Chiếc tủ lạnh của tôi đã “đình công” được 2 năm rồi! Nhờ đó mà tôi phát hiện cách sống tối giản của mình.
Ban đầu, tôi ngày nào cũng đi làm, hiếm khi vào bếp nấu ăn, nên việc không có tủ lạnh cũng không gặp khó khăn gì cả.
Về sau, những tưởng cuộc sống bất tiện hơn khi căn bếp thiếu đi chiếc tủ lạnh, nhưng sự thật ngược lại, tôi vẫn sống rất tốt. Tôi bắt đầu “cháy” hết mình, tập tành nấu ăn, một ngày ba bữa đều tự lo, gần như không có ảnh hưởng gì cả.
Cứ thế cho đến hiện tại, tôi đã bỏ luôn ý nghĩ sửa tủ lạnh hay mua cái mới. Đối với tôi, đây được xem là một bước tiến mới trong cuộc sống tối giản.
1. Không có tủ lạnh: Hầu như không có cơ hội lãng phí thức ăn.
Chiếc tủ lạnh bị hư nói trên là cái thứ 2 mà tôi từng sử dụng. Ban đầu, tôi mua chiếc tủ lạnh hai cửa, đựng đầy thức ăn cho cả tuần, thậm chí là nửa tháng hoặc một tháng. Và rồi, xử lý những loại thực phẩm quá hạn hoặc hư hỏng là chuyện thường tình trong thời gian đó. Nguyên nhân đơn giản thôi, vì tôi dùng không hết, thậm chí còn quên luôn sự tồn tại của nhiều loại thực phẩm.
Đặc biệt là thịt. Tôi không thích ăn thịt, cũng không thích nấu. Nhưng vì để bảo đảm sức khỏe nên cứ mua về nhét đầy tủ lạnh. Kết quả là những khối thịt đó được đông cứng trong tủ lạnh tận 2-3 tháng. Rau xanh cũng chịu chung số phận, không những dập úa mà còn lên mốc, bốc mùi.
Sau đó, tôi đổi sang chiếc tủ lạnh một cửa nhỏ hơn. Nhưng vẫn không bỏ được thói lãng phí thực phẩm.
Bây giờ nghĩ lại mới thấm thía, mua và ăn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Mua thì dễ; chỉ cần một phút hăng say tưởng tượng trong đầu bao nhiêu món ngon thì lại thỏa sức mua về. Nhưng ăn thì phức tạp hơn, cần phải chuẩn bị, rồi nấu nướng, đã vậy còn phải rửa chén bát, lau dọn nhà bếp. Vậy nên đối với người không thích nấu nướng như tôi thì không có tủ lạnh là quyết định đúng đắn.
Ít nhất ở hiện tại, tôi không còn cơ hội để lãng phí thức ăn. Chỉ cần tối hôm nay nghĩ trước 3 bữa ăn cho hôm sau là được. Đi chợ mua thực phẩm đủ cho một ngày.
Vì không có tủ lạnh nên không thể bảo quản thực phẩm, tôi luôn cố gắng làm sao để tận dụng hết mức có thể. Rau thừa có thể muối chua. Thịt thì rang khô, để vài ngày cũng không hỏng. Nghĩ lại mới biết bản thân đã tôn trọng công sức lao động và thành quả của mình thế nào.
2. Không có tủ lạnh: Chỉ ăn đồ tươi ngon.
Lúc trước, tôi thường mua thực phẩm cho cả tuần, cân bằng giữa dinh dưỡng và sở thích. Một lần đi siêu thị là tay xách nách mang về nhà. Phân loại, thu dọn… nhưng cuối cùng cũng dùng không hết, lãng phí mất một nửa. Vừa tốn tiền tốn bạc, vừa uổng phí công sức mình bỏ ra.
Bây giờ không có tủ lạnh, bắt buộc thực phẩm mua ngày nào phải ăn hết ngày đó. Câu chuyện mua nhiều thực phẩm về để đông cứng rồi dùng dần đã đi vào dĩ vãng. Thực phẩm mua về và dùng luôn trong ngày thì đương nhiên tươi ngon rồi. Hơn nữa, điều này cũng giúp tôi tiết kiệm rất nhiều.
Khẩu phần ăn mỗi bữa vừa đủ nên tôi có thể kiểm soát được cân nặng của mình. Vóc dáng ổn hơn hẳn so với lúc trước.
3. Không có tủ lạnh: Triệt để bỏ thói quen tích trữ thức ăn.
Tích trữ là bản năng của con người. Tủ lạnh không có đủ lương thực, thực phẩm thì không an tâm, đứng ngồi không yên. Nói một cách khác, thức ăn đủ đầy cũng là một loại cảm giác an toàn.
Dự trữ đồ ăn thức uống là chuyện không sai. Cũng giống như thói quen của một số người phương Tây. Họ mua thức ăn đóng hộp có hạn sử dụng lâu dài về trữ trong hầm. Thói quen này xuất phát từ nỗi lo sợ về thiên tai bất ngờ, hoặc đơn giản hơn là thỏa mãn cảm giác an toàn trong lòng họ.
Bạn có thể tích trữ đồ ăn, nhưng với điều kiện là hạn sử dụng phải lâu dài. Quan trọng nhất, bạn phải sử dụng hết chúng nếu không muốn bị xem là lãng phí.
Đối với tôi, hiện tại không còn thói quen tích trữ thực phẩm. Trong nhà cũng không còn xuất hiện mùi đồ ăn quá nhiều. Cũng giống như cuộc sống, thức ăn mỗi ngày đều mới mẻ. Muốn ăn gì thì lập tức đi mua, xuống bếp nấu.
Chiếc tủ lạnh của tôi vẫn còn ở chỗ đó, chỉ là nó đã không được dùng đến từ lâu!
(Nguồn: Zhihu)