Quá khứ đầy rẫy nỗi đau và mặc cảm về khiếm khuyết cơ thể

Frida Kahlo sinh ngày 6/7/1907 tại thị trấn nhỏ Coyoacan, Mexico City. Ngay từ năm lên 6, bà mắc chứng bại liệt khiến chân phải teo lại và nhỏ hơn chân trái. Khiếm khuyết này cản trở cuộc sống sinh hoạt của Frida Kahlo không ít và lúc nào cũng phải diện trang phục kín đáo để che đi mặc cảm về đôi chân không đồng đều.

Số phận bi kịch của nữ danh họa tài hoa đến cuối đời vẫn khao khát được yêu cùng nỗi khắc khoải về một tiếng kêu “mẹ ơi” - Ảnh 1.

Nhưng đó chưa phải là bi kịch nhất đời Frida Kahlo. Vào một ngày đẹp trời năm 1925, Frida Kahlo khi ấy mới chỉ là thiếu nữ 18 tuổi đang trên chuyến xe buýt về nhà thì bất ngờ gặp phải tai nạn kinh hoàng. Chiếc xe buýt va chạm với xe đẩy hàng trước khi mất lái và đâm ra đường tàu. Vụ tai nạn khủng khiếp đã khiến Frida Kahlo bị tổn thương cột sống, xương đòn, xương sườn đều không còn lành lặn, vai trái rời khớp, xương chậu không còn ra hình dạng nào. Bằng một phép màu nào đó, vị họa sĩ tương lai đã sống sót qua thảm kịch dù gánh chịu di chứng trong suốt cuộc đời sau khi trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật khác nhau, chủ yếu là mổ cột sống và chân.

2 năm nằm liệt trên giường chính là nỗi ác mộng đối với một cô gái hiếu động như Frida Kahlo. Nhưng đó cũng được xem là khoảng lặng cần thiết giúp nữ danh họa phát hiện được đam mê nghệ thuật và theo đuổi nó. Bà tỏ ra húng thú với việc ngắm mình trong gương, nghiên cứu hội họa và bắt đầu những nét vẽ đầu tiên của cuộc đời. Nói về việc tự họa chính mình, Frida Kahlo chia sẻ: “Bởi vì tôi cô đơn và tôi là người thấu hiểu bản thân mình nhất”.

Số phận bi kịch của nữ danh họa tài hoa đến cuối đời vẫn khao khát được yêu cùng nỗi khắc khoải về một tiếng kêu “mẹ ơi” - Ảnh 2.

Quá khứ đau đớn về thể xác hiện lên một cách sinh động và đầy chiều sâu trong các tác phẩm của Frida Kahlo. Bằng chính trải nghiệm của bản thân, nữ họa sĩ đã thổi hồn vào các tác phẩm giúp chúng trở nên sống động và thực tế hơn. Những tác phẩm như “Xe buýt", “Vụ tai nạn"... đều thành công mang đến cho người xem cảm xúc khó tả, như thể những sự kiện lớn làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Frida Kahlo đang diễn ra trước mắt, có một chút run sợ, một chút xót xa cho số phận nghiệt ngã của nữ danh họa.

Số phận bi kịch của nữ danh họa tài hoa đến cuối đời vẫn khao khát được yêu cùng nỗi khắc khoải về một tiếng kêu “mẹ ơi” - Ảnh 3.
Số phận bi kịch của nữ danh họa tài hoa đến cuối đời vẫn khao khát được yêu cùng nỗi khắc khoải về một tiếng kêu “mẹ ơi” - Ảnh 4.

Cuộc hôn nhân kỳ lạ với nhiều nỗi bi đát

2 năm sau tai nạn, Frida Kahlo gặp được họa sĩ vẽ tranh tường Diego Rivera. Ông chính là người thầy đã dìu dắt, giúp đỡ bà rất nhiều trên con đường nghệ thuật. Năm 1929, cả hai kết hôn mặc cho mẹ Frida Kahlo phản đối dữ dội vì Diego Rivera đã trải qua 2 đời vợ và có con riêng. Do không được gia đình ủng hộ, đám cưới của Frida Kahlo và Diego Rivera chỉ có vỏn vẹn vài vị khách mời tham dự, trong đó có cha bà và vị nhiếp ảnh gia thân thiết.

Số phận bi kịch của nữ danh họa tài hoa đến cuối đời vẫn khao khát được yêu cùng nỗi khắc khoải về một tiếng kêu “mẹ ơi” - Ảnh 5.

