Buổi sáng sau đêm tân hôn, anh Tiêu (23 tuổi, ở Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc) phải đến bệnh viện vì mắt phải đột nhiên không nhìn thấy gì. Lúc này nhãn cầu của anh đã chuyển sang màu trắng sứ, biểu hiện rõ rệt của nhiễm trùng. Sau khi hỏi kỹ, bác sỹ được biết do bận bịu, mệt mỏi với đám cưới, anh không chú ý vệ sinh tay chân, đến đêm tân hôn cứ thế ngủ mà không tháo kính áp tròng.
Hậu quả của sơ suất tưởng như rất nhỏ này là giác mạc bị nhiễm trùng nặng, gây mù.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định ghép giác mạc để cứu đôi mắt cho bệnh nhân. Ca ghép thành công, anh Tiêu dần lấy lại được thị lực.
Bác sĩ Nguyên Việt, Bệnh viện Mắt trực thuộc Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Sơn Đông, người tiếp nhận điều trị cho anh Tiêu, khuyến cáo, việc đeo kính áp tròng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do đó không nên đeo quá 8 tiếng, phải dùng nước nhỏ mắt thường xuyên. Nếu sử dụng kính áp tròng dùng nhiều lần thì nhất định phải vệ sinh kính và bảo quản cẩn thận, đúng hướng dẫn, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường.
Các chuyên gia khác cũng nhắc nhở, kính áp tròng cũng giống như một miếng bọt biển, khi thiếu nước sẽ hút ẩm từ nhãn cầu, đồng thời bẫy vi khuẩn để giữ cho kính luôn mềm, ẩm. Nếu kính áp tròng được đeo cả trong lúc ngủ, nó sẽ hút chặt vào giác mạc, dễ gây bội nhiễm vi khuẩn, trường hợp nặng sẽ để lại sẹo trên giác mạc, gây tổn thương khó hồi phục.