Cậu bé 10 tuổi thoát chết nhờ bám vào tấm ván

Rafael là một trường hợp sống sót lạ kỳ trong siêu bão Haiyan, cơn bão mạnh kỷ lục vừa cướp sinh mạng của hơn 10.000 người Philippines, phá hủy nhà cửa, cơ sở vật chất của quốc gia Đông Nam Á này.

Trước bão, mẹ và 6 anh chị em của Rafael tới trung tâm sơ tán. Rafael và cha ở lại nhà. Mưa lớn, nước dâng cao khiến ngôi nhà em sập xuống. Rafael chứng kiến cảnh bức tường đè lên cha khiến ông tắt thở mà không thể làm gì để cứu cha. Bé trai bám vào một tấm ván và thiếp vì mệt và sợ hãi. Khi tỉnh dậy, Rafael thấy em đang nằm trong một ngôi làng khác. Sau đó, em đã tìm thấy người thân tại một trung tâm sơ tán.

Bé Yoonadale chào đời làm ấm lòng những người đang sống dở chết dở vì bão Haiyan.

Cô Jaro, 18 tuổi, có dấu hiệu chuyển dạ. Tuy nhiên, mọi cơ sở y tế tại thành phố Tacloban đều đổ nát sau khi bão Haiyan tấn công thành phố này. May mắn thay, lực lượng cứu hộ đã đồng ý dùng máy bay quân sự C-130 chở cô đến trung tâm y tế dã chiến tại sân bay Tacloban. Trên đường đến trung tâm y tế, Jaro đã chuyển dạ. Đoàn cứu trợ trở thành bà đỡ bất đắc dĩ, giúp Jaro sinh con thành công.

Cô Jaro quyết định đặt tên cho con gái là Yoonadale, gần giống như tên siêu bão Yolanda, vì con gái cô chào đời trong hoàn cảnh đau thương của người dân Philippines.

Em bé chào đời giữa đống đổ nát

Sự sống nẩy nở sau siêu bão Haiyan ở Philippines 1
  

Bé Bea Joy chào đời tại khu sân bay vừa bị bão Haiyan tàn phá. Ảnh: AP.

Cô Emily Sagalis chuyển dạ ngay tại khu sân bay ở Tacloban, nơi bão Haiyan tàn phá dữ dội. Sân bay biến thành trung tâm y tế tạm thời. Sắt, mảnh vỡ kính, đinh và đủ các loại rác ngổn ngang quanh giường mà cô nằm. Trong không khí ảm đạm ấy, một bé gái đã chào đời. Bà mẹ trẻ đặt tên con là Bea Joy, giống tên mẹ cô, người mất tích trong siêu bão.

“Em bé rất xinh. Tôi sẽ đặt tên con là Bea Joy theo tên mẹ Beatriz của tôi”, bà mẹ 21 tuổi nói.

Sagalis vui vì con gái ra đời kỳ diệu nhưng buồn và lo lắng cho mẹ. Mẹ cô trôi theo dòng nước lũ trong bão Haiyan và mất tích từ đó.

Một bác sĩ quân đội kể rằng Sagalis vỡ ối khi cô vừa bước vào khu y tế tạm thời. Trong suốt quá trình chuyển dạ, cô mất nhiều máu. Bác sĩ lo ngại Sagalis có thể nhiễm trùng trong môi trường bẩn thỉu của khu trạm xá.