCM) đánh giá cao hiệu quả chống dịch COVID-19 tại Việt Nam nhưng cho rằng ở thời điểm hiện tại vẫn cần thận trọng khi xem xét COVID-19 là bệnh lưu hành.
“Về nguyên tắc, COVID-19 có đỉnh dịch nhưng có thể đỉnh dịch đó không bền vững, khi đỉnh dịch không bền vững có thể quay trở lại. Chúng ta vẫn có thể xem là bệnh thông thường nếu tỉ lệ tử vong không cao. Tuy nhiên, chưa thể tự tin 100% về vấn đề này. Theo tôi, nên đợi khoảng 4 - 5 tháng tới, chắc chắn khi có đợt dịch tiếp theo, chúng ta sẽ đánh giá lại xem tỉ lệ tử vong có thực sự giảm không. Bên cạnh đó, ngoài tiêm phủ vắc xin cho các lứa tuổi, tỉ lệ mắc cao sẽ sinh ra miễn dịch tự nhiên, thì có thể coi đây là dịch bệnh bình thường”, T.S Dũng nói.