Sốc phản vệ nặng sau khi ăn cua biển - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Bệnh nhân T.T.T.N. (19 tuổi, trú tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nhập viện nhập viện trong tình trạng tím đầu chi, tím môi, tay chân lạnh, mạch yếu không bắt được, huyết áp không đo được, nhịp tim nhanh 120 lần/phút. Sau đó, rối loạn nhịp thất nguy hiểm.

Người nhà cho biết: Bệnh nhân sau sinh khoảng 3 tuần, khi đang nằm viện tại Khoa Sản có ghi nhận tiền sử dị ứng thuốc không rõ loại và dị ứng cua biển trước đó. Cách nhập viện khoảng 3 tiếng, bệnh nhân có ăn cua biển và khoảng 3 tiếng sau xuất hiện nổi đỏ trên da, ngứa.

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn ở nhà. Sau đó, người nhà phát hiện tay chân bệnh nhân lạnh, than mệt nên nhanh chóng đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long.

Tại đây, các bác sĩ nhận định chính xác bệnh nhân bị sốc phản vệ nguy kịch và xử lý nhanh chóng, đồng thời tư vấn người nhà hướng điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ tiến hành cho bệnh nhân thở oxy qua sonde mũi, truyền dịch nhanh, tiêm Adrenalin bắp 2 lần mỗi 3 phút nhưng không đáp ứng và bệnh nhân có diễn tiến nặng hơn, khó thở và nôn ói. Ngay lập tức, các bác sĩ đã nhanh chóng quyết định sử dụng Adrenalin tiêm tĩnh mạch 1/10000.

Sau 2 phút cấp cứu, bệnh nhân khỏe hơn, có mạch quay, huyết áp 70/40 mmHg. Bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân dùng Adrenalin truyền tĩnh mạch duy trì kết hợp thuốc kháng Histamin và corticoid. Bệnh nhân dần ổn định, huyết áp đo được 100/60 đến 110/70 mmHg.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển Khoa Hồi sức tích cực điều trị duy trì và theo dõi tình trạng tái sốc nếu có. Sau hơn 1 ngày, bệnh nhân đã khỏe hơn và chuyển về Khoa Nội tổng quát điều trị ổn định.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân phải thật cẩn trọng trong việc lựa chọn những thực phẩm khi ăn uống. Đặc biệt những bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng các loại thức ăn trước đó càng phải cẩn trọng.

Khi ăn những thức ăn có nhiều nguy cơ gây dị ứng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, nếu thấy có dấu hiệu bất thường như: mẩn ngứa, chóng mặt, buồn nôn, khó thở cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.