Đây được xem là một trong những cuộc hôn nhân tai tiếng và lạ kỳ nhất trong giới hội họa. Dù cưới nhau về nhưng Frida Kahlo và Diego Rivera vẫn sống ở nhà riêng và tự đắm chìm vào niềm đam mê hội họa trong phòng tranh của mỗi người.

Đến với Diego Rivera, Frida Kahlo từ đầu đã xác định đây là người chồng đào hoa, thường xuyên được phụ nữ đẹp vây quanh. Nhưng có lẽ chính bà cũng không thể ngờ rằng cuộc hôn nhân này lại mang đến cho mình nhiều nỗi bi đát đến vậy.

Một trong những cuộc tình ngoại hôn nổi tiếng nhất của Diego Rivera là Cristina, em gái của Frida Kahlo. Sau khi phát hiện mối tình vụng trộm này, bà vô cùng đau khổ, thậm chí còn quyết cắt phăng mái tóc dài để thể hiện nỗi đau bị phản bội. Khi đó, Frida Kahlo muốn có cho mình một đứa con nhưng tai nạn xe buýt năm xưa cộng với sự cố sẩy thai hồi năm 1932 đã mãi mãi cướp đi thiên chức làm mẹ của bà. Năm 1939, Frida Kahlo và Diego Rivera ly hôn. Nữ danh họa cho ra đời tác phẩm “The Two Fridas” nổi tiếng, thể hiện nỗi tuyệt vọng và cô đơn sau khi chia tay chồng cũ.

Số phận bi kịch của nữ danh họa tài hoa đến cuối đời vẫn khao khát được yêu cùng nỗi khắc khoải về một tiếng kêu “mẹ ơi” - Ảnh 6.

Cũng từ dạo đó, Frida Kahlo liên tục vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật mang tính siêu thực hơn và chủ thể vẫn là cuộc đời bà. “Đối tượng trong tranh chính là cảm giác, trạng thái tâm lý và những cảm nhận sâu sắc của tôi về cuộc sống. Đó cũng là những điều chân thật và chân thành nhất mà tôi có thể vẽ nên để thể hiện cuộc đời mình một cách trọn vẹn” - nữ họa sĩ bộc bạch.

Năm 1940, Frida Kahlo tái hợp với chồng cũ nhưng cuộc hôn nhân thứ 2 của cặp đôi vẫn không khác gì lần đầu. Họ không động tới cuộc đời của nhau và mỗi người vẫn tận hưởng những mối quan hệ ngoài luồng.

Mối tình vụng trộm khắc cốt ghi tâm

Về phía Frida Kahlo, bà là người lưỡng tính, từng qua lại với nhiều người, trong đó có nữ diễn viên, ca sĩ kiêm vũ công Pháp Josephine Baker và nhà lý luận Leon Trotsky người Nga. Thế nhưng, người tình nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất của Frida Kahlo là Jose Bartoli, nghệ sĩ Tây Ban Nha mà bà gặp gỡ sau khi trải qua cuộc phẫu thuật ở New York. Cặp đôi vẫn duy trì mối tình vụng trộm qua thư từ sau khi Frida Kahlo trở về Mexico.

Số phận bi kịch của nữ danh họa tài hoa đến cuối đời vẫn khao khát được yêu cùng nỗi khắc khoải về một tiếng kêu “mẹ ơi” - Ảnh 7.

Những bức thư tình của Frida Kahlo và Jose Bartoli

Em không biết viết thư tình như thế nào. Em chỉ muốn nói rằng em luôn mở lòng với anh. Kể từ khi yêu anh, mọi thứ đã thay đổi, nhiều thứ trở nên thật đẹp đẽ… Tình yêu giống như hương thơm, như luồng gió mát, như cơn mưa lành” - Frida Kahlo viết trong thư gửi người tình năm 1946.

“Em sẽ là mái ấm của anh, mẹ của anh, tình yêu của anh, là đế lót nằm trong chiếc giày anh mang chu du khắp thế giới. Em sẽ là niềm an ủi mỗi khi anh sợ hãi, xoa dịu tổn thương trong tâm hồn anh. Em sẽ là mẹ của những đứa trẻ của anh dù chúng có được sinh ra hay không” - suốt đời người phụ nữ tài hoa này, đáng tiếc nhất có lẽ là việc bà không được làm mẹ.

Số phận bi kịch của nữ danh họa tài hoa đến cuối đời vẫn khao khát được yêu cùng nỗi khắc khoải về một tiếng kêu “mẹ ơi” - Ảnh 8.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người phụ nữ này cũng không gục ngã.

Bên cạnh những bức thư tình, Frida Kahlo còn không ngần ngại thể hiện tình yêu của mình trên tranh dù bác sĩ khuyến cáo cô chỉ được ngồi vẽ mỗi ngày 1 giờ để đảm bảo sức khỏe. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Frida Kahlo giai đoạn này là “Tree of Hope” (tạm dịch: Cây hy vọng). Bức tranh vẽ bà nằm trên giường sau khi trải qua cuộc phẫu thuật đau đớn trái ngược với hình ảnh bà cầm lá cờ kiêu hãnh ngồi bên cạnh, thể hiện sự đối lập giữa ngày và đêm, giữa hiện thực và mơ ước. Trong những bức thư tình, Frida Kahlo cũng thường nhắc đến Jose Bartoli như cái cây gửi gắm những hy vọng của mình.

Số phận bi kịch của nữ danh họa tài hoa đến cuối đời vẫn khao khát được yêu cùng nỗi khắc khoải về một tiếng kêu “mẹ ơi” - Ảnh 9.

Suốt nhiều năm yêu nhau trong bóng tối, Frida Kahlo và Jose Bartoli đã gửi cho nhau tổng cộng 25 bức thư với hơn 100 trang giấy và sau này được bán đấu giá gây quỹ với số tiền 120.000 USD (gần 2,8 tỷ đồng). Những bức thư gửi cho Frida Kahlo, Jose Bartoli ký tên là Sonja để tránh sự nghi ngờ của chồng bà. Diego Rivera thà chấp nhận vợ mình qua lại với phụ nữ chứ không để bà ngã vào lòng người đàn ông khác ngoài mình.

Năm 1950, tình hình sức khỏe của Frida Kahlo dần chuyển biến xấu khi bà bị chẩn đoán bị hoại tử chân phải. Bà nằm liệt giường trong suốt 9 tháng và tiếp tục trải qua nhiều ca phẫu thuật, cuối cùng phải cắt bỏ phần chân bị hư. Tình trạng thể chất yếu kém khiến Frida Kahlo nản chí và nhiều lần muốn tìm đến cái chết. Chính niềm đam mê nghệ thuật đã giúp bà vượt qua những ngày tháng đau đớn và quẩn trí. Khoảng 1 tuần sau sinh nhật lần thứ 47, Frida Kahlo qua đời tại nhà riêng. Sau khi điều tra, cơ quan chức năng tuyên bố nguyên nhân cái chết là do bị tắc phổi nhưng vẫn có không ít lời đồn đoán cho rằng bà tự tử.

Số phận bi kịch của nữ danh họa tài hoa đến cuối đời vẫn khao khát được yêu cùng nỗi khắc khoải về một tiếng kêu “mẹ ơi” - Ảnh 10.

Frida Kahlo để lại cho đời hơn 200 tác phẩm nghệ thuật, đây được xem là một cuốn nhật ký đầy sắc màu về cuộc đời đau khổ của nữ họa sĩ tài hoa nhưng số phận nghiệt ngã. Sau khi qua đời, tên tuổi của Frida Kahlo càng trở nên nổi tiếng hơn trong giới hội họa khi năm 1970, chủ nghĩa nữ quyền lên ngôi. Bà được xem là một trong những biểu tượng tiên phong, không ngừng chiến đấu cho nữ quyền bằng một phong cách rất riêng và không đi theo bất kỳ quy chuẩn nào. Sau đó, Frida Kahlo chính thức được công nhận là một trong những họa sĩ xuất chúng nhất của thế kỷ 20. Thế hệ sau tôn bà làm “thánh nữ”, một tượng đài đáng ngưỡng mộ và noi theo của giới hội họa.

Năm 2002, phim điện ảnh Frida ra đời dựa trên cuộc đời của nữ danh họa Frida Kahlo. Bộ phim này đã được đề cử 6 giải Oscar và giành giải Hóa trang xuất sắc nhất và Nhạc phim hay nhất.

Số phận bi kịch của nữ danh họa tài hoa đến cuối đời vẫn khao khát được yêu cùng nỗi khắc khoải về một tiếng kêu “mẹ ơi” - Ảnh 11.

(Nguồn: Tổng hợp)