Anh Nick Molloy, đến từ Manchester (Anh) đã lái xe đưa vợ mình là Rachel đến bệnh viện lúc 7 giờ tối ngày 24 tháng 4 khi cô bắt đầu đau bụng và có dấu hiệu sắp chuyển dạ. Nhưng ngay khi vừa đến Bệnh viện Wythenshawe lúc 7 giờ 40 phút, trái tim Rachel đã ngừng đập và cô ngã quỵ xuống bãi đậu xe của bệnh viện.
Các bác sĩ đã nhanh chóng đưa cô vào bên trong để cấp cứu, Rachel đã được ekip bác sĩ cho mổ khẩn cấp để cứu mạng sống, thế nhưng dù có đến sự hỗ trợ của 75 bác sĩ cô vẫn qua đời 1 tiếng sau đó và không kịp nhìn thấy mặt con. Thậm chí Rachel còn không biết giới tính của con mình là gì bởi trước đó cả hai vợ chồng cô không hỏi trước bác sĩ để có sự bất ngờ.
Vợ chồng anh Nick và cô Rachel Molloy.
Cái chết của vợ đã khiến anh Nick vô cùng đau khổ, trước khi cô Rachel ra đi mãi mãi, anh chỉ kịp nói vài lời cuối cùng với vợ là con gái đã chào đời thành công.
"Tôi không thể tưởng tượng thế giới này mà không có cô ấy, bởi vì Rachel là thế giới của tôi. Thật đau buồn vì vợ tôi sẽ không bao giờ được nhìn thấy con gái nữa, nhưng tôi biết ký ức của Rachel sẽ sống mãi trong tâm trí của con và tất cả những người quen biết cô ấy".
Bé Isabella sinh ra phải chịu tổn thương não không hồi phục, sau khi nguồn cung cấp oxy và thức ăn bị cắt đứt trong bụng mẹ lúc cô Rachel ngừng thở. Bé hiện vẫn đang được chăm sóc bởi đội ngũ chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Saint Mary ở Manchester.
Cái chết của vợ là cú sốc với anh Nick.
Bé Isabella chào đời thành công nhưng bị tổn thương não do thiếu oxy.
Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Rachel là cô bị vỡ phình động mạch lách - một biến chứng hiếm gặp của thai kỳ thường giết chết cả mẹ và bé. Chứng phình động mạch là một chỗ phình ra trong một mạch gây ra bởi sự yếu kém trong thành mạch máu. Khi máu đi qua, huyết áp làm cho một khu vực nhỏ phình ra như một quả bóng. Nếu vỡ, nó có thể gây chảy máu bên trong và đe dọa tính mạng.
Tỷ lệ phụ nữ mắc chứng này cao gấp 4 lần so với nam giới và 95% là xảy ra trong thai kỳ, nhất là giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba. Các số liệu cho thấy chỉ có khoảng 25% bà mẹ sống sót sau khi bị vỡ phình động mạch lách, ở trẻ sơ sinh thậm chí tỉ lệ còn thấp hơn nhiều, chỉ có 5%.
Nguồn: Dailymail