Độc quyền vàng miếng, lợi nhuận SJC có tăng?

Từ 25/5/2012, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (Công ty SJC) được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước triển khai tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua việc thuê Công ty SJC gia công. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC để sản xuất vàng không tạo ra độc quyền doanh nghiệp vì Công ty SJC không còn được trực tiếp sản xuất vàng miếng mà chỉ kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất và kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ như các doanh nghiệp được phép khác.

‘Soi’ việc làm ăn của 4 'đại gia' ngành vàng bị thanh tra - Ảnh 1.

Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC chỉ có lãi trong 6 năm trở lại đây sau khi là doanh nghiệp độc quyền vàng miếng.

Theo kết quả kinh doanh năm 2023 vừa được Công ty SJC công bố, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 4% so với năm 2022, từ hơn 27.150 tỷ đồng lên hơn 28.400 tỷ đồng. Lợi trước thuế và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của SJC tăng 27% và 24% so với năm 2022 lần lượt là 87,5 tỷ đồng và 61 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế của SJC năm 2023 vượt kế hoạch kinh doanh đề ra 7%, doanh thu giảm 5,8% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, tại cuộc báo thường kỳ về kinh tế - xã hội TPHCM mới đây, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc SJC - cho biết, trước năm 2012 - thời điểm Nghị định 24 về độc quyền vàng miếng chưa ra đời, vốn sở hữu của doanh nghiệp 400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng 300-400 tỷ đồng một năm. Từ sau 2012, mức lợi nhuận của công ty sụt giảm mạnh, còn vài chục tỷ đồng.

Do không được làm vàng miếng, doanh nghiệp chuyển hướng làm vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này. Giai đoạn đầu, sản phẩm trang sức của SJC gặp khó khăn, không cạnh tranh được và chỉ có lời 6 năm trở lại đây.

PNJ lãi cao kỷ lục

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I năm nay, Công ty Vàng Phú Nhuận (PNJ) đạt doanh thu thuần đạt 12.594 tỷ đồng, tăng mạnh 29% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu theo quý cao kỷ lục của doanh nghiệp bán lẻ trang sức này trong lịch sử hoạt động.

Đáng chú ý, doanh thu từ vàng 24K (hay còn gọi là vàng 9999) của PNJ tăng tới 66% so với cùng kỳ năm trước, nhờ nhu cầu tăng mạnh trong ngày vía Thần tài vừa qua.

Sau khi trừ toàn bộ chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, PNJ thu về 738 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I năm nay, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn tới 17% so với quý IV/2023.

Năm nay, PNJ đặt mục tiêu doanh thu ở mức 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.089 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 6% so với mức thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kết quả trên, doanh nghiệp này sẽ thiết lập mức lợi nhuận cao kỷ lục mới.

Với kết quả đạt được trong quý I vừa qua, PNJ đã hoàn thành 34% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Bất ngờ lợi nhuận của Bảo Tín Minh Châu

Nằm trên “phố vàng” nổi tiếng Trần Nhân Tông, Hà Nội, nhiều tháng nay Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu luôn chứng kiến cảnh người dân xếp hàng dài mua vàng.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Vũ Minh Châu góp 90,17 tỷ đồng (90,17%) và ông Vũ Phương Nam góp 9,83 tỷ đồng.

‘Soi’ việc làm ăn của 4 'đại gia' ngành vàng bị thanh tra - Ảnh 2.

Người dân thường xuyên phải xếp hàng mua vàng tại Bảo Tín Minh Châu nhưng lợi nhuận doanh nghiệp này công bố rất thấp.

Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 của Bảo Tín Minh Châu đạt 1.401 tỷ đồng, tăng 332 tỷ đồng, tương đương 31,1% so với năm 2022. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty chỉ đạt 4,5 tỷ đồng, tăng 400 triệu đồng, tương đương 9,8%.

Đây không phải năm đầu tiên Bảo Tín Minh Châu có lợi nhuận sau thuế èo uột. Trước đó, chỉ tiêu này lần lượt 4,1 tỷ đồng (năm 2022), 2 tỷ đồng (năm 2021) và 3,1 tỷ đồng (năm 2020).

Có thể thấy, hiệu quả sử dụng vốn tại Bảo Tín Minh Châu là rất thấp. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu chỉ là 4,32% (năm 2023), 3,9% (năm 2022), 1,96% (năm 2021) và 3,1%.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn tại Bảo Tín Minh Châu thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng lúc thấp điểm.

Công ty Bảo Tín Minh Châu thành lập năm 1999. Cho tới nay, sau gần 30 năm hoạt động, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 104 tỷ đồng dù vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.

Tập đoàn Doji doanh thu khủng nhưng lãi mỏng

Dù là một doanh nghiệp có tăng trưởng vượt bậc về doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý, áp đảo nhiều đối thủ nhưng Tập đoàn Doji khá chậm chạp và ghi nhận lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các đại gia ngành vàng khác.

Doji do ông Đỗ Minh Phú làm chủ tịch sáng lập, hoạt động trong các lĩnh vực như kinh doanh vàng bạc, đá quý, trang sức, bất động sản, đầu tư, thương mại dịch vụ. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Đỗ Minh Phú đang làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong.

Hàng trăm chi nhánh, trung tâm kinh doanh và đại lý, điểm bán trang sức trên toàn quốc mang về cho Doji mỗi năm hàng chục, thậm chí có năm lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp lại rất mỏng.

Theo báo cáo mới nhất, năm 2023 Doji ghi nhận mức lãi sau thuế đạt hơn 490 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ đồng/ngày, giảm khoảng 50% so với mức 1.017 tỷ đồng trong năm 2022. Dù giảm mạnh nhưng mức lợi nhuận này vẫn cao hơn rất nhiều so với mức gần 240 tỷ đồng trong năm 2021, trong năm 2019 và 2020 lợi nhuận sau thuế của Doji lần lượt là 150 tỷ đồng và 187 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Doji đạt hơn 6.745 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước đó. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,35 lần, cao hơn mức 1,95 lần cuối năm trước.

Như vậy, hệ số nợ phải trả của doanh nghiệp vào khoảng hơn 15.850 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm trước. Công ty không còn dư nợ trái phiếu, trước đó đến cuối năm 2022 còn nợ 636 tỷ đồng.