Chết đuối trên hồ nước trong khi người hầu đứng vây quanh mà không ai dám cứu đã khiến Hoàng hậu Sunandha Kumariratana và Công chúa bị người đời sau cười cợt, xếp họ vào danh sách những cái chết vô lý, lãng xẹt nhất lịch sử. Nhưng ít ai biết rằng vụ tai nạn thương tâm đó đã khiến Hoàng đế của Thái Lan phải thay đổi các quy định vô lý đã tồn tại hàng trăm năm trong hoàng tộc và góp phần tạo nên một Thái Lan phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Số phận đoản mệnh của Hoàng hậu Thái Lan: Vẫy vùng trong nước đến chết đuối chỉ vì thân thể cao quý không ai được chạm vào - Ảnh 1.

Ảnh chụp Hoàng hậu Sunandha Kumariratana và Công chúa Kannabhorn Bejaratana. (Ảnh: Internet)

Ở phía Bắc thủ đô Bangkok, Thái Lan có một địa danh du lịch cực kỳ nổi tiếng là Bang Pa-In Royal Palace, hay còn được người ta gọi bằng cái tên dân dã hơn là Cung điện mùa hè. Nơi đây là nơi nghỉ dưỡng ưa thích của Hoàng đế Thái Lan cùng với Hoàng hậu, Phi tần và con cái của ngài. Nhưng ít ai biết được nơi nghỉ dưỡng được ví với thiên đường này lại từng xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khiến Hoàng hậu và Công chúa qua đời trong sự bất lực của rất nhiều người hầu đang đứng vây quanh.

Khi nói đến Hoàng gia Thái Lan, ngoài việc nhắc đến những cung điện lộng lẫy nguy nga được sơn son thếp vàng, người ta còn hay kể về những quy định hà khắc đến khó hiểu của xứ này để ngăn cách người trong hoàng tộc với dân thường. Trong đó có quy định bất cứ ai chạm vào thân thể của người trong hoàng gia sẽ bị xử phạt đến chết. Có lẽ người đặt ra quy định này không ngờ được mình đã gián tiếp hại chết 2 nhân vật cao quý trong hoàng tộc là Hoàng hậu Sunandha Kumariratana và Công chúa Kannabhorn Bejaratana.

Số phận đoản mệnh của Hoàng hậu Thái Lan: Vẫy vùng trong nước đến chết đuối chỉ vì thân thể cao quý không ai được chạm vào - Ảnh 2.

Chân dung Hoàng hậu Sunandha Kumariratana khi còn nhỏ. (Ảnh: Internet)

Hoàng hậu Sunandha Kumariratana chào đời vào năm 1860. Bà là con gái của vua Mongkut (Rama IV) và Công chúa Piyamavadi. Thuở ấy Thái Lan vẫn còn được người ta gọi bằng cái tên Xiêm La, và người trong hoàng tộc đều kết hôn cận huyết để giữ gìn dòng máu hoàng gia của mình. Bởi vậy mà sau khi trưởng thành, Sunandha Kumariratana được gả cho anh trai cùng cha khác mẹ của mình là vua Chulalongkorn (Rama V).

Chồng bà, Vua Chulalongkorn là con trai trưởng của Vua Mongkut (Rama IV) với Vương hậu Debsirinda. Ông là một trong những ông vua kiệt xuất nhất của Thái Lan và được thần dân kính trọng gọi là Đức vua vĩ đại kính yêu. Đức vua Chulalongkorn cũng được coi là người đã đặt nền móng cho Thái Lan hiện đại giàu có sau này và là người ban hành rất nhiều quy định tiến bộ như ân xá cho tất cả tù nhân chính trị hay xóa bỏ chế độ nô lệ đã tồn tại ở Xiêm La suốt hàng trăm năm qua.

Số phận đoản mệnh của Hoàng hậu Thái Lan: Vẫy vùng trong nước đến chết đuối chỉ vì thân thể cao quý không ai được chạm vào - Ảnh 3.

Chân dung vua Chulalongkorn (Ảnh: Internet)

Một ngày đẹp trời, Hoàng hậu Sunandha Kumariratana quyết định đưa công chúa Kannabhorn Bejaratana đến cung điện mùa hè để nghỉ ngơi, tránh cái nóng oi bức của mùa hè. Trong cung điện có hồ nước rất rộng và nổi tiếng vì cảnh đẹp lãng mạn nên thơ. Vì vậy Hoàng hậu Sunandha Kumariratana rất thích đưa con gái đến đây để chơi đùa và hóng gió. Cảm thấy chỉ ở trên bờ vẫn không thoải mái, Hoàng hậu ra lệnh cho người hầu chuẩn bị thuyền cho riêng bà và Công chúa. Không ai ngờ được chiếc thuyền vốn rất vững chắc ấy vừa mới ra giữa hồ chưa bao lâu đã chao đảo rồi lật úp khiến cả hai cùng té xuống nước. Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến người hầu có mặt ở đó cực kỳ hoảng loạn. Còn Hoàng hậu Sunandha Kumariratana thì liên tục vùng vẫy kêu cứu vì họ vốn không hề biết bơi còn Công chúa Kannabhorn Bejaratana khi ấy chỉ mới 2 tuổi.

Những người hầu được giao nhiệm vụ bảo vệ và hầu hạ cho Hoàng hậu Sunandha lẫn Công chúa Kannabhorn khi ấy chỉ biết la hét rồi hoảng loạn chạy khắp nơi để tìm người giúp đỡ, nhưng không ai trong số họ nghĩ đến việc nhảy xuống hồ để cứu chủ nhân của mình. Vì từ khi còn nhỏ những người hầu này đã được dạy rằng, trong bất cứ trường hợp nào cũng không được chạm vào thân thể của người trong hoàng tộc. Chỉ cần bất cẩn hay vô ý, điều duy nhất mà họ nhận được là sự trừng phạt và hành hạ của hoàng gia, cho đến khi chết mới thôi. Chính vì vậy những người hầu này đã lựa chọn bảo vệ bản thân mình thay vì cứu Hoàng hậu Sunandha Kumariratana và Công chúa.

Số phận đoản mệnh của Hoàng hậu Thái Lan: Vẫy vùng trong nước đến chết đuối chỉ vì thân thể cao quý không ai được chạm vào - Ảnh 4.

Đền thờ hoàng hậu và 2 người con trong khu vườn thuộc cung điện mùa hè Bang Pa-In. (Ảnh: Internet)

Kết quả là cả Hoàng hậu Sunandha Kumariratana lẫn Công chúa Kannabhorn Bejaratana dần dần chìm xuống đáy hồ trong sự chứng kiến và bất lực của hàng chục người hầu đang đứng vây quanh hồ. Khi ấy Hoàng hậu Sunandha Kumariratana chỉ mới 20 tuổi và đang mang thai. Điều trùng hợp là chính cha của Hoàng hậu Sunandha Kumariratana - Vua Rama IV - là người đã cho xây dựng lại cung điện mùa hè Bang Pa-In sau khi nó bị người Miến Điện xâm chiếm, phá hủy và bỏ hoang suốt một thế kỷ.

Cái chết của Hoàng hậu Sunandha Kumariratana, con gái Kannabhorn Bejaratana cùng người con trai chưa kịp chào đời là cú sốc rất lớn với Vua Chulalongkorn. Sau khi tống giam những người hầu chứng kiến cái chết của Hoàng hậu, ông đã cho người lập đền thờ để tưởng niệm vợ và các con trong khu vườn ở Cung điện mùa hè. Cũng vì nỗi đau mất vợ mất con cùng một lúc đã khiến ông quyết định bãi bỏ rất nhiều lệnh cấm bao gồm quy định không được đụng chạm vào người trong hoàng tộc vì không muốn con cháu sau này của mình cũng gặp phải tai nạn thương tâm như thế.

(Nguồn: Tổng hợp)