Sốt xuất huyết: Nhà giàu cũng bị từ chối nhập viện vì quá tải
Đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, BV Đống Đa (Hà Nội), bác Trần Lê Dũng (Đê La Thành, Đống Đa) cho biết, cách đây gần 1 tuần, cơ thể đột ngột sốt cao 40 độ 3 hôm liên tiếp, nhưng bác chỉ nghĩ sốt virus cúm thông thường nên ở nhà uống hạ sốt.
Đến ngày thứ 4, thấy mũi ròng ròng chảy máu cam lại thêm xuất huyết trong miệng, gia đình mới hốt hoảng đưa bác vào BV ĐH Y Hà Nội để khám. Kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết nhưng BS vẫn đề nghị bệnh nhân chuyển về tuyến dưới điều trị vì quá tải.
Bác Trần Lê Dũng chấp nhận nằm giường gấp tại BV Đống Đa điều trị sốt xuất huyết sau khi bị 3 BV khác từ chối
"Sau đó tôi tiếp tục đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ và BV Việt Pháp - nơi tôi có thẻ khám chữa bệnh nhưng cũng đều nhận được những cái lắc đầu do hết chỗ. May quá, được bạn bè mách đến đây", bác Phúc kể.
Khi vào BV Đống Đa, tiểu cầu của bệnh nhân đã xuống dưới 5.000/ml, nên được chỉ định truyền tiểu cầu gấp. Đến nay sau 4 ngày điều trị, sức khoẻ của bác Phúc đã dần hồi phục.
Đi 4 nơi không được nhập viện
Trước đó, chị Đào Thị Cầu (Thanh Xuân, Hà Nội) mắc sốt xuất huyết, sốt cao 39,7 độ nhưng đi khám qua 4 BV: ĐH Y Hà Nội, Giao thông vận tải, Xanh Pôn và Bệnh nhiệt đới TƯ nhưng vẫn không được nhập viện. BS giải thích cho về nhà theo dõi do mới sốt ngày thứ 2.
BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, tâm lý chung của bệnh nhân là lo lắng, 9/10 người đi khám đều muốn nhập viện vì sốt cao, mệt mỏi. Tuy nhiên để tránh quá tải, các BV đều quán triệt chỉ cho nhập viện những trường hợp nặng, nguy cơ sốc.
Tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ, mỗi ngày có tới 800-1.000 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, nhưng số nhập viện chỉ chiếm 5-8%. Tỉ lệ nhập viện tại BV Đống Đa chiếm khoảng 20% trên tổng số 400-500 bệnh nhân đến khám/ngày.
Tay chân bất động vì sốt xuất huyết
Trong số nhiều ca đang điều trị sốt xuất huyết tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ, trường hợp bệnh nhân Lương Văn Dũng (35 tuổi, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) khá đặc biệt.
Anh Lương Văn Dũng rùng mình khi nhớ lại những gì mình đã trả qua
Anh Dũng cho biết, ngay ngày đầu tiên bị sốt cao gần 40 độ, sau đó đầu óc choáng váng, tay chân không thể cử động, được đưa ngay vào khoa A9, BV Bạch Mai cấp cứu.
Nghi ngờ bệnh nhân mắc viêm não, BS điều trị theo phác đồ viêm não nhưng 2 ngày không tiến triển. Sau làm xét nghiệm khẳng định bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nên chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới vào ngày 4/8 để điều trị tiếp. Đến nay tứ chi đã hoạt động trở lại.
Theo BS Đồng Phú Khiêm, khoa Hồi sức tích cực, trường hợp như bệnh nhân Dũng rất hiếm gặp. Vì thông thường sốt xuất huyết chỉ bắt đầu có biến chứng từ ngày thứ 4 trở đi, 3 ngày đầu dù sốt cao nhưng không nguy hiểm.
“Trường hợp này có thể trùng lặp bệnh lý khác vì trong y văn chưa từng ghi nhận ca sốt xuất huyết nào ngay ngày đầu bị liệt tứ chi”, BS Khiêm giải thích.
BS Đồng Phú Khiêm
S Khiêm cho biết, biến chứng đáng sợ nhất của sốt xuất huyết là tăng tính thấm thành mạch quá mức, gây sốc, suy đa phủ tạng kèm rối loạn đông máu rất nặng.
"Từng có bệnh nhân tiểu cầu về 0, chảy máu nhiều nơi, hay có trường hợp phải truyền đến 3 lít máu", BS Khiêm chia sẻ.
Những biến chứng hiếm gặp hơn là tổn thương não, viêm não, co giật. Nếu bệnh nhân có nền bệnh lý sẵn như tiểu đường, suy giảm miễn dịch... thì tình trạng sẽ nặng nề hơn, có thể bị nhiễm trùng huyết nặng hoặc viêm màng não mủ.
Với các ca biến chứng nặng, chi phí điều trị rất tốn kém. Những trường hợp suy đa tạng, nếu không có BHYT, chỉ tính riêng tiền lọc máu đã 15-20 triệu/ngày. Nếu tính cả chi phí xét nghiệm, thuốc nữa có thể lên tới 25-30 triệu/ngày và sẽ phải điều trị dài ngày.
Không nên tự ý truyền dịch
BS Trần Thị Hải Ninh khuyến cáo, người bệnh không nên tự ý truyền dịch tại nhà hay đến các phòng khám không đủ chuyên môn vì nếu không nắm rõ nguyên tắc truyền dịch trong sốt xuất huyết sẽ vô tình làm bệnh nặng thêm. Thậm chí có người đã phải đến cấp cứu trong trình trạng phù toàn thân, khó thở… vì quá tải dịch truyền.