Thuốc cho phụ nữ mang thai
Vấn đề an toàn cho phụ nữ mang thai đã được quan tâm và nghiên cứu từ rất lâu, cả trong quá trình phát triển thuốc. Tuy nhiên, những dữ liệu và kinh nghiệm lâm sàng khi sử dụng thuốc trong thai kỳ vẫn còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do phụ nữ mang thai là đối tượng không được phép thử nghiệm thuốc. Kết quả từ sự thực nghiệm trên động vật không thể suy ra cho con người. Do đó, ở mục khuyến cáo dành cho phụ nữ mang thai trên tờ thông tin thuốc thường là “Cân nhắc sử dụng dựa trên lợi ích, nguy cơ” (trừ các thuốc đã có chống chỉ định rõ ràng cho phụ nữ mang thai như isotretinoin, warfarin…). Có nghĩa là thuốc chỉ nên được kê đơn khi lợi ích cho người mẹ hoặc thai nhi vượt trội hơn so với nguy cơ dựa trên đánh giá nhiều phương diện của bác sĩ chuyên khoa.
Không có một thuốc nào là 100% an toàn. Thuốc cho phụ nữ mang thai càng phải thận trọng. Thuốc có thể an toàn cho thai nhi ở giai đoạn này, nhưng ở giai đoạn khác lại không đảm bảo. Ngay cả với những loại thuốc được xem là an toàn, rủi ro vẫn có thể xảy ra khi dùng liều cao. Đặc biệt là những biến cố hiếm gặp bởi chưa có đủ báo cáo, thống kê khoa học toàn diện. Hoặc thuốc được đưa ra thị trường chưa lâu và chưa có đủ thời gian để xác thực độ an toàn. Chú ý rằng, hệ thống phân loại mức độ an toàn của dược phẩm theo chữ cái (A, B, C, D, X) của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã được loại bỏ để thay thế bằng các thông tin cụ thể hơn về nguy cơ, đánh giá trên lâm sàng và dữ liệu liên quan. Điều đó nhằm cung cấp cho chuyên gia y tế cũng như thai phụ cái nhìn trực quan hơn về thuốc sắp được sử dụng để có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Để hạn chế tối đa các bất lợi cho thai nhi cả sau khi đứa bé được sinh ra, khi sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai bản thân người dùng thuốc cũng như cán bộ y tế cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Hạn chế tối đa dùng thuốc, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng kể cả với thuốc không cần kê đơn và thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung…
- Nếu bắt buộc phải dùng, nên chọn thuốc có độ an toàn cao nhất, dựa trên sự cân nhắc nhiều mặt của bác sĩ đối với sự an toàn của mẹ và thai nhi.
Thuốc sử dụng trong thai kỳ và yếu tố nguy cơ
Thuốc giảm đau - hạ sốt
Paracetamol (hay acetaminophen) là loại thuốc được xem là an toàn để giảm đau, hạ sốt cho thai phụ. Mặc dù có một số nghi ngờ về sự liên quan giữa loại thuốc này và chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý ở trẻ, nhưng không đủ bằng chứng để kết luận.
Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Vào tháng 10/2020, FDA đưa ra khuyến cáo tránh sử dụng nhóm thuốc này từ tuần thứ 20 trở đi của thai kỳ, bởi có thể gây ra các bệnh lý thận hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở thai nhi, dẫn đến lượng nước ối xung quanh em bé thấp và các biến chứng như suy thận, thậm chí tử vong cho thai nhi có thể xảy ra. Nguy cơ về đóng ống động mạch sớm ở thai nhi cũng đã được cảnh báo. Các thuốc trong nhóm này như aspirin, ibuprofen, naproxen, diclofenac, celecoxib… được sử dụng phổ biến. Cần chú ý cả trong các sản phẩm thuốc, sirô trị ho và cảm sốt nhiều thành phần bởi rất có thể có chứa các hoạt chất này.
Thuốc điều trị tăng huyết áp
Tăng huyết áp mạn tính và tăng huyết áp thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ hạn chế tăng trưởng thai nhi, thiếu nước ối, sinh non và thai chết lưu. Các thuốc được ưu tiên sử dụng là methyldopa, labetalol và hydralazine. Trong đó methyldopa thường là lựa chọn đầu tay của bác sĩ trong suốt thai kỳ và hydralazine thường được dùng trong tăng huyết áp cấp và tiền sản giật. Việc theo dõi huyết áp trong thai kỳ là vô cùng quan trọng, bởi nếu huyết áp thấp do điều trị các thuốc hạ áp quá mức cũng làm giảm tưới máu nhau thai, làm thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung.
Nhóm thuốc ức chế men chuyển: Như captopril, enalapril, lisinopril, ramipril… cùng với nhóm thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II ( losartan, valsartan…) không được khuyến cáo sử dụng trong giai đoạn 2 và 3 của thai kỳ, bởi dữ liệu nghiên cứu còn ít ỏi, cũng như những nguy cơ gây độc cho bào thai đã được ghi nhận.
Thuốc chống dị ứng và corticoid
Các thuốc kháng histamine (cả thế hệ 1 và 2) đều được khuyên chỉ nên sử dụng khi thật cần thiết để chống dị ứng vì thiếu dữ liệu an toàn. Trong đó, chlorpheniramine là thuốc được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, dùng thuốc trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể dẫn đến những phản ứng nghiêm trọng (như cơn động kinh) ở trẻ sơ sinh.
Các corticoid dùng đường uống, đặc biệt khi sử dụng liều cao sẽ làm tăng nguy cơ dị tật sứt môi, hở hàm ếch, nhẹ cân, sinh non ở trẻ và đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật ở người mẹ. Đối với thai phụ bị hen suyễn hoặc viêm mũi, corticoid dạng hít được khuyến cáo sử dụng cùng với các liệu pháp thông thường vì không gây ra các nguy cơ như corticoid dạng uống.
Thuốc điều trị đái tháo đường
Thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng và quản lý cân nặng là những liệu pháp để kiểm soát đường huyết trong thai kỳ, nếu không hiệu quả mới sử dụng thuốc. Khi Insulin là lựa chọn ưu tiên để kiểm soát đái tháo đường vì thuốc không qua được nhau thai. Tuy nhiên, có rất nhiều loại insulin khác nhau về hoạt lực và thời gian tác động. Loại insulin sử dụng nên được bác sĩ chỉ định để kiểm soát đường huyết tốt hơn cũng như giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết quá mức ở cả mẹ và thai nhi. Các thuốc uống khác như metformin, không được khuyến cáo sử dụng, dù không gây ra các nguy cơ đáng kể.
Thuốc chống nôn
Khi tuân theo sự chỉ định của bác sĩ, các thuốc chống nôn được xem là tương đối an toàn cho thai nhi. Bên cạnh đó, phương pháp chia nhỏ bữa ăn và sử dụng gừng tươi để chống nôn cũng được khuyên dùng vì hiệu quả và an toàn.
Không có một thuốc nào là 100% an toàn. Thuốc cho phụ nữ mang thai lại càng phải được thận trọng. Thuốc có thể an toàn cho thai nhi ở giai đoạn này, nhưng ở giai đoạn khác lại không đảm bảo. Ngay cả với những loại thuốc được xem là an toàn, rủi ro vẫn có thể xảy ra khi dùng liều cao. Đặc biệt là những biến cố hiếm gặp bởi chưa có đủ báo cáo, thống kê khoa học toàn diện. Hoặc thuốc được đưa ra thị trường chưa lâu và chưa có đủ thời gian để xác thực độ an toàn.