7 năm trước khi chiếc Airbus A380 đầu tiên cất cánh, ước mơ về một mẫu máy bay cực lớn có thể chở thật nhiều khách đã xuất hiện tại Nga. Họ đã bày ra kế hoạch cho một mẫu máy bay thương mại đủ ghế cho cả 1.000 hành khách, đó chính là Sukhoi KR-860. 

Mẫu máy bay thương mại lớn nhất thế giới này đã tới rất gần hiện thực khi một mẫu mô hình tỷ lệ 1/24 đã từng xuất hiện tại Paris Air Show năm 1999, nhưng lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng công chúng được chiêm ngưỡng ý tưởng của mẫu máy bay thương mại khổng lồ Sukhoi KR-860.

Số phận buồn của mẫu máy bay chở khách Nga khủng hơn cả Boeing 747 và Airbus A380 - Ảnh 1.

"ĐÔI CÁNH CỦA NGA"

Thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, các chuyên gia của Airbus nhận định rằng tương lai của hàng không là hub-to-hub (tức là kết nối các sân bay lớn thay vì tới các sân bay nhỏ). Họ thấy rằng một mẫu máy bay cỡ lớn, đủ không gian cho cả trăm hành khách sẽ là một điều hợp lý, và mẫu máy bay hai tầng Airbus A380 chính là kết quả. 

Tại Nga, các chuyên gia tại Phòng Thiết kế Sukhoi cho rằng khi bước vào thế kỷ 21, lượng hành khách hàng không sẽ tăng từ 9% đến 12%; do đó, một mẫu máy bay hai tầng cỡ lớn có thể phục vụ nhiều khách hàng một lúc là một ý tưởng tuyệt vời. 

Chuyên gia hàng không Nga, ông Alexei Vlasov, nhận định về bối cảnh thời đó: "Các công ty hàng không trên khắp thế giới đều đang nghiên cứu cho ra máy bay hai tầng. Mỹ đã làm Boeing 747, châu Âu cũng đã làm mẫu máy bay khổng lồ Airbus A380. Sukhoi [của Nga] cũng nắm bắt và không muốn bỏ lỡ xu hướng làm máy bay thương mại hai tầng".

Vị chuyên gia này tiếp tục: "Vào những năm 90, ngành hàng không của chúng ta [Nga] đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, và các công ty cần một dự án thành công để có thể nâng tầm cả ngành lên. Máy bay hai tầng là xu hướng toàn cầu thời đó. Chúng ta quyết định sẽ làm theo".

Số phận buồn của mẫu máy bay chở khách Nga khủng hơn cả Boeing 747 và Airbus A380 - Ảnh 2.

Ảnh đồ họa: Stanavov

Quyết định này đã trực tiếp sinh ra ý tưởng Sukhoi KR-860, một mẫu máy bay thân rộng hai tầng với 4 động cơ phản lực. Ở tầng 1 của Sukhoi KR-860, các nhà thiết kế đã có thể bố trí được tới 12 ghế ở mỗi hàng, ở tầng 2 thì có 9 ghế mỗi hàng. Một chiếc Sukhoi KR-860 có thể chở được 860 người hoặc 650 tấn hàng. 

Với sải cánh lên tới 88 mét, Sukhoi KR-860 có kích thước vượt quá tiêu chuẩn của các sân bay, dẫn đến việc các kỹ sư phải thiết kế phần cánh có thể gập, rút kích thước xuống 64 mét. Mẫu máy bay dài 80 mét này còn có thể bay ở vận tốc khoảng 1.000km/h, tầm bay tới 15.000 kilomet. 

Các nhà thiết kế đưa ra 3 phiên bản cho Sukhoi KR-860:

1. Phiên bản chở khách;

2. Phiên bản chở hàng, đủ sức chứa cả container mà không cần dỡ hàng;

3. Phiên bản chạy bằng khí hóa lỏng.

Thông số kỹ thuật Sukhoi KR-860

• Sức chứa: 860 đến 1000 hành khách

• Chiều dài: 80 mét

• Sải cánh: 88 mét, có thể gập còn 64 mét

• Diện tích cánh: 700m2

• Tải trọng cất cánh tối đa: 650 tấn

• Động cơ: 4 động cơ phản lực cánh quạt General Electric CF6-80E1A4B, lực đẩy mỗi chiếc là 320kN; hoặc 4 động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whitney PW4168A, lực đẩy mỗi chiếc 305kN; hoặc 8 động cơ propfan Kuznetsov NK-93

• Tốc độ bay: 1.000 km/h

• Tầm bay: 15.000 kilomet

Ảnh đồ họa: Andrei Stanavov / ArtStation

Sukhoi KR-860 mang rất nhiều điểm nổi bật, và thậm chí còn mang cả tham vọng trở thành cái tên nổi bật trên thị trường hàng không, khi chính cái tên KR, viết tắt của "Kryl'ya Rossii", có nghĩa là "Đôi cánh của Nga". Tuy nhiên, Sukhoi KR-860 vẫn luôn là một mẫu máy bay trên giấy và chưa từng được cất cánh bay lên trời cao.

CÁI KẾT BUỒN

Số phận buồn của mẫu máy bay chở khách Nga khủng hơn cả Boeing 747 và Airbus A380 - Ảnh 5.

Mô hình Sukhoi KR-860.

Ngay từ đầu, Sukhoi KR-860 được dự đoán có thể bán được 300 chiếc; nhưng trên thực tế, mẫu máy bay đối thủ Airbus A380 trong suốt vòng đời của mình chỉ bán được 290 chiếc, nên có thể thấy rằng con số trên của Sukhoi KR-860 không sát với thực tiễn.

Số phận buồn của mẫu máy bay chở khách Nga khủng hơn cả Boeing 747 và Airbus A380 - Ảnh 6.

Sukhoi KR-860 có 3 thang máy và nhiều cửa bên để giúp hành khách lên, xuống máy bay dễ dàng hơn.

Chuyên gia hàng không Alexei Vlasov nhận định: "Để làm ra cỗ máy bay như vậy, nhà sản xuất phải thành lập một chuỗi sản xuất khổng lồ: Bạn sẽ cần sản xuất riêng động cơ, khung, cần các khu sản xuất riêng biệt và các thiết bị chuyên dụng - thứ mà Nga lúc đó không có. Những dự án khổng lồ như vậy cần tới cả tỷ đô la, mà Sukhoi thì không đủ khả năng cho việc đó".

Chi phí cho dự án sản xuất Sukhoi KR-860 ước tính tốn khoảng 10 tỷ đô la của năm 2000, tương đương khoảng 15 tỷ đô la ngày nay. Sukhoi đã từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc và Ấn Độ, có thể tạo lập liên doanh. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng Chính phủ Nga lại không nhìn thấy nhiều tiềm năng trong đó nên không ủng hộ, chuyển ngân sách cho các dự án khác.

Ông Alexei Vlasov cũng cho rằng dự án này ngay từ đầu cũng không được chính phủ hỗ trợ để đi vào sản xuất thực tế, do vậy thì cái kết của Sukhoi KR-860 là quá rõ.