Sáng ngày 14/11, tại bệnh viện Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Vô Tích, Trung Quốc đã diễn ra một ca sinh nở vô cùng nguy cấp. Trong đó, bác sĩ đã phải cúi khom người, quỳ gối ngay trên giường nằm của bệnh nhân, cùng các y tá gấp rút đưa sản phụ vào phòng mổ.
Camera ghi lại ca cấp cứu khẩn cấp sản phụ bị sa dây rốn.
Chị Lý (32 tuổi) là sản phụ sáng hôm ấy, tình trạng của chị Lý khi nhập viện là đã vỡ ối. Tại giường bệnh của sản phụ Lý, bác sĩ Hạ tiến hành kiểm tra thai thì sờ thấy bàn tay của thai nhi và dây rốn tại âm đạo của sản phụ, đặc biệt dây rốn đang ở trạng thái dao động. Bác sĩ Hạ phán đoán đây là trường hợp sa dây rốn bất thường nên lập tức đưa sản phụ vào phòng phẫu thuật cấp cứu.
Bác sĩ Hạ chọn tư thế khom người, quỳ gối trên giường sản phụ để nâng đỡ đường âm đạo của sản phụ và đẩy về hướng đầu thai nhi.
Lúc 10h25, nhận thấy đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm đối với sản phụ và thai nhi, bác sĩ Hạ chọn tư thế khom người, quỳ gối trên giường sản phụ để nâng đỡ đường âm đạo của sản phụ và đẩy về hướng đầu thai nhi. Chỉ có cách này mới giảm thiểu sức chèn ép của dây rốn, đồng thời báo cho chủ nhiệm khoa sản là bác sĩ Trần Trung. Sau khi nhận được thông báo, bác sĩ Trần Trung cùng ê kíp phẫu thuật tiến hành cấp cứu cho sản phụ Lý khẩn cấp.
Bác sĩ Trần Trung cùng ê kíp phẫu thuật tiến hành cấp cứu cho sản phụ Lý khẩn cấp.
Vào lúc 10h32 phút, tại phòng phẫu thuật, ê kíp phẫu thuật phân công hợp tác, bác sĩ Hạ vẫn duy trì tư thế khom người, nâng đỡ đường âm đạo của sản phụ và đẩy về hướng đầu thai nhi.
10h45: Khi nghe tiếng em bé khóc thét, bác sĩ và ê kíp phẫu thuật thở phào nhẹ nhõm chúc mừng mẹ tròn con vuông, trong ê kíp phẫu thuật có người còn khóc nức nở vì phải trải qua những giây phút căng thẳng tột độ.
Khi nghe tiếng em bé khóc thét, bác sĩ và ê kíp phẫu thuật thở phào nhẹ nhõm chúc mừng mẹ tròn con vuông.
Bác sĩ Hạ đã duy trì tư thế khom người, quỳ gối trong thời gian dài nên cảm thấy tay và chân đều run rẩy, tê nhức đến nỗi mất luôn cảm giác. Quá trình phát hiện sản phụ gặp nguy hiểm cho đến khi em bé ra đời kéo dài khoảng 20 phút. Trong khoảng thời gian đó, bác sĩ Hạ đã kiên nhẫn làm tròn chức trách và nhiệm vụ của mình, đồng thời phối hợp nhuần nhuyễn với ê kíp phẫu thuật của bệnh viện, đó là điều khiến mọi người hoan nghênh và tán thưởng không ngớt.
Sa dây rốn là gì?
Sa dây rốn là tình trạng dây rốn bị sa trước ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối (sa dây rốn trong bọc ối) hay nguy hiểm hơn là sa dây rốn sau khi vỡ ối. Sa dây rốn là một cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông hoặc do khi bị sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Đây là một trong những tai biến sản khoa gây hậu quả là suy thai cấp nếu mổ cấp cứu lấy thai chậm, thai nhi sẽ bị suy hô hấp, hôn mê và tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ bị tổn thương não do thiếu ôxy dẫn đến di chứng. Tùy từng trường hợp sa dây rốn mà thai nhi có thể tử vong ngay trong bụng mẹ, thậm chí trong thời gian từ vài phút đến gần 30 phút. Vì thế nên khi phát hiện sản phụ bị sa dây rốn thì biện pháp phẫu thuật cứu thai nhi là ưu việt nhất.
Sa dây rốn là một trong những tai biến sản khoa gây hậu quả là suy thai cấp nếu mổ cấp cứu lấy thai chậm.
Nguyên nhân và cách xử lý khi bị sa dây rốn
Thai phụ trong các trường hợp sau có thể bị sa dây rốn:
- Những người đẻ nhiều lần nên ngôi thai bất thường; khung chậu hẹp, méo; có khối u tiền đạo.
- Ngôi thai bất thường, ví dụ ngôi ngược, ngôi ngang do ngôi không tỳ vào cổ tử cung nên dây rốn có thể sa trước ngôi; hoặc sa một chi làm dây rốn sa theo.
- Đa ối làm ối căng quá mức, có thể vỡ đột ngột kéo dây rốn sa theo; dây rốn dài bất thường; rau bám thấp. Ngoài ra, nếu bấm ối trong cơn co khi ngôi còn cao lỏng thì cũng dễ bị sa dây rốn.
Thai phụ cần làm gì?
Khi bị sa dây rốn, sản phụ có thể thấy dây rốn ở ngay trong vùng kín. Khi nhận thấy sự bất thường này, cần gọi xe cấp cứu ngay lập tức và thông báo khẩn cấp về tình trạng mắc sa dây rốn của bạn. Không cố gắng đẩy dây rốn trở lại, tránh ăn uống trước khi sinh vì xác suất cao là bạn phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.
Tư thế được khuyến cáo cho sản phụ khi phát hiện đã bị sa dây rốn.
Trong khi chờ xe cấp cứu đến, để giảm rủi ro cho việc dây rốn bị chèn ép quá nhiều, bác sĩ khuyên bạn nên duy trì ở tư thế úp mặt xuống sàn nhà với đầu gối quỳ gập, khuỷu tay và bàn tay úp sát sàn nhà.
Không có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hiện tượng sa dây rốn. Tuy nhiên, nếu bạn nằm trong nhóm những nguy cơ cao mắc sa dây rốn như đã nêu ở trên, sau tuần thứ 38 của thai kỳ sản phụ nên thường xuyên đến bệnh viện khám hoặc lưu trú lại viện để được xử trí kịp thời khi có dấu hiệu chuyển dạ.
Nguồn: Sohu, News