Ở thời điểm hiện nay, có thể khẳng định Trấn Thành là một trong những nghệ sĩ đa tài bậc nhất showbiz Việt khi nắm giữ vai trò MC trong hàng loạt chương trình đình đám như: Người ấy là ai, Rap Việt... Với lối dẫn thông minh, hài hước, Trấn Thành đã nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả.
Gần đây, ngoại hình hậu giảm cân của chàng MC đa tài này là chủ đề được rất nhiều người quan tâm, thậm chí nhiều người còn nhận xét nhan sắc của Trấn Thành đã khác "một trời một vực".
Tuy nhiên nếu nhìn ảnh hồi mới vào nghề của Trấn Thành, bạn mới thấy sự khác biệt rõ ràng như thế nào. Ngày ấy, Trấn Thành sở hữu chiếc mũi khá to và thô, dù sống mũi cao và thẳng nhưng phần đầu mũi lại bè ra, khiến khuôn mặt mất đi sự cân đối. Trấn Thành cũng từng thừa nhận chuyện "dao kéo" chiếc mũi của mình và làm đẹp cũng là bởi tôn trọng khán giả.
Trấn Thành hồi mới vào nghề sở hữu chiếc mũi khá to và thô, dù sống mũi cao và thẳng nhưng phần đầu mũi lại bè ra...
Phải công nhận rằng việc can thiệp thẩm mỹ chiếc mũi là một quyết định sáng suốt của Trấn Thành vì giờ đây gương mặt của nam MC trông cân đối, hài hòa hơn xưa rất nhiều.
Trấn Thành ở thời điểm hiện tại có khuôn mặt rất hài hòa.
Nâng mũi là phương pháp thẩm mỹ rất phổ biến bởi ai cũng mong muốn sở hữu một chiếc mũi cao dài thanh tú. Phương pháp này được thực hiện nhằm cải thiện các khuyết điểm ở vùng mũi như sống mũi thấp, mũi lệch, gồ, đầu mũi tròn, to, cánh mũi bè, dày, thô...
Tuy nhiên, để nâng mũi an toàn, hiệu quả, trước khi thực hiện chị em nên ghi nhớ 4 việc sau:
1. Đối tượng nào nên thực hiện nâng mũi?
Theo TS.BS Phạm Thị Việt Dung (giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình - trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội): Tất cả những bạn sống mũi thấp, trên 18 tuổi, sức khỏe tốt, có nhu cầu chỉnh sửa nâng cao sống mũi đều có thể thực hiện phương pháp thẩm mỹ này.
2. Nhóm người nào không nên nâng mũi?
- Đối tượng dưới 18 tuổi không nên nâng mũi vì lúc này cấu tạo cơ thể chỉ trong giai đoạn phát triển nên sức đề kháng chưa cao.
- Phụ nữ có thai, đang cho con bú, sau sinh con trên 6 tháng... cũng không nên phẫu thuật, vì sau khi nâng mũi, bệnh nhân sẽ phải sử dụng một số loại kháng sinh, có thể ảnh hưởng đến em bé và chất lượng sữa mẹ.
- Người có tiền sử bệnh tim mạch, thần kinh, cao huyết áp, máu khó đông… tránh nâng mũi vì có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
3. Cần nhớ điều gì trước khi quyết định nâng mũi?
- Mọi người nên cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ về các phương pháp cũng như dáng mũi rồi mới quyết định làm bởi như vậy mới đảm bảo có được kết quả làm đẹp ưng ý và an toàn. Hãy cân nhắc những ưu-nhược điểm đi kèm, từ đó đưa ra lựa chọn hợp lý nhất cho mình.
- Tìm hiểu kỹ cơ sở thực hiện, trình độ tay nghề bác sĩ, chất liệu nâng mũi… đảm bảo hết những yếu tố này thì mới có thể gửi gắm một chiếc mũi đẹp như mình mong muốn.
Theo các bác sĩ thẩm mỹ, một phẫu thuật viên dù là giỏi đến mấy cũng không thể khẳng định 100% phẫu thuật không biến chứng. Tuy nhiên, phẫu thuật viên càng được đào tạo bài bản, càng có kinh nghiệm thì càng giảm tối thiểu những rủi ro và nếu có thì cũng là những biến chứng nhẹ, có thể sửa chữa được.
4. Sau khi nâng mũi cần kiêng kỵ như thế nào?
TS.BS Phạm Thị Việt Dung cho biết, những người sau nâng mũi không cần kiêng ăn bất cứ loại thức ăn gì trừ khi dị ứng hoặc chỉ kiêng tôm, cua, hải sản, đồ ăn lạ... nếu có cơ địa dị ứng.
Không nên động chạm vào mũi, đặc biệt là vết mổ, không nên đeo kính trong khoảng 3 tháng đầu sau mổ, không nên soi gương nhiều trong 3 tuần đầu vì trong 3 tuần đầu nhiều khi sưng nề, tụ máu... làm dáng mũi thay đổi không phải là dáng mũi sau này.
Tư thế nằm ngủ hoàn toàn không ảnh hưởng đến vị trí chất liệu, nằm nghiêng không thể làm lệch mũi như nhiều người vẫn tưởng (nếu có lệch là do nguyên nhân khác).