Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế TP HCM yêu cầu làm rõ thông tin Công ty Thiết bị vệ sinh Appollo (461 Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình) nhận đăng ký tiêm vắc-xin “5 trong 1” cho trẻ với giá 2 triệu đồng/mũi (đặt trước 500.000 đồng). Điều đáng nói là trước khi thông tin được báo chí nêu, công ty này đã nhận tiền đặt cọc hàng ngàn liều vắc-xin.
Kiên quyết... chờ
Theo Bộ Y tế, vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” (ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib) và “6 trong 1” (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ do Hib) còn khan hiếm đến hết năm 2016. Nếu tiếp tục chờ, phụ huynh sẽ đánh mất cơ hội tiêm phòng các bệnh hiểm nghèo cho con em mình.
Điểm tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội luôn trong tình trạng “cháy” vắc-xin dịch vụ
Hơn 1 năm qua, “cơn sốt” vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” không có chiều hướng giảm, bắt đầu từ khi xuất hiện nhiều vụ tai biến xảy ra nhưng lời giải thích trẻ tử vong vì “trùng hợp ngẫu nhiên”, “bệnh lý sơ sinh” của Bộ Y tế không khiến người dân “tâm phục khẩu phục”. Do đó, nhiều gia đình đổ dồn đến các điểm tiêm dịch vụ để được tiêm vắc-xin nhập từ các nước như Bỉ, Pháp...
Nếu như các năm trước, những nhà nhập khẩu nhập về hàng chục ngàn liều vắc-xin tổng hợp “5 trong 1” và “6 trong 1”, đủ giải “cơn khát” vắc-xin thì hiện nay con số đó không thấm vào đâu. Cho dù sốt ruột, lo lắng vì chờ đợi nửa năm vẫn chưa có vắc-xin để tiêm, lịch tiêm đã quá 4-5 tháng nhưng nhiều phụ huynh vẫn kiên quyết... chờ.
Anh Phạm Huy Hoàng (ngụ Hà Nội) cho biết phải tận dụng hết các mối quan hệ để đặt 3 liều vắc-xin dịch vụ “5 trong 1”, dù 2 tháng nữa con anh mới đến lịch tiêm. “Nếu không tiêm được vắc-xin dịch vụ trong nước, vợ chồng tôi tính tới phương án đưa con đi nước ngoài tiêm vì chẳng ai dám đặt cược tính mạng của con với vắc-xin miễn phí” - anh giải thích.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), cho rằng việc để một công ty thiết bị vệ sinh nhận tiêm vắc-xin dịch vụ cho trẻ em thể hiện sự quản lý yếu kém của cơ quan y tế. Rõ ràng, người dân đã mất niềm tin vào vắc-xin miễn phí. Thậm chí, họ hoài nghi và quay lưng lại với những gì mà ngành y tế đang tuyên truyền về chất lượng vắc-xin miễn phí.
“Song song với việc tuyên truyền cho người dân về lợi ích của tiêm chủng mở rộng, cụ thể là tính an toàn của vắc-xin Quinvaxem, ngành y tế nên có các biện pháp tăng niềm tin cho người dân. Những kết luận của hội đồng y khoa cần khách quan hơn, những sai sót cần được xử lý thấu tình đạt lý hơn, chất lượng y tế cơ sở cũng cần bảo đảm hơn. Đến lúc ấy, ngành y tế mới có thể hô một tiếng là người dân nghe theo” - ông An phân tích.
Khan hiếm dài dài
Những ngày qua, thông tin 40.000 liều “5 trong 1” dịch vụ được nhập về Việt Nam tạo nên làn sóng chờ đón, săn lùng vắc-xin này. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Hồng Thúy - nhà cung cấp độc quyền vắc-xin “5 trong 1” tại miền Bắc, vắc-xin này đang chờ kiểm định, phải nửa tháng nữa mới phân phối tới các điểm tiêm chủng dịch vụ. Việc phân bổ sẽ theo đúng quy định để bảo đảm trẻ trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đủ 3 mũi như chỉ định.
Tuy chưa có số liệu chính xác nhưng nhiều phụ huynh cho biết đã đặt hàng và chờ nửa năm mà con họ vẫn không được tiêm. Theo đại diện Công ty Hồng Thúy, số vắc-xin nhập về chỉ đủ dùng trong vòng 1 tháng, chưa thể đáp ứng được một phần nhu cầu tiêm vắc-xin dịch vụ hiện nay của người dân.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khẳng định trong năm 2016, vắc-xin dịch vụ tiếp tục khan hiếm. “Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ, không cấm, không hạn chế về số lượng nhập khẩu của bất kỳ doanh nghiệp nào. Song, nhà sản xuất không có hàng để đáp ứng nên dù có mong mỏi, việc cải thiện tình trạng khan hiếm vắc-xin vẫn chưa thể. Nếu cha mẹ trì hoãn tiêm vắc-xin, trẻ có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm” - ông Phu lo ngại.
Đại diện Cục Quản lý dược - đơn vị cấp phép cho các đơn vị nhập khẩu vắc-xin, cũng giải thích Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền buộc các công ty phải nhập khẩu vắc-xin dịch vụ. Vì vậy, chỉ khi các cơ sở y tế đặt hàng thì những công ty nhập khẩu mới đặt hàng các doanh nghiệp sản xuất vắc-xin để họ sản xuất.
Dù hầu hết các bậc cha mẹ đều hiểu nếu trì hoãn tiêm vắc-xin cho con và chờ đợi vắc-xin dịch vụ là nguy hiểm nhưng tâm lý e ngại dường như đã thường trực trong suy nghĩ của họ. Không biết đến bao giờ tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” mới chấm dứt?
Cấm đầu cơ, tăng giá vắc-xin
Trước tình trạng trữ vắc-xin để trục lợi, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế nhà nước có tổ chức hoạt động tiêm chủng dịch vụ phải tiêm chủng những vắc-xin thuộc chương trình; tăng cường kiểm tra, giám sát những hành vi trục lợi và không bảo đảm đủ vắc-xin phòng những bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý dược có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để bảo đảm nguồn vắc-xin một cách an toàn.