Roger Mallinson là một cựu phi công Hải quân Hoàng gia Anh. Vào năm 1973, ông đã được giải cứu cùng với người đồng đội của mình, Roger Chapman, sau 84 giờ bị mắc kẹt ở độ sâu 480m ngoài khơi bờ biển Ireland trong chiếc tàu lặn Pisces rộng chưa đầy 2m. Trong cuộc phỏng vấn với Sky News gần đây, ông Mallinson, với kinh nghiệm là người sống sót qua vụ giải cứu lịch sử, cho biết ông có dự cảm không lành về chiếc tàu ngầm Titan bị mất tích.

Mallinson chia sẻ với Sky News: “Thật là kinh khủng. Tôi không hiểu tại sao họ không thể phát tín hiệu ra bên ngoài. Tôi e rằng có điều gì đó không ổn khiến họ không thể truyền đi tín hiệu”.

Sống sót sau vụ giải cứu tàu lặn lịch sử, người đàn ông kể lại ký ức kinh hoàng - Ảnh 1.

Hình ảnh Roger Mallinson

Bình luận của ông được ghi nhận sau khi Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ và Canada đang cố gắng giải cứu hành khách từ tàu lặn của công ty OceanGate Expeditions bị mất tích trong khi thăm xác tàu Titanic. 

Sống sót sau vụ giải cứu tàu lặn lịch sử, người đàn ông kể lại ký ức kinh hoàng - Ảnh 2.

Roger Mallinson có dự cảm không lành về tàu Titan

Rất có khả năng con tàu đang nằm ở độ sâu hơn 3657m ngoài bờ biển Newfoundland, Canada, tức là ở độ sâu gấp 8 lần so với con tàu Pisces III chở Mallinson và Chapman 50 năm trước. Các quan chức cho biết, nếu các thành viên vẫn còn sống sót, thì tính từ ngày 20/6, lượng oxy trong tàu còn đủ cho họ dùng trong khoảng 40 giờ. 

Khi sự sống bị rút cạn

Vào ngày 29/8/1973, Roger Chapman, 28 tuổi, và kỹ sư 35 tuổi Roger Mallinson bắt đầu chuyến lặn định kỳ bằng tàu Pisces III xuống đáy Đại Tây Dương, cách thành phố Cork, Ireland hơn 240 km. Tàu Pisces III khi đó được thuê để lắp đặt hệ thống cáp điện thoại nối từ Mỹ tới châu Âu. Sự cố xảy ra khi cánh cửa sập phòng máy của tàu bị vặn mở do một sợi dây nối tàu của họ với một con tàu nổi kéo bung cánh cửa. 

Hậu quả là nước bắt đầu tràn vào phần phía sau của con tàu. Tồi tệ hơn, tàu Pisces III đã lao xuống đáy biển với vận tốc 65 km/h sau khi chiếc dây kéo bị đứt. Ông Mallinson kể lại: “Chúng tôi đã phải tắt máy đo độ sâu bởi vì nó có thể nổ tung. Nhằm hạn chế va chạm, chúng tôi cuộn mình trong các tấm đệm, nhét vải vào miệng để tránh cắn phải lưỡi”. 

May mắn là khi chiếc tàu chạm đáy ở độ sâu 480m tại một cái rãnh, họ không bị thương, chỉ có các trang thiết bị là văng khắp nơi. Họ mất thêm vài giờ để sắp xếp lại mọi thứ và đảm bảo tàu không bị rò rỉ. 

Dù họ vẫn liên lạc được với đội cứu hộ trên mặt nước, nhưng với nguồn dưỡng khí oxy đang dần cạn kiệt, cả hai phải tận dụng mọi thứ có trong tàu để tồn tại, đồng thời hạn chế nói chuyện với nhau hết mức có thể. Tất cả những gì họ có thể làm là nằm yên một chỗ. Trên tàu còn duy nhất một chiếc bánh sandwich và một lon nước chanh, nên họ phải tiêu thụ tiết kiệm để kéo dài sự sống. Mallinson nhớ lại: “Chúng tôi không nói chuyện, chỉ siết chặt lấy tay nhau để khích lệ rằng mình vẫn ổn”. 

Sống sót sau vụ giải cứu tàu lặn lịch sử, người đàn ông kể lại ký ức kinh hoàng - Ảnh 3.

Trước đó, Mallinson đã lấy trộm một bình dưỡng khí và ông tin rằng chính chiếc bình này đã cứu mạng cả hai người. 

Ở trên mặt nước, đội cứu hộ cũng gặp phải hàng loạt sự cố khi triển khai kế hoạch cứu hộ. Có 3 chiếc tàu ngầm được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ nhưng 2 chiếc bị ngừng hoạt động do bị lỗi điện và ngấm nước. 

Ngày 01/09/1973, ba ngày sau vụ tai nạn, chiếc tàu lặn cứu hộ còn lại có thể gắn được sợi dây vào tàu Pisces III và kéo thành công tàu lên mặt nước. Sau khi lên được mặt nước, đội cứu hộ mất thêm 30 phút nữa để cạy mở cửa cabin. Mallinson nói thêm: “Phải mất 84 giờ để giải cứu chúng tôi. Chúng tôi không có đủ đồ ăn, thức uống cũng như oxy. Chúng tôi phải chia sẻ mọi thứ và chăm sóc lẫn nhau”. Mallinson kể lại khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc: “Trước khi chúng tôi được giải cứu, bình xi lanh chỉ rằng lượng oxy còn lại chỉ có thể kéo dài 12 phút nữa”. Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, đây là cuộc giải cứu dưới nước sâu thành công nhất thế giới trong lịch sử. 

Quay trở lại với câu chuyện của tàu ngầm Titan, hiện nay cả thế giới vẫn đang trông ngóng theo cuộc giải cứu nghẹt thở. Nếu thành công, cuộc giải cứu này sẽ “soán ngôi” tàu Pisces trong Kỷ lục Guinness Thế giới. Thế nhưng, nhiều chuyên gia đánh giá nếu Titan thực sự đã chìm xuống đáy biển thì việc giải cứu con tàu là bất khả thi. Kể cả nếu đưa một tàu ngầm khác xuống thì cũng không có đủ sức mạnh động cơ để kéo tàu Titan lên. Nhìn chung là có rất nhiều biến số xảy đến, và tàu ngầm Titan có thể sẽ không may mắn được như Pisces.