Nhiệt độ khắc nghiệt mà châu Âu phải trải qua trong những tuần gần đây đã khiến tốc độ băng tan chảy ở các sông băng Alpine tăng lên. Cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, hậu quả ngày càng rõ ràng ở dãy Alps, nơi các sông băng đặc biệt dễ bị tổn thương do kích thước các thềm băng nhỏ hơn và mỏng hơn.
Trong nhiều năm qua, hình ảnh gấu Bắc Cực vật lộn với những "ngôi nhà băng" ngày càng thu hẹp của chúng đã đưa ra lời cảnh báo về sự tan chảy của các tảng băng. Mực nước biển dâng cao, biên giới dịch chuyển, tuyết lở, lũ lụt là những hậu quả có thể nhìn thấy rõ ràng và không cần phải đi đến tận Nam Cực để chứng kiến chúng xảy ra.
Tại Pakistan, ở cửa ngõ đi vào dãy Himalaya hoặc Alaska, tinh trạng băng tan đang gia tăng ở khắp mọi nơi, trong khi các thảm họa khí hậu đang trở nên thường xuyên hơn.
Ở châu Âu, nhiệt độ khắc nghiệt đã dẫn đến sự tan chảy nhanh hơn và sớm hơn của lớp phủ băng tuyết ở các sông băng Alpine, và đây được coi là tốc độ nhanh chưa từng có kể từ khi quá trình giám sát băng tan bắt đầu được thực hiện cách đây 60 năm, theo dữ liệu do Reuters tư vấn.
Sau một mùa đông với ít tuyết, dãy Alps chứng kiến hai đợt nắng nóng sớm vào tháng 6 và tháng 7. Trong lần gần đây nhất, mức đóng băng (còn được gọi là đường đẳng nhiệt 0°C, biểu thị cao độ trong đó nhiệt độ bằng 0°C trong bầu không khí tự do) được thiết lập ở độ cao 5.184 mét ở Thụy Sĩ, cao hơn đỉnh Mont Blanc, trong khi bình thường mức này nằm trong khoảng từ 3.000 đến 3.500 mét vào mùa hè.
Trong khi sự tan chảy của các sông băng do biến đổi khí hậu là một mối đe dọa toàn cầu, những sông băng ở dãy Alps lại đặc biệt dễ bị tổn thương do kích thước và độ mỏng nhỏ hơn của chúng.
Vào ngày 3/7, sông băng Marmolada ở Italy, điểm cao nhất trong dãy núi Dolomites và là một trong những tuyến đường đi bộ đường dài nổi tiếng nhất của nước này, đã sụp đổ tại đỉnh núi Punta Rocca cao 3.309 mét. Nhiệt độ đặc biệt cao trong những tuần gần đây đã đẩy nhanh quá trình tan chảy của lớp băng vĩnh cửu. Vụ sụp đổ sông băng này đã khiến 11 người thiệt mạng.
Phòng thí nghiệm Băng hà và Địa vật lý Môi trường của Pháp giám sát chặt chẽ một số lượng lớn các sông băng.
Sông băng Morteratsch ở Thụy Sĩ không còn giống như hình ảnh trong sách hướng dẫn của khu vực. Thềm băng dài màu trắng, từng chạy xuống một phần lớn của thung lũng và là sông băng lớn thứ ba ở phía Đông dãy Alps, đã bị thu hẹp với chiều dài khoảng 3 km. Chiều rộng của nó đã bị thu hẹp khoảng 200 mét.
Theo dữ liệu từ mạng lưới giám sát sông băng của Thụy Sĩ Glamos và Đại học Tự do Brussels, sông băng này hiện đang mất lớp băng dày 5 cm mỗi ngày và đã tan chảy nhiều hơn.
Với mức tăng nhiệt khoảng 0,3°C mỗi thập kỷ, hiện tượng ấm lên ở châu Âu đang diễn ra nhanh hơn gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Các chuyên gia lo ngại rằng những sông băng ở dãy Alps sẽ biến mất sớm hơn dự kiến nếu những năm tới tiếp tục ghi nhận các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại, Matthias Huss, Giám đốc Glamos cảnh báo.
Trong một báo cáo đặc biệt được công bố vào năm 2019, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) cảnh báo, các sông băng trên dãy Alps sẽ mất hơn 80% khối lượng băng hiện tại vào năm 2100, bất kể các biện pháp có thể được thực hiện để hạn chế phát thải khí nhà kính.