Sự quyết liệt trong tầm soát những người tiếp xúc với bệnh nhân, quy trình cách ly nghiêm ngặt và hạn chế đi lại là những yếu tố khiến Singapore nhận được nhiều khen ngợi. Nước này cũng ghi điểm nhờ đạt tỷ lệ xét nghiệm ở mức cao của thế giới. Đến ngày 25/3, Singapore thực hiện 6.800 xét nghiệm/1 triệu dân, trong khi nước làm tốt như Hàn Quốc cũng chỉ được 6.500.

Sớm trở thành bài học thành công, Singapore giờ cũng ‘chóng mặt’ vì COVID-19 - Ảnh 1.

Quốc đảo nhỏ bé này khiến nhiều nước lớn phải ghen tị vì giữ được mức lây nhiễm thấp, các trường học và trung tâm thương mại vẫn hoạt động bình thường.

Nhưng tình hình thay đổi chóng mặt từ hôm 1/4, thời điểm Singapore vượt ngưỡng tâm lý 1.000 bệnh nhân. Bức tranh không còn màu hồng nữa.

Trong suốt tháng 2, số ca nhiễm mỗi ngày ở Singapore được giữ ở mức 1 con số. Nhưng chỉ riêng ngày 1/4, nước này có tới 74 bệnh nhân mới. Ngày 2/4 ghi nhận thêm 49 ca mắc và trường hợp tử vong thứ tư, dù đã có 266  người bình phục hoàn toàn.

Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Làn sóng thứ hai

Các chuyên gia nói rằng số ca mắc mới tăng nhanh bất thường ở quốc gia 5,7 triệu dân này đại diện cho “làn sóng thứ hai” của dịch bệnh.

Làn sóng thứ nhất xảy ra khi du khách từ Trung Quốc đại lục mang virus đến Singapore trong gia đoạn đầu của dịch COVID-19. Singapore có những ca mắc đầu tiên trước khi áp dụng bất kỳ hạn chế đi lại nào. Nhưng làn sóng thứ hai chủ yếu liên quan đến người dân Singapore trở về từ những nước như Mỹ và Anh, nơi đang tiếp nối Trung Quốc để trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Điều đáng lo hơn với giới chức Singapore là làn sóng thứ hai còn có cả những ca lây nhiễm trong nước và những ca không có mối liên hệ rõ ràng nào với các bệnh nhân đã được xác nhận.

Để đối phó với làn sóng thứ hai, Singapore áp dụng các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn, cấm cảnh tất cả du khách từ nước ngoài từ ngày 23/3; đóng cửa các quán bar, nơi vui chơi ban đêm từ ngày 27/3; hạn chế tập trung từ 10 người trở xuống và phạt những cá nhân hoặc nhà hàng không giữ khoảng cách 1m giữa các khách hàng. Người dân được thúc giục ở nhà và chỉ ra ngoài để mua đồ thiết yếu.

Tuần này, Bộ trưởng phát triển quốc gia Lawrence Wong, đồng chủ tịch nhóm phản ứng với dịch COVID-19, nói rằng thời gian từ 2-3 tuần tới sẽ có vai trò then chốt, quyết định hiệu quả của các biện pháp hiện nay.

Ông nói chính phủ cần “giúp tất cả người dân Singapore hiểu rằng mỗi cá nhân đều ở trên tuyến đầu”.

Ngày 29/2, Singapore chỉ có 6 ổ dịch. Nhưng đến tháng 4, số lượng đó tăng lên hơn 20, trong đó có một studio chụp ảnh cưới, ký túc xá của công nhân, một viện dưỡng lão có 11 ca nhiễm. Mustafa Centre, nơi mua sắm yêu thích của cả người dân và du khách đến Singapore ở quận Little India, liên quan đến 11 ca nhiễm.

“Tất cả chúng ta nên lo lắng về làn sóng thứ hai”, PGS Jeremy Lim, công tác tại chương trình y tế toàn cầu tại Trường y tế cộng đồng Saw Swee Hock, nói.

Liên hệ yếu ớt

Ông Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Minnesota, nói với Reuters: “Cách làm của Singapore cho đến nay vẫn là một trong những mô hình tốt nhất. Điều họ đang cho thế giới thấy là con virus này khó đánh bại và kiểm soát như thế nào”.

Nhưng ngay cả khi Singapore đang làm điều mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mô tả là “không bỏ qua cái gì”, dù vẫn chưa dùng đến cách phong toả, các chuyên gia băn khoăn rằng vì sao chiến lược ngăn chặn của nước này không thành công hơn.

Kitty Lee, trưởng bộ phận y tế và khoa học cuộc sống tại hãng tư vấn Oliver Wyman, nói rằng tình hình hiện nay “hơi đáng sợ”. Ông Lee nói rằng Singapore vẫn khá “lỏng lẻo” trong thực hiện giãn cách xã hội, khi chỉ 40% nhân viên ở quận trung tâm đang làm việc ở nhà.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam cho rằng người dân nên thực hiện quy tắc giãn cách xã hội quyết liệt hơn. “Như hiện nay là chưa đủ để phá vỡ chuỗi lây lan. Thay vào đó, dịch bệnh đang phá vỡ chúng ta vì một bộ phận người dân chưa đủ ý chí”, ông Leong nói.

Giáo sư Teo Yik Ying, trưởng khoa sức khỏe cộng đồng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore nói với tờ The Straits Times rằng nếu người Singapore từ chối làm theo những chỉ dẫn đơn giản, thì dù chính phủ có đưa ra điều gì, chúng ta sẽ thấy một ổ dịch không thể kiểm soát được.

Đeo khẩu trang hay không?

Sự gia tăng trong số ca mắc COVID-19 ở Singapore cũng đã gây ra một cuộc tranh luận về giá trị của việc đeo khẩu trang.

Trước đây, chính quyền Singapore khuyên người dân không đeo khẩu trang để nhường cho các y bác sĩ. Lời khuyên này cũng tương đồng với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Nhưng cả WHO và Mỹ đều đang đánh giá lại hướng dẫn đó. Một số chuyên gia ở Hong Kong và Nhật Bản nói rằng văn hoá đeo khẩu trang rộng rãi đã giúp họ giảm số lượng ca nhiễm.

“Có một câu hỏi rất nghiêm túc về việc có cần đeo khẩu trang ở những nơi đông người như tàu điện ngầm hay không”, GS Lim nói.

Nhưng học giả này cũng cho rằng đeo khẩu trang có thể khiến người dân có cảm giác an toàn sai lầm, dẫn đến việc họ thực hiện lỏng lẻo các biện pháp giãn cách xã hội, như kiểu thắt dây an toàn khiến nhiều người lái xe đi liều hơn.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam cho biết Singapore hiện phải đối mặt với hai thách thức: không đủ khẩu trang cho toàn dân và mọi người cần thực hiện quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn. Nếu không, hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này sẽ bị choáng ngợp trước số ca mắc tăng theo cấp số nhân, ông Leong cảnh báo.

Trong bối cảnh đó đã xuất hiện một số thông tin lạc quan. Hãng game Razer cho biết sẽ bắt đầu sản xuất khẩu trang trong nước trong vòng 30 ngày tới. Một số chuyên gia hy vọng quan điểm cứng rắn hơn của chính phủ về việc làm việc ở nhà sẽ có tác dụng.

Nhưng Singapore cũng phải đối diện với giới hạn trong những điều có thể làm. Ông Lim nói rằng chính phủ đã sắp hết lựa chọn ngay cả khi siết chặt quy định giãn cách xã hội.

Cả bộ trưởng Wong cũng thừa nhận việc thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, như phong toả trong 2 tuần, sẽ không phải một “giải pháp thần kỳ”.

“Sigapore có lẽ chỉ còn 3 việc chưa làm: đóng cửa trường học, dừng giao thông công cộng và đóng cửa tất cả các địa điểm ăn uống và trung tâm thương mại. Tôi không chắc chắn những gì bạn có thể làm. Tôi không chắc họ có thể làm thêm điều gì nữa”, ông Lim nói.

Cách một cây cầu nhưng cách chống Covid-19 của Thụy Điển và Đan Mạch trái ngược: Bên thì đóng kín, bên còn lại ồn ào tấp nập - Ảnh 6.