Theo một tài liệu y học, thiếu giao tiếp xã hội nguy hiểm hơn thói quen hút 15 điếu thuốc mỗi ngày và mắc bệnh béo phì. Cảm giác cô đơn có thể chuyển thành bệnh lý ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể. Từ lâu, tổ tiên chúng ta đã học cách sống cùng nhau, thành lập nhóm để tăng cường sức mạnh vượt qua khó khăn.

Sống cô lập, thiếu giao tiếp xã hội vừa gây tổn thương về cảm xúc lẫn tâm lý vừa hình thành sự căng thẳng ảnh hưởng tới thể chất. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 2 tuần, bạn có nguy cơ cao phải đối mặt với cao huyết áp, trầm cảm, bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm bệnh Alzheimer.

Sự cô đơn tác động thế nào tới tim mạch, não bộ và thậm chí tuổi thọ? - Ảnh 1.

Julianne Holt-Lunstad, giáo sư tâm lý học tại Đại học Brigham Young cho biết, hầu hết mọi người coi các mối quan hệ trong cuộc sống chỉ liên quan đến cảm xúc, thay vì nhận thức sâu sắc tác động của điều này tới sức khỏe thể chất. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Julianne, những người thường xuyên cảm thấy cô đơn có khả năng tử vong sớm tới 26%. Con số này tăng lên 29% và thậm chí 32% với người có xu hướng sống một mình. Do đó, chúng ta cần quan tâm tới sức khỏe tâm lý như thực hiện chế độ ăn kiêng, tập thể dục để bảo vệ sức khỏe.

Điều gì gây nên sự cô đơn?

Nếu cô đơn là một căn bệnh thì hiện nay, chúng đã lan rộng thành đại dịch. Sự phát triển nhanh như chớp của khoa học công nghệ là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Dilip Jeste, chuyên gia y khoa kiêm viện trưởng Viện Lão khoa trực thuộc Trung tâm UC-San Diego đã chỉ ra, xã hội thay đổi kéo theo sự biến đổi về tâm lý. Trên thực tế, theo một cuộc khảo sát gần đây tại Mỹ, những người cảm thấy cô đơn nhất thường nằm trong độ tuổi từ 7-22, bao gồm cả người thích lẫn không thích dùng các phương tiện truyền thông xã hội.

Sự cô đơn tác động thế nào tới tim mạch, não bộ và thậm chí tuổi thọ? - Ảnh 3.

Nếu cô đơn là một căn bệnh thì hiện nay, chúng đã lan rộng thành đại dịch.

Những người trẻ tuổi cảm thấy lạc lõng hơn bao giờ hết khi họ sở hữu ít mối quan hệ trong xã hội. Trong khi đó, tuy buồn, cô đơn khi người thân qua đời hoặc sống một mình, người lớn tuổi lại có đủ kinh nghiệm, sức chịu đựng để chống chọi cảm xúc này. Do đó, theo chuyên gia Dilip, họ thực sự hạnh phúc hơn mọi người vẫn nghĩ.

Tuy nhiên, cảm giác cô đơn không đơn giản bắt nguồn từ thói quen sống một mình, ngại giao tiếp. Tình trạng này còn lệ thuộc vào chất lượng cuộc sống. Bạn càng hài lòng với các mối quan hệ thì càng cảm thấy bớt lạc lõng.

Theo Steve Cole, tiến sĩ khoa tâm lý học tại Trường Y David Geffen trực thuộc Đại học California tại Los Angeles, đây là vấn đề rất nhiều người tuổi trung niên đang trải qua do thời điểm này, họ thường phải đối mặt với những rắc rối trong công việc, bạn bè, gia đình, chuyện tình cảm lẫn con cái.

Cảm giác cô đơn tác động thế nào tới con người?

Theo phân tích tổng hợp của 70 nghiên cứu vào năm 2015, những người tuổi trung niên có nguy cơ tử vong cao hơn vì cô đơn so với các nhóm người khác. Sở hữu ít mối quan hệ, sống tách biệt với xã hội là nguyên nhân khiến họ thực hiện nhiều thói quen kém lành mạnh, sử dụng rượu bia, ăn đồ chiên rán, quan hệ bừa bãi và thậm chí sử dụng ma túy để tìm đến sự vui vẻ, hạnh phúc.

Sự cô đơn tác động thế nào tới tim mạch, não bộ và thậm chí tuổi thọ? - Ảnh 4.

Sở hữu ít mối quan hệ, sống tách biệt với xã hội là nguyên nhân khiến họ thực hiện nhiều thói quen kém lành mạnh, sử dụng rượu bia, ăn đồ chiên rán...

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra, cô đơn "mãn tính" gây mất lòng tin vào người khác, thiếu tự tin, dẫn đến hoang tưởng, trầm cảm. Khi không được kiểm soát, vấn đề này có thể gây nên hậu quả rất nghiêm trọng. Theo số liệu của Trung tâm phòng chống Tự tử Hoa Kỳ, tự tử trong hai thập kỷ qua đã tăng đáng kể, đặc biệt là nhóm tuổi từ 45-65.

Phải làm gì để bảo vệ bản thân khỏi sự cô đơn?

Giàu có, sở hữu một sự nghiệp thành đạt, gia đình êm ấm và có nhiều mối quan hệ xã hội giúp chống lại cảm giác cô đơn. Stephanie Cacioppo, tiến sĩ kiêm nhà thần kinh học tại Đại học Chicago khẳng định, giống như bệnh tật, tình trạng này dễ ngăn ngừa hơn điều trị. Dưới đây là một số việc làm có thể giúp bạn giảm bớt cảm giác lạc lõng và tăng cường các mối quan hệ trong cuộc sống:

- Tích cực giao tiếp: Chỉ 30 giây trò chuyện thân thiện với nhân viên cửa hàng hoặc đồng nghiệp cũng tác động tích cực tới tâm trạng.

- Tập thể dục và ngủ đủ giấc: Cả hai việc làm này đều góp phần thúc đẩy tâm trạng và sức khỏe tổng thể.

Sự cô đơn tác động thế nào tới tim mạch, não bộ và thậm chí tuổi thọ? - Ảnh 6.

Tập thể dục và ngủ đủ giấc đều góp phần thúc đẩy tâm trạng và sức khỏe tổng thể.

- Bắt đầu sở thích mới: Đừng ngại ngần đăng ký các lớp học khiêu vũ, hội họa hay thiền định. Học tập những điều mới lạ vừa giúp rèn luyện trí não vừa tạo điều kiện kết bạn với người xung quanh.

- Tham gia hoạt động tình nguyện: Giúp cải thiện cuộc sống của người khác cũng có thể đem lại niềm vui bất ngờ cho bạn.

- Nuôi thú cưng: Đây là việc làm đang được rất nhiều người ưa chuộng. Những chú cún vừa giúp bạn giảm căng thẳng vừa đem lại niềm vui trong cuộc sống.

(Nguồn: Pre)