Nhiễm độc từ những bữa ăn hàng ngày

Đối với nhiều cơ sở kinh doanh, việc biến hóa thịt ươn, bún phở, cá biển... trở nên đẹp đẽ, bắt mắt không hề khó khăn. Chỉ bằng vài thao tác đơn giản như cho thực phẩm ngâm qua hàn the, phoocmon, hóa chất... thực phẩm “xấu” sẽ  trở thành vô cùng tươi ngon.

Ngày nghỉ cuối tuần chị Loan ở quận 12, TpHCM thường đổi món cho cả nhà. Sáng sớm chị đi chợ mua các loại thực phẩm cần thiết chuẩn bị làm bún riêu cua thì ông bà nội gọi có việc gấp. Lúc đi quên bỏ bún vào tủ bảo quản, để nguyên trên giá ở góc bàn bếp.

Buổi chiều, lúc về nhà, chị Loan thấy nơi góc bàn bếp có thứ gì đó sáng màu. Bật điện sáng chị mới thấy rõ đĩa bún nằm đó. Chợt nhớ đến thông tin bún bị tẩm hóa chất thường phát sáng trong bóng tối, chị Loan giật mình lo lắng và vội bỏ đĩa bún đi.

Tâm lý chung, chị em nào cũng muốn chọn thực phẩm tươi ngon, nhiều chất dinh dưỡng. Nhưng ít ai có thể thẩm định được thực phẩm tươi tự nhiên hay nhân tạo trong khi phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi trên thị trường. Thực chất những loại thực phẩm đẹp mã bề ngoài này được tẩy trắng bằng các loại hóa chất vô cùng độc hại.

Còn đối với các loại thịt, để “phù phép” biến thịt thối thành thơm, nhiều người kinh doanh đã ngâm thịt vào dung dịch sulfur dioxide pha với nước trong thời gian ngắn. Kết quả thịt thối, bốc mùi chuyển màu đỏ tươi như thịt mới. 

Sự nguy hiểm của thực phẩm "tươi ngon" nhờ hóa chất 1
Bún cũng bị coi là thực phẩm bị làm trắng nhờ hóa chất. Ảnh minh họa

Sự nguy hiểm của thực phẩm chứa hóa chất

Trong số các chất sử dụng tẩy trắng thực phẩm tinopal trong bún phở, benzoyl peroxyde và calcium peroxide trong gạo và hóa chất tẩy rửa thịt thì tinopal dễ dàng nhận biết nhất hơn cả. Bởi chất này có khả năng phát quang làm sợi bún bóng sáng, để trong bóng tối có khả năng phát ánh sáng, dùng đèn cực tím chiếu vào bún nhiễm tinopal sẽ phát quang. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội phân tích, Tinopal là một chất dùng trong công nghiệp thường được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy,… Chất này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm. Nhiều người vì lợi nhuận kinh tế cho tinopal vào bún để làm tăng vẻ đẹp bề ngoài, đẹp mã thu hút khách. Tuy nhiên, thực tế chất này rất nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Nhẹ thì chất này làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Nếu ăn bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư.

Theo tiến sĩ Thịnh, phân biệt bún nhiễm tinopal không khó, ngoài ngửi, người tiêu dùng chỉ cần chú ý quan sát thực phẩm bằng mắt thường nếu thấy bún trắng bất thường thì không nên mua. Người mua có thể dùng đèn cực tím chiếu thẳng vào chỗ bún tươi, nếu thấy bún phát sáng là người sản xuất có dùng chất Tinopal tẩy trắng. Hoặc nghiêng bún dưới nắng, nếu thấy sợi bún bóng bẩy, óng ánh thì cũng không đảm bảo an toàn. 

Đối với bún khô, nên tránh xa những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không nhãn hiệu, bao bì, cơ sở sản xuất, địa chỉ liên hệ và không có hạn sử dụng. 

Sự nguy hiểm của thực phẩm "tươi ngon" nhờ hóa chất 2
Nhiều cơ sở kinh doanh cũng dùng hóa chất để tẩy rửa thịt. Ảnh minh họa

Còn với chất Sodium benzoat và benzoyl peroxyde, theo quy định của Bộ Y tế thì đây là chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng vào một số nhóm thực phẩm như sản xuất mì và các sản phẩm tương tự để chống vi sinh vật, chống thiu và chua. Tuy nhiên, chất này đã bị cấm sử dụng làm phụ gia thực phẩm tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ở Việt Nam hai chất này chỉ được phép dùng làm phụ gia trong ngành thực phẩm nhưng thực tế có rất nhiều cơ sở sản xuất đã lạm dụng, sử dụng chất này vượt mức cho phép để tẩy trắng gạo.

Tiến sĩ Thịnh cho biết, Bộ Y tế đã có quy định rất rõ ràng bezoyl peroxyde chỉ được dùng không quá 0,075gram trong 1 kg bột. Nếu dùng Sodium benzoate và benzoyl peroxyde đúng hàm lượng cho phép của bộ y tế thì không có ảnh hưởng nhiều nhưng lạm dụng có thể gây tổn hại đến sức khỏe. Dùng quá liều sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa, suy gan, thận, có thể bị ung thư và trường hợp xấu nhất là gây tử vong. 

Thực phẩm bị ôi thối có rất nhiều chất độc, nhất là chất histamin được sản sinh trong quá trình chuyển hóa do ươn. Nếu ăn lượng cao chất này có thể gây nên ngộ độc như đau bụng đi ngoài, đau đầu nôn mửa, thậm chí gây chết người tức thì. Ở mức độ nhẹ, nếu không có biểu hiện tức thì, về lâu dài chất độc sẽ nhiễm vào cơ thể gây nên nguy cơ mù mắt, đau xương, thậm chí gây ung thư... Những hóa chất được dùng để tẩy trắng thực phẩm có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, về lâu dài có thể gây nguy hiểm đến cơ quan nội tạng như gan, thận, dạ dày…

Mặc dù trên thị trường đang tràn lan gạo nhiễm hóa chất độc hại nhưng hiện nay vẫn chưa có biện pháp nào đề nhận biết gạo nhiễm hóa chất. Việc nhận biết thực phẩm tẩm hóa chất lại rất khó, chủ yếu dựa vào trực giác như nhìn màu sắc, ngửi mùi.

Vì vậy, an toàn nhất là người tiêu dùng khi nên mua hàng ở những địa điểm, cơ sở có uy tín đã được kiểm định. Nên chọn hàng không bị tồn kho lâu ngày trước khi đưa ra sử dụng, không mua các sản phẩm có màu sắc quá lòe loẹt, có mùi lạ so với sản phẩm bình thường.



 Hương thơm: Nhiều quyến rũ nhưng cũng nhiều điều đáng ngại 
Sự nguy hiểm của thực phẩm "tươi ngon" nhờ hóa chất 3