Đây là thông tin do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hôm 27/10.

Những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết các căn bệnh chết người như AIDS, lao và sốt rét đã bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19. Cuộc khủng hoảng y tế đặc biệt ảnh hưởng đến việc ứng phó với bệnh lao và khiến các quốc gia bị tụt hậu trong việc đạt được các mục tiêu để kiềm chế căn bệnh truyền nhiễm này.

WHO kêu gọi thế giới áp dụng các bài học kinh nghiệm từ đại dịch lao, vốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Pakistan.

Báo cáo lao hàng năm của WHO ước tính rằng bệnh lao đã khiến 1,6 triệu người tử vong vào năm 2021, cao hơn con số ước tính 1,5 triệu ca vào năm 2020 và 1,4 triệu trường hợp thiệt mạng vào năm 2019. Các bệnh nhân tử vong liên quan đến bệnh lao đã giảm từ năm 2005 đến năm 2019.

Số người tử vong do bệnh lao tăng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Báo cáo cũng cảnh báo rằng trong tương lai gần, bệnh lao có thể thay thế COVID-19 để trở thành căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới chỉ từ một tác nhân lây nhiễm duy nhất.

Một báo cáo gần đây của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét cho thấy, trong khi số người tiếp cận với các nỗ lực điều trị và phòng ngừa đã tăng trở lại vào năm 2021, thế giới vẫn chưa thể đánh bại những căn bệnh giết người này.

Khoảng 10,6 triệu người bị nhiễm bệnh lao vào năm 2021, tăng 4,5% so với năm 2020, theo báo cáo của WHO.

Theo "Chiến lược chấm dứt bệnh lao", WHO đặt mục tiêu giảm 35% số ca tử vong do bệnh lao từ năm 2015 đến năm 2020, nhưng mức giảm thực chỉ đạt 5,9% từ năm 2015 đến năm 2021.