Những ngày qua, dư luận xôn xao với thông tin Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương để nhân viên tạp vụ tên N.T.K.N. làm nhiệm vụ khám bệnh cho công nhân tại một công ty thuộc Khu công nghiệp VSIP 2 (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) như một nhân viên y tế.

Để nhân viên tạp vụ đo huyết áp cho công nhân

Cụ thể, bà N. có tên trong danh sách đoàn khám bệnh với nhiệm vụ được giao là đo mạch và huyết áp dù không có bằng cấp chuyên môn và không phải là nhân viên y tế.

Ngoài vấn đề này, đoàn khám bệnh cũng không dùng máy chụp X-quang của Trung tâm mà thuê máy ở bên ngoài mà không rõ lý do vì sao.

Sở y tế Bình Dương trả lời vụ nhân viên tạp vụ "khám bệnh" cho công nhân: Sai vì... bận áo blouse - Ảnh 1.

Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương. (Ảnh: FB Trung tâm)

Chiều tối 18/12 đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có những phản hồi với phóng viên xoay quanh sự việc.

Bác sĩ Từ Tấn Thứ, Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, ngay ngày 17/12 khi báo chí đăng tải thông tin, Sở đã yêu cầu Trung tâm báo cáo ngay sự việc.

Sáng 18/12, Sở tiếp tục nhận được văn bản của UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu phải phối hợp với các đơn vị hữu quan làm rõ nội dung phản ánh và xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền, báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh trước ngày 31/12.

Hiện Sở đã lập đoàn để thanh tra toàn diện sự việc để sớm có kết luận.

Máy đo huyết áp điện tử: "Đứa nhỏ mới biết đọc chữ" cũng dùng được?

Theo bác sĩ Thứ, thực tế khám sức khoẻ tại doanh nghiệp là khám cho các công nhân khoẻ mạnh, không phải khám cho người bệnh.

Trong khám sức khoẻ tổng quát có đo chiều cao, cân nặng, đo huyết áp, mạch. Vấn đề này là nhiệm vụ của điều dưỡng, không phải nhiệm vụ của bác sĩ.

"Trung tâm sai ở chỗ cho cô đó (người tạp vụ) mặc áo blouse để giải quyết vấn đề khám cho số lượng đông đảo công nhân.

Nếu đo bằng máy huyết áp có ống nghe thì phải cần người có chuyên môn. Nhưng việc đo huyết áp mạch bằng hệ thống điện tử thì ai cũng làm được. Đứa nhỏ mới đi học, mới biết chữ, đọc được nút khởi động cũng làm được.

Chính vì vậy Trung tâm mới lấp cô kia vào đoàn để phụ thực hiện công việc. Nói Trung tâm hô biến thành bác sĩ thì hơi quá" – bác sĩ Thứ phân trần.

Sở Y tế Bình Dương trả lời vụ nhân viên tạp vụ "khám bệnh" cho công nhân: Sai vì... cho bận áo blouse - Ảnh 2.

Khám sức khoẻ tổng quát cho người lao động. (Ảnh minh hoạ)

Về vấn đề tại sao không sử dụng máy X-quang tại đơn vị, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương chia sẻ khi đến khám cho công nhân trực tiếp tại doanh nghiệp cần phải dùng máy chụp di động, không thể sử dụng máy tại Trung tâm.

Máy chụp X-quang này đặt trên xe, Trung tâm không có loại máy này nên phải thuê bên ngoài.

"Thậm chí dù máy chụp X-quang tại Trung tâm có khám được cũng không được lựa chọn sử dụng vì không có hiệu quả kinh tế khi phải trang bị xe, chì phải bảo đảm an toàn bức xạ, đầu tư máy móc… tổng kinh phí khoảng 1.5 tỷ đồng.

Lâu lâu mới chụp một lần vì có những doanh nghiệp không yêu cầu. Phí quá" – đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 18/12 Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế Bình Dương xác minh thông tin ‟hô biến" nhân viên tạp vụ thành bác sĩ khám cho công nhân tại Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường tỉnh Bình Dương.

Cục đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Dương ngoài xác minh sự việc phải rà soát và kiểm tra, thanh tra hoạt động khám sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế.

Ngoài ra, thiết lập hệ thống theo dõi, cập nhật hàng ngày việc khám, cấp giấy khám sức khỏe, cấp giấy ra viện nhằm hạn chế việc làm giả.