Trưa 21/6, buổi họp báo thông tin về chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 đợt 4 tại TP.HCM đã diễn ra, với sự tham dự của lãnh đạo TP, Sở Y tế TP.HCM, Sở Thông tin và truyền thông.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch (PCT) UBND TP.HCM cho biết, đợt 4 này TP được nhận 836.000 liều vắc xin COVID-19 của hãng AstraZeneca.

Có 30.000 liều giao hẳn cho Bộ Quốc phòng.

20.000 liều vắc xin giao cho lực lượng Công an, trong đó 18.000 giao cho Công an TP.HCM và 2.000 giao cho lực lượng của BCA.

Tổng kết lại, TP.HCM có nhiệm vụ tiêm 804.000 liều vắc xin trong thời gian rất ngắn. Kế hoạch tiêm chính trong 5 ngày và có 1.5 ngày để dự trữ tiêm vét.

Sở Y tế TP.HCM họp đến 2 giờ sáng chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử - Ảnh 1.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, (Ảnh: HCDC)

BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, để người dân TP tiêm xong 2 mũi cần 14 triệu liều.

Sau khi chiến dịch tiêm đợt 4 này hoàn thành sẽ được 6% dân số TP.

TP.HCM sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất để tiếp tục tiêm vắc xin cho người dân. Có thể đến quý 3 sẽ có tính hiệu đáng mừng.

Ngoài ra với vắc xin Việt Nam đang nghiên cứu đã bước qua thử nghiệm giai đoạn 3 rất thuận lợi.

Sở Y tế TP.HCM họp đến 2 giờ sáng chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin COVID-19 tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Về việc tổ chức tiêm sao cho đảm bảo thực hiện Chỉ thị 10 mà TP ban hành nhằm kiểm soát dịch bệnh, ông Dương Anh Đức cho biết toàn bộ khâu chuẩn bị diễn ra trong thời gian ngắn nên sẽ theo cách cuốn chiếu, sẽ ổn định dần. Làm sao để vừa đảm bảo an toàn, vừa kịp tiến độ.

Lãnh đạo Sở Y tế thông tin thêm, với mỗi 1 bàn tiêm tại các điểm tiêm sẽ có 5 nhân sự, bao gồm 2 và 3 điều dưỡng lo việc sàng lọc sức khỏe, tiêm chủng và theo dõi biến chứng sau tiêm.

Ngoài lực lượng y tế còn có tổ hành chính và tổ bảo đảm an ninh. TP đã đề nghị Thành Đoàn huy động 4.000 đoàn viên thanh niên hỗ trợ. Cùng với lực lượng công an, dân quân tự vệ, sẽ làm sao để tránh tình trạng tụ tập đông người khi tiêm, gây mất an ninh trật tự.

Sở Y tế TP.HCM họp đến 2 giờ sáng chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử - Ảnh 3.

Xếp hàng, giữ khoảng cách trong khi chờ đến lượt tiêm.

Ngoài vấn đề tiêm chủng còn có chuẩn bị xe cấp cứu để sẵn sàng hỗ trợ khi có biến chứng sau tiêm.

Bác sĩ Nam chia sẻ, dù tai biến là vấn đề không ai mong muốn xảy ra nhưng sẽ có một tỉ lệ gặp sốc phản vệ.

Nếu có những trường hợp này, bệnh nhân sẽ được đưa về Bệnh viện (BV) Thống Nhất cấp cứu và điều trị, được hưởng toàn bộ chế độ do bảo hiểm y tế chi trả.

"TP.HCM đã họp trong 2 ngày. Tối hôm qua đến 22h đêm, riêng Sở Y tế làm việc đến 2h sáng. Đến sáng nay các công việc chuẩn bị đã sẵn sàng và sẽ có 3 đoàn chính thức do tôi dẫn đầu đi kiểm tra điểm tiêm.

Ngoài ra còn có 2 đoàn do Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP đi giám sát bất ngờ việc tiêm chủng" - ông Đức nói.

Lãnh đạo TP.HCM cho biết sau 3 đợt tiêm vắc xin COVID-19 đầu, TP đã rút ra được nhiều kinh nghiệm.

Ông Dương Anh Đức nhận định trong 3 giai đoạn khi tiêm thì giai đoạn đầu (chuẩn bị) và giai đoạn cuối (theo dõi phản ứng sau tiêm) tốn thời gian nhất.

Một số nơi khi kiểm tra phát hiện khâu ngồi chờ nhiều nơi quá chật, ngồi sát nhau không đảm bảo giãn cách rất nguy hiểm.

Một số trường hợp gặp sốc phản vệ có thể xảy ra trong 5-10 phút đầu sau tiêm, cần ngồi ở vị trí mà BS theo dõi dễ thấy, sau đó có thể chuyển vị trí. Do đó trong chiến dịch tiêm đợt 4, TP sẽ điều chỉnh việc này.

Sở Y tế TP.HCM họp đến 2 giờ sáng chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử - Ảnh 4.

Người tiêm vắc xin COVID-19 sẽ có mã QR để lưu trữ thông tin tiêm chủng.

Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ ứng dụng công nghệ trong tiêm.

Lần này, Bộ Y tế và Bộ Thông tin truyền thông đã theo sát hỗ trợ TP.HCM.

Trong đó Bộ Y tế cử lực lượng hỗ trợ đặc biệt do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu, Bộ Thông tin truyền thông cũng cử 1 Thứ trưởng hỗ trợ về mặt công nghệ. Ngoài ra còn có các công ty công nghệ cũng tự nguyện vào cuộc giúp TP.

Trả lời câu hỏi về nguồn vắc xin trong thời gian tới TP được tiếp cận, PCT UBND TP cho biết, vắc xin được sử dụng sẽ có 2 nguồn: Nguồn từ Chính phủ cấp và nguồn TP đàm phán.

Từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ nhận được 100 triệu liều vắc xin. TP.HCM chiếm trung bình 10% số liều vắc xin được nhận.

Có 75% dân số từ 18-65 tuổi trong diện được chính.

Do đó chỉ từ nguồn vắc xin từ Chính phủ, TP cũng tương đối đảm bảo số lượng vắc xin.

Về nguồn vắc xi chủ động, TP sẽ đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất, không qua trung gian để làm sao có vắc xin sớm nhất